Thứ Tư, 25/05/2016, 15:54 (GMT+7)
.

Cách tiếp cận để giảm giá thành tôm nuôi nước lợ

Giá thành nuôi tôm nước lợ Việt Nam trong những năm gần đây cao làm cho giá xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam cao hơn đáng kể so với các nước đối thủ như Ấn Độ, Indonesia. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2016, mặc dù giá XK tôm của Việt Nam sang các thị trường tiếp tục xu hướng giảm nhưng còn cao hơn so với các nước đối thủ nên vẫn khó cạnh tranh. Do đó, việc phân tích để tìm ra nguyên nhân nhằm giảm giá thành nuôi tôm là việc làm cấp thiết.

Nhiều bất cập làm tăng giá thành nuôi tôm

Hiện nay, chất lượng con giống được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giá thành tôm nuôi của Việt Nam. Tôm giống (TG) của Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo chất lượng là do nhiều cơ sở sản xuất TG tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất TG sạch bệnh.

Công tác kiểm dịch TG còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ; việc khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán chưa được các cơ sở sản xuất, đại lý cung cấp TG thực hiện nghiêm túc. Việc tập huấn, hướng dẫn, quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh TG chưa được quan tâm đúng mức.

Cần giảm giá thành nuôi tôm để tăng lợi nhuận cho nông dân và tăng khả năng cạnh tranh tôm Việt Nam trên thị trường thế giới (Ảnh chụp ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).
Cần giảm giá thành nuôi tôm để tăng lợi nhuận cho nông dân và tăng khả năng cạnh tranh tôm Việt Nam trên thị trường thế giới (Ảnh chụp ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).

Một số cơ sở kinh doanh TG làm ăn kiểu chụp giựt bán TG không nhãn hiệu bao bì, không đảm bảo chất lượng. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển trại sản xuất TG còn chậm, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức…

Mặc dù ta đang nhập tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF) từ nước ngoài có đăng ký nhưng chất lượng tôm Post không đều khiến cho chi phí nuôi có thể tăng lên đáng kể nếu người nuôi mua phải những lô TG không rõ nguồn gốc, đã nhiễm kháng sinh, mầm bệnh, chậm lớn...

Giá thức ăn và chất lượng thức ăn nuôi tôm đang bị chi phối bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong vòng khoảng 15 năm qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tham gia ngành sản xuất thức ăn nuôi tôm công nghiệp như các doanh nghiệp FDI đến từ Thái Lan (Công ty CP), Đài Loan (Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu), Trung Quốc (Thăng Long, Tongwei, Hoa Chen), Hàn Quốc (CJ Master), Pháp (Tomboy), Mỹ (Cargill).

Các doanh nghiệp này ngày càng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Không chỉ sản lượng lớn, các công ty này còn có nguồn nguyên liệu đầu vào tốt, đặc biệt với 2 nguồn nguyên liệu chính là bột cá (nguồn gốc từ Peru, Chile), đậu nành (Mỹ).

Hơn nữa, vốn của các doanh nghiệp FDI rất dồi dào, với chi phí lãi vay thấp từ các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam không đủ vốn đầu tư cho đại lý và người dân nên khó phát triển được thị phần, không thể tăng giá khi có biến động chi phí đầu vào.

Trong khi đó, cứ đến lúc tôm tăng trưởng mạnh là giá thức ăn lại đồng loạt tăng, dẫn đến giá thành sản xuất tăng thêm. Theo tính toán hiện nay, giá thức ăn nuôi tôm của Việt Nam cao hơn Ấn Độ 2 USD/kg. Còn theo nông dân nuôi tôm, thức ăn nuôi tôm chiếm tới 70% tổng chi phí cho mỗi chu kỳ nuôi tôm nên đây là yếu tố quan trọng quyết định đến giá thành.

Mặt khác, hiện nay sản lượng tôm tự nuôi của doanh nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 10.000 tấn so với tổng sản lượng 300.000 tấn tôm nguyên liệu cả nước. Trong khi đó, hầu hết các hộ nuôi tôm có quy mô nhỏ, vị trí xa khu vực chế biến nên số lượng đầu mối trung gian nhiều khiến chi phí tăng cao.

Nhiều trường hợp thiếu vốn họ chấp nhận mua nợ nên cũng không thể đàm phán tỷ lệ chiết khấu hoặc rất dễ dãi chấp nhận mức chiết khấu cao của đại lý do thông tin giá tôm vụ trước ở mức cao dẫn đến tình trạng không kiểm soát giá thành nuôi. Chưa kể để giảm bớt rủi ro, các đại lý có thể tính mức chiết khấu cao cho an toàn cũng làm tăng giá thành của người nuôi.

Cần cấp bách hạ giá thành tôm nuôi

Trước những bất cập khiến giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao hơn so với các nước đối thủ xuất khẩu tôm lớn, để giảm giá thành nuôi tôm nước lợ, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần phải có biện pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tổ chức lại sản xuất và biện pháp quản lý.

Theo các chuyên gia ngành Thủy sản, để nâng cao chất lượng con giống, Nhà nước cần có nghiên cứu điều tra tình hình sản xuất giống trong cả nước để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý cả khâu sản xuất và lưu thông con giống để người nuôi mua được TG với giá hợp lý, ít qua trung gian, cũng như không mua phải TG xấu, chất lượng kém.

Triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện; đồng thời hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn.

Tăng cường phối hợp với những trung tâm đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật ngành thủy sản lớn để đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các trại sản xuất, kinh doanh TG; đồng thời chuyển giao, phổ biến quy trình sản xuất giống sạch cho các trại sản xuất giống địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống tại chỗ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có quy định cụ thể về chất lượng TG như thế nào là đạt yêu cầu để các trại TG có cơ sở kiểm soát chất lượng; đồng thời tạo điều kiện để việc thẩm định chất lượng tôm giống dễ dàng hơn.

Theo VASEP, giá thành sản xuất tôm tại Việt Nam cao đang là nguyên nhân chính dẫn tới giá XK tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ. Giá tôm NK từ Việt Nam cao hơn so với hầu hết các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ như: Indonesia, Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Trung Quốc.

Cần có khảo sát và so sánh giá thức ăn tôm trong nước với giá thức ăn tôm ở nước ngoài cả trong khâu sản xuất lẫn khâu lưu thông qua trung gian để đánh giá sự chênh lệch giá và việc bắt tay làm giá của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn tôm.

Từ đó, có các biện pháp quản lý để ổn định giá cả và đảm bảo yếu tố cạnh tranh; đồng thời người dân cũng không bị rủi ro khi phải mua thức ăn có chất lượng không tương ứng với chi phí bỏ ra, hoặc phải trả quá nhiều chi phí trung gian.

Cần có nghiên cứu điều tra chi tiết cấu trúc nghề nuôi tôm gắn liền với các tầng trung gian trong cung cấp thuốc và các loại chế phẩm sinh học. Từ đó có các biện pháp quy hoạch, tổ chức lại các khâu trung gian hợp lý để giảm thiểu giá thành.

Cơ quan quản lý địa phương thường xuyên theo dõi hoạt động và sự tuân thủ để xử lý kịp thời các tình trạng các sản phẩm vật tư nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản không nguồn gốc, hàng cấm, đầu cơ, tạo khan hiếm để trục lợi. Cần thiết lập các cơ chế để giúp người nuôi có thể thỏa thuận một cách sòng phẳng, tránh được những rủi ro khi mua hàng của các đại lý và đặc biệt họ có thể tối ưu hóa giá thành trong nuôi tôm.

Giảm giá thành nuôi tôm là cách tiếp cận quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững, là yếu tố chính để tạo dựng và duy trì năng lực cạnh tranh cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Vì vậy, việc xem xét và cải thiện các yếu tố trên để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam là thực sự cần thiết.

THÀNH CÔNG

.
.
.