Thứ Hai, 30/05/2016, 15:43 (GMT+7)
.

Thấy gì qua Chỉ số PAPI của Tiền Giang?

Báo cáo về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 đã được công bố vào ngày 12-4. Năm 2015, nhóm nghiên cứu Chỉ số PAPI đã thu thập ý kiến của 13.995 người dân được chọn ngẫu nhiên và đại diện cho dân số Việt Nam. Theo đánh giá chung, kết quả khảo sát Chỉ số PAPI năm 2015 cho thấy, xu hướng suy giảm trong hiệu quả quản trị cấp tỉnh ở Việt Nam, trong đó có Tiền Giang.

Chỉ số PAPI đã góp phần chỉ ra những tồn tại trong quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Chỉ số PAPI đã góp phần chỉ ra những tồn tại trong quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Theo Báo cáo về Chỉ số PAPI năm 2015 vừa được công bố, cũng như đối chiếu với số liệu của những năm gần đây cho thấy, các chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số PAPI của Tiền Giang có biến động lớn và theo xu hướng giảm điểm là chủ yếu.

Cụ thể, trong 6 chỉ số nội dung thành phần Chỉ số PAPI năm 2015 của Tiền Giang, có đến 5 nội dung giảm điểm. Đáng chú ý là một số chỉ số bị giảm điểm và giảm cả thứ hạng khá cao so với 63 tỉnh, thành trong cả nước, như:

Chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (đạt 4.36 điểm, xếp hạng 55/63); Cung ứng dịch vụ công (đạt 6.42 điểm, xếp hạng 59/63) và Trách nhiệm giải trình với người dân (đạt 5.22 điểm, xếp hạng 51/63)...

Trong 6 chỉ số nội dung thành phần của Chỉ số PAPI năm 2015 của Tiền Giang, có đến 4 chỉ số được xếp vào Nhóm đạt điểm thấp nhất và 2 chỉ số nội dung được xếp vào Nhóm đạt điểm trung bình cao.

Nếu so sánh Chỉ số PAPI của Tiền Giang trong 3 năm gần đây (theo bảng số liệu kèm theo) cũng cho thấy, Tiền Giang từng có Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đứng hạng Nhất trong 63 tỉnh, thành vào năm 2013 nhưng thứ hạng của chỉ số này liên tục giảm trong 2 năm gần đây và năm 2015 đứng hạng 20.

Chỉ số Thủ tục hành chính công cũng đứng hạng 8 vào năm 2013 nhưng đến năm 2015 lại đứng hạng 22. Đối với các chỉ số còn lại, hầu hết điểm số và thứ hạng liên tục giảm đều trong 3 năm gần đây. Điều này cho thấy, các nội dung thành phần Chỉ số PAPI của Tiền Giang những năm gần đây luôn có biến động lớn và theo chiều hướng giảm nhiều hơn tăng, kể cả điểm số và thứ hạng.

Trên bình diện tổng thể, Chỉ số PAPI của Tiền Giang năm 2015 đạt được 34.06 điểm, xếp hạng 51/63 tỉnh, thành; xếp vào Nhóm đạt điểm thấp nhất. Thứ hạng Chỉ số PAPI của Tiền Giang năm 2015 đã giảm rất sâu so với năm 2013 (hạng 8/63 tỉnh, thành, với 38.65 điểm và được xếp vào Nhóm đạt điểm cao nhất). Nếu so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chỉ số PAPI năm 2015 của Tiền Giang chỉ đứng trên tỉnh Hậu Giang trong bảng xếp hạng.

Tất nhiên, Chỉ số PAPI không thể nói lên tất cả nhưng cũng phần nào phản ánh được hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. Điều này ít nhiều cũng cho thấy những mặt tồn tại trong quá trình cải cách thủ tục hành chính cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Tất nhiên, những hạn chế, tồn tại vừa qua cũng đã được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đánh giá và đang quyết tâm cải thiện. Dẫu sao, Chỉ số PAPI sẽ là một trong những cơ sở, nền tảng để thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính mà tỉnh đang tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Chỉ số PAPI là kết quả khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. 

Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: Xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. PAPI là công cụ giám sát thực thi chính sách, được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng” (hay “khách hàng”) của cơ quan công quyền (hay “bên cung ứng dịch vụ”), có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương.

Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác trong suốt quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu, gồm:

Trung tâm Công tác lý luận và Tạp chí Mặt trận thuộc MTTQ Việt Nam (từ năm 2009 - 2012), Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong năm 2012) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (từ năm 2013).

THẾ ANH

.
.
.