Thứ Sáu, 21/08/2015, 13:50 (GMT+7)
.

Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về quyền trẻ em

Triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, trẻ em tỉnh nhà đã được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện đầy đủ các quyền của mình cũng như tạo môi trường sống an toàn, phát triển hài hòa của trẻ trong tình hình mới thông qua việc xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”…

Tuy nhiên, trên thực tế, quyền tham gia của trẻ em chưa được nhận thức và thực hiện một cách đầy đủ, nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở còn thiếu và yếu; cách thức tuyên truyền chưa đồng bộ, tính hệ thống chưa cao, nội dung còn nghèo nàn, chưa phong phú, biện pháp truyền thông đơn điệu; việc tuyên truyền, giáo dục chưa đến từng gia đình và trẻ em.

Diễn đàn “Trẻ em nói” là hoạt động giúp trẻ em thực hiện quyền bày tỏ chính kiến của mình.
Diễn đàn “Trẻ em nói” là hoạt động giúp trẻ em thực hiện quyền bày tỏ chính kiến của mình.

Để tăng cường công tác truyền thông nhằm vận động xã hội cùng hưởng ứng việc tham gia thúc đẩy quyền trẻ em, trong thời gian tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh nhà cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và vận động xã hội, trong đó nghiên cứu hành vi có liên quan của các đối tượng ưu tiên và đối tượng đích, bao gồm bối cảnh văn hóa, phong tục, tập quán và lối sống. Xây dựng các tài liệu đào tạo, huấn luyện, thực hành và các tài liệu phổ biến kỹ năng. Tập huấn giảng viên nguồn và đội ngũ truyền thông nòng cốt. Tiến hành các chiến dịch truyền thông phổ biến, chiến dịch hướng dẫn thực hành thí điểm tại cộng đồng. Đánh giá sự thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi ở đối tượng thí điểm.

- Tăng cường chất lượng thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề cho từng đối tượng như: Các nhà hoạch định chính sách, các ngành, trường học, cộng đồng, các bậc cha mẹ và cho chính trẻ em để nâng cao nhận thức và năng lực.

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp về kỹ năng, phương pháp truyền thông. Đa dạng hóa các tài liệu truyền thông cho phù hợp với các đối tượng khác nhau trong xã hội, bao gồm cả trẻ em. Tăng cường năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình truyền thông, hiệu quả truyền thông để rút kinh nghiệm. Tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt. Xây dựng và đào tạo đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên cộng đồng và động viên, khuyến khích mọi người tích cực tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Phát triển các dịch vụ tư vấn, tham vấn, mở rộng hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em và phát triển hệ thống đường dây tư vấn miễn phí.

- Vận động xã hội tổ chức các sự kiện về quyền của trẻ em hoặc có sự tham gia của trẻ như: Tổ chức Diễn đàn trẻ em; hội thi, liên hoan văn hóa - nghệ thuật của trẻ…

Quyền tham gia của trẻ em cần được coi là một hợp phần của tiến trình thực hiện dân chủ, nâng cao dân trí của Đảng và Nhà nước ta. Thực hành quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội và gia đình sẽ đáp ứng được các mục tiêu và mang lại nhiều lợi ích như:

Đào tạo được các thế hệ công dân hiểu biết và có kỹ năng thực hành dân chủ từ lúc tuổi còn nhỏ, là những công dân góp phần xây dựng một đất nước dân chủ, công bằng và văn minh; biết bảo vệ quyền của mình, tôn trọng quyền và lợi ích của người khác, của cộng đồng và của xã hội. Đây cũng là nền tảng để tạo ra các mối quan hệ xã hội lành mạnh, công khai.

Trẻ em sẽ được phát hiện, sử dụng sớm và có hiệu quả năng lực của mình nếu được giao tiếp, được thông tin, được tự bộc lộ và thể hiện chính bản thân mình. Đây cũng chính là chìa khóa để mở các cánh cửa cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục, lấy trẻ em làm trung tâm của quá trình giáo dục, xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực.

Ngoài ra, các mối quan hệ bình đẳng, thân thiện, tin cậy giữa trẻ em với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình từng bước được hình thành mà vẫn không phá vỡ quan hệ truyền thống trong gia đình Việt Nam. Các giá trị truyền thống về ngôi thứ, tôn ti… trong gia đình được bổ sung và hài hòa với các giá trị mới về bình đẳng, trách nhiệm. Môi trường giáo dục và chăm sóc trẻ em trong gia đình từng bước thích ứng và hòa nhập với các giá trị toàn cầu, đặc biệt là giá trị quyền con người. 

CHÂU HẢO

.
.
.