Thứ Sáu, 27/02/2015, 14:12 (GMT+7)
.

Thế chân kiềng của nền nông nghiệp phát triển

Sau bài “Đâu là thế mạnh của Tiền Giang?”, có một số bạn đọc gặp tôi bảo: “Câu hỏi ông đặt ra tỉnh nên tổ chức hội thảo bàn bạc sâu thêm, tạo sự đồng thuận cao và biến thành chủ trương phát triển của tỉnh”.

Liên hệ đường lối, chủ trương của Đảng về “tam nông” và một số dữ liệu, thông tin liên quan thu thập được, tôi nghĩ tỉnh ta nên chọn thế mạnh là nông nghiệp và phấn đấu xây dựng trên thế chân kiềng vững chắc của 3 trụ cột sau đây: Nông dân tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao và nông thôn mới.

Đóng gói sapô xuất khẩu tại chợ trái cây Vĩnh Kim. Ảnh: Vân Anh
Đóng gói sapô xuất khẩu tại chợ trái cây Vĩnh Kim. Ảnh: Vân Anh

Nông dân tiên tiến: Đây là nói về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết, qua việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ để củng cố các tổ chức đảng cơ sở vững mạnh, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm sự thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn. Có kế hoạch đào tạo học sinh, sinh viên các chuyên ngành Nông nghiệp. Có chính sách thu hút cán bộ, trí thức về công tác lâu dài ở nông thôn.

Tăng cường xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc bình chọn tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Phát huy vai trò của MTTQVN, các đoàn thể nhân dân phối hợp với Hội Nông dân, ngành Nông nghiệp trong các phong trào khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới.

Đáng chú ý, nhân lực cho sản xuất nông nghiệp (viết tắt: làm nông) ngày càng khan hiếm, do làm nông vẫn là nghề vất vả, thu nhập không ổn định, không thu hút giới trẻ. Ngay cả ở nước có nền nông nghiệp công nghệ cao là Nhật Bản, lao động làm nông cũng ngày càng ít đi.

Bộ phim tài liệu do VTV phối hợp với một Đài Truyền hình Nhật Bản sản xuất có mấy con số sau đây: Tuổi lao động trung bình làm nông ở Việt Nam hiện nay là 45, ở Nhật Bản là 66, thậm chí có nhiều cụ trên 80 vẫn còn làm, và tác giả hỏi: 20 - 30 năm nữa còn mấy người sản xuất ra thịt, cá, trứng, sữa, rau, hoa, quả… cho xã hội? Hiện người trẻ ở cả 2 nước có tâm huyết, đam mê, chịu khó làm nông đếm được trên đầu ngón tay (1).

Nông nghiệp công nghệ cao: Gần đây ta nói đến nhiều, cho biết sẽ (hoặc đã) quy hoạch khu vực công nghệ cao cho từng loại cây, con nhưng chưa thấy mô hình, chưa có tấm gương để nghiên cứu, nhân ra. Dù tín hiệu vui xuất hiện dồn dập trên báo, đài tỉnh:

Nhiều mô hình trong lĩnh vực thủy sản đạt hiệu quả cao; hiệu quả “kép” từ việc sử dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời ở xã Lương Hòa Lạc; tổ hợp tác sản xuất thanh long Chợ Gạo đạt chứng nhận VietGAP và được cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ; thu tiền tỉ từ nghề nuôi rắn, kỳ đà… Chưa kể còn biết bao tín hiệu vui khi một vài trường hợp thành công tạm thời mà tín hiệu buồn lan rộng sau đó.

Gần đây, một tin giật gân “Sản phẩm “độc” sản xuất không đủ để bán sang Nhật và Hàn Quốc” đưa tin Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phú Đạt, xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông) thành lập năm 2008, đi vào sản xuất năm 2010, “lúc đầu mượn máy móc hiện đại của Nhật về sản xuất ra nguồn nguyên liệu…

Sau đó, chúng tôi cử kỹ thuật viên sang Nhật học hỏi kinh nghiệm vận hành máy. Chỉ trong thời gian ngắn, nguồn nguyên liệu đã được sản xuất thành công và công ty mua lại toàn bộ hệ thống máy móc, công nghệ của họ” (lời ông Thuyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc) (2).

Thật cần suy ngẫm ý kiến sau đây của ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ: “… 3 yếu tố mà 10 năm trước cũng đã chỉ ra, nhưng 10 năm sau chắc vẫn còn nói tới, đó là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và vốn… Trong khi ý tưởng mới có tính đột phá cho sự phát triển thì còn quá nghèo nàn, quanh quẩn chỉ là những cái gọi là tiềm năng mà đi tỉnh nào cũng nghe nói, đó là lúa gạo, trái cây, thủy sản…”(3).

Nông thôn mới: Đây là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, đang huy động sức mạnh cả nước chung sức chung lòng xây dựng và đã có những thành công ban đầu đầy hứa hẹn. Đây là xây dựng nông thôn Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc, văn minh và hiện đại mà Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn (11-1998) đã đề ra, thể hiện tính ưu việt của  chủ nghĩa xã hội.

Với nguồn nhân lực chất lượng cao và nền nông nghiệp công nghệ cao mà xây dựng nông thôn mới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TRẦN  QUÂN

(1)    VTV1 phát lúc 21 giờ 17-1-2015;
(2)    Ấp Bắc 21-1-2015, tr.5;
(3)    Phát biểu tại cuộc hội thảo mini nhân khai trương Văn phòng đại diện VCCI Cần Thơ tại Tiền Giang (12-2014).

.
.
.