Thứ Hai, 11/07/2016, 10:41 (GMT+7)
.

Phát triển đô thị: Quy hoạch phải đi trước một bước

Với vị trí khá thuận lợi trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tiền Giang có nhiều thuận lợi cũng như thách thức trong hội nhập và liên kết với hạt nhân của vùng thông qua sự hình thành và phát triển hệ thống đô thị vệ tinh; và để  phát triển bền vững đô thị, thì vấn đề quy hoạch được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, công tác quy hoạch đô thị của tỉnh thời gian qua còn nhiều điều đáng bàn.

Còn đó nhiều bất cập

Tại hội nghị phát triển đô thị do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, ông Trần Phương Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Công tác lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn chậm, hiện còn 3 đô thị chưa có quy hoạch chung, đã ảnh hưởng đến việc phát triển và quản lý đô thị. Công tác thực hiện đầu tư dự án còn do ý chí chủ quan hoặc theo nhu cầu của nhà đầu tư, không đúng theo quy hoạch được duyệt mà phải điều chỉnh quy hoạch mới triển khai dự án được.

Ngoài ra, các đồ án quy hoạch thường định hướng xa rời thực tế, không khả thi, định hướng quy mô dân số quá cao kéo theo các tiêu chí sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quá lớn nên khó triển khai. Mặt khác, thời gian lập đồ án quy hoạch chung kéo dài, hầu hết thời gian lập quy hoạch thường không dưới 3 năm, thậm chí  có nơi lên đến 5, 6 năm trong khi quy định chỉ có 9 - 12 tháng. Do đó, khi đồ án quy hoạch được duyệt thì đã lạc hậu về định hướng phát triển.

Đường Trưng Trắc, TP. Mỹ Tho
Đường Trưng Trắc, TP. Mỹ Tho

Cũng theo Sở Xây dựng, công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc còn bất cập do các đô thị chưa có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị, lý do là chưa có quy hoạch chung nên không đủ căn cứ để lập quy chế quản lý. Tỷ lệ đô thị hóa thấp đồng nghĩa với dân số đô thị thấp do các đô thị chưa có dự án động lực để thu hút dân cư đến sinh sống, làm việc.

Mặt khác, việc thành lập phường mới còn gặp khó khăn về thủ tục, phát triển thêm các đô thị mới không được do thiếu quy hoạch chung. Ngoài ra, kinh phí cho công tác quy hoạch cũng là vấn đề khó. Nguồn vốn này không nhiều, mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng nên việc lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập quy chế quản lý chung… phải kéo dài trong nhiều năm, tất cả những vấn đề trên gây khó khăn cho công tác quản lý, cũng như phát triển đô thị.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh thấp so với cả nước, 5 năm Tiền Giang chỉ đô thị hóa từ 1% - 2%, gần như không đáng kể. Vì thế cần đánh giá, nhận thức lại vấn đề để có giải pháp trong thời gian tới, trong đó chú ý đến đội ngũ cán bộ quản lý đô thị.

Về vấn đề này, Sở Nội vụ cho biết, theo chương trình đào tạo cán bộ quy hoạch, kiến trúc, thì Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kết hợp Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh ưu tiên xét tuyển không thi đối với các tỉnh ĐBSCL, nhưng Tiền Giang sau 4 năm triển khai chỉ có 36 người theo học.

Lý do học phí khá cao và sau khi tốt nghiệp về còn phải thi tuyển công chức nên không thu hút người học, vì thế cán bộ có chuyên môn về kiến trúc, quy hoạch còn thiếu và yếu. Đây là lý do vì sao việc triển khai công tác quy hoạch chung của các địa phương còn chậm.  

Nỗ lực hoàn thiện các giải pháp

Theo Sở Xây dựng, trong thời gian tới sẽ từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đại, có môi trường đô thị trong sạch, được phân bổ và phát triển hợp lý trên địa bàn. Trong đó TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công được ưu tiên phát triển.

Cụ thể: Với TP. Mỹ Tho sẽ tập trung lập các quy hoạch phân khu; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP. Mỹ Tho; tập trung đầu tư để hoàn thiện các chỉ tiêu còn thiếu của đô thi loại I; lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị tại các khu vực có quy hoạch phân khu được phê duyệt.

Với TX. Gò Công, hoàn thành đề án đô thị loại III và tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, tiến tới đạt đô thị loại II vào năm 2030. Với TX. Cai Lậy, tiến hành lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị trình UBND tỉnh; rà soát chương trình phát triển đô thị TX. Cai Lậy, cùng các tiêu chí phân loại đô thị để đến năm 2020 đạt đô thị loại III.

Riêng với các huyện, đã có quy hoạch chung được duyệt tiến hành lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị để UBND huyện ban hành, làm cơ sở quản lý cấp phép xây dựng, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị.

Đối với các đô thị dự kiến lập thị trấn, các địa phương chủ động rà soát đánh giá các tiêu chí đô thị loại V để đề xuất quy mô, diện tích, phạm vi lập quy hoạch các đô thị đảm bảo các tiêu chí đô thị loại V theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; đồng thời phù hợp định hướng phát triển lâu dài. Riêng huyện Cái Bè, huyện Châu Thành cần đôn đốc tư vấn hoàn chỉnh quy hoạch chung thị trấn Cái Bè và thị trấn Tân Hiệp trình UBND tỉnh phê duyệt.  

DUY SƠN

Định hướng đến năm 2030, Tiền Giang có 24 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I ( TP. Mỹ Tho), 1 đô thị loại II ( TX. Gò Công), 1 đô thị loại III ( TX. Cai Lậy), 7 đô thị loại IV ( Tân Hiệp, Cái Bè, Chợ Gạo, An Hữu, Vàm Láng, Tân Hòa, Vĩnh Bình) và 14 đô thị loại V (Bình Phú, Long Trung, Mỹ Thành Nam, Vĩnh Kim, Long Định, Bến Tranh, Mỹ Phước, Phú Mỹ, Thiên Hộ, Hòa Khánh, Đồng Sơn, Long Bình, Tân Tây, Tân Phú Đông).

 

.
.
.