Thứ Sáu, 24/06/2016, 14:24 (GMT+7)
.

Mối nguy hại từ túi ni-lông

Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, túi ni-lông dần trở nên quen thuộc đối với nhiều người, loại túi này ngày càng được sử dụng nhiều trong các hoạt động mua, bán, chứa đồ dùng và thực phẩm. Rảo quanh các chợ hiện nay, túi ni-lông có mặt khắp các sạp buôn bán rau, quả, thịt, cá…và dần trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động mua bán.

Chú T. một tiểu thương tại chợ Cũ (phường 8, TP. Mỹ Tho) cho biết, sạp rau, củ của chú mỗi tuần tiêu thụ hơn 10 kg túi ni-lông, dùng để đựng rau, củ bán cho khách hàng. Túi ni-lông với ưu điểm dễ sử dụng lại có giá thành rẻ là vật dụng không thể thiếu trong việc buôn bán. Loại túi được tái chế hiện tại chỉ có giá hơn 10.000 đồng/kg.

“Ngày xưa túi ni-lông loại màu đen là phổ biến nhất, còn hiện tại ngoài thị trường có đủ loại mẫu mã và màu sắc khác nhau, người đến mua hàng dù có mang giỏ, họ cũng đòi cho thêm 1 cái túi để đựng”- chú T. cho biết.

Túi ni-lông được sử dụng nhiều trong hoạt động mua bán.
Túi ni-lông được sử dụng nhiều trong hoạt động mua bán.

Túi ni-lông được sử dụng phổ biến kéo theo đó là lượng rác thải từ việc sử dụng loại túi này thải ra môi trường tăng lên. Hiện nay, một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng rác thải vứt bừa bãi dọc 2 bên đường, chủ yếu là túi ni-lông.

Một số nơi, mặc dù chính quyền có đặt biển báo cấm nhưng tình trạng xả thải vẫn cứ xảy ra gây mất vẻ mỹ quan và ảnh hưởng tới môi trường. Hiện tại, tại một số nơi ở tỉnh môi trường biển đang bị ô nhiễm bởi rác thải trong đó có túi ni-lông.

Dọc theo bờ biển Tân Thành, Tân Điền, túi ni-lông sau khi thải ra biển bị trôi dạt vào bờ, một số dính chặt vào rừng phòng hộ ven biển. Đăc biệt, khi phân hủy trong môi trường nước biển, nhựa PC (Polycarbonate) và PS (Polystyren) sẽ thải ra Bisphenol A (BPA), chúng có khả năng phá hủy hệ hormon của động vật.

Túi ni-lông vứt bừa bãi ngoài đường gây ô nhiễm môi trường.
Túi ni-lông vứt bừa bãi ngoài đường gây ô nhiễm môi trường.

Việc sử dụng túi ni-lông để chứa, đựng thức ăn cũng tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe. Các chất phụ gia độc hại để làm mềm dẻo nhựa có trong túi ni-lông như:

Phthalate, Adipate… sẽ tách khỏi nhựa và lan truyền vào thức ăn, đồ uống chứa trong bao bì đi vào trong cơ thể người và tích tụ lâu dài gây hại cho gan, tim, thận, tinh hoàn… và có thể gây ra ung thư.

Ngoài ra, hiện nay, thói quen đốt túi ni-lông sau khi sử dụng đã làm ảnh hưởng đến môi trường không khí. Trong quá trình đốt sẽ sinh ra các loại khí độc, nhất là khi trên bao bì có các loại sơn, màu và mực in.

Theo phân tích của chuyên gia, túi ni-lông khi thải ra môi trường thông thường mất thời gian rất lâu để phân hủy, khi tồn tại trong môi trường sẽ gây tồn đọng tại các đường, cống thoát nước làm tắc cống, gây ngập úng cục bộ, ứ nước dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh; đồng thời làm hôi thối, ô nhiễm môi trường không khí.

Việc chôn rác nhựa trong lòng đất sẽ làm giảm hoạt động của vi sinh vật. Khi phân rã, các hạt vụn nhựa còn lại lẩn vào đất làm cho đất bị trơ, nhanh bạc màu, không giữ được nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, giảm hiệu quả canh tác.

Theo TS. Phạm Bình Quyền, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, có một vấn đề đó là hiện nay không thiếu những công nghệ sản xuất túi tự phân hủy thân thiện với môi trường, đặc biệt là sản xuất túi ni-lông sinh học tự hủy nhưng giải pháp này lại đang gặp những khó khăn về thị trường lẫn chính sách vì các cơ quan quản lý chưa xây dựng được bất kỳ quy chuẩn kỹ thuật nào để đánh giá sự an toàn khi sử dụng. Vì thế, trước mắt, người dân có thể sử dụng túi giấy, túi vải thay thế túi ni-lông và cũng có thể quay trở lại sử dụng các loại bao giấy truyền thống, các loại lá…

MINH THÀNH

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 đơn vị được Bộ TN-MT cấp giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại (CTNH) là Nhà máy xử lý CTNH thuộc Công ty TNHH MT Tươi Sáng (ấp Tân Hưng Phú, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước), công suất xử lý được phép khoảng 7.500 tấn các loại CTNH/năm.

Phạm vi thu gom, xử lý của công ty bao gồm địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ… theo giấy phép được cấp. Ngoài ra, còn có các đơn vị khác được Bộ TN-MT cấp giấy phép có hoạt động thu gom, xử lý CTNH cho các chủ nguồn thải CTNH hoạt động trên địa bàn tỉnh.
 

Tăng cường quản lý chất thải nguy hại

Theo Báo cáo Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong năm 2015 là khoảng 167 tấn. Nguồn phát sinh chất thải nguy hại (CTNH) rất đa dạng như từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, hoạt động của công sở, trường học, các bệnh viện, trung tâm y tế và một số các hoạt động khác.

Hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh là nguồn phát sinh CTNH nhiều nhất. Nước thải, chất thải rắn từ các hoạt động sản xuất công nghiệp có chứa những chất độc hại nếu không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường.

Rác thải y tế nằm trong nhóm những CTNH, loại chất thải này mang nhiều mầm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nếu không được quản lý tốt. Hiện nay, những đối tượng nghiện ma túy sau khi tiêm chích rồi vứt kim tiêm bừa bãi ra môi trường tự nhiên, tiềm ẩn những rủi ro lây lan bệnh dịch.

Việc sản xuất nông nghiệp cũng thải ra môi trường một lượng CTNH đáng kể. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, con người sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến việc CTNH như vỏ chai, lọ, bao bì bị phát tán ra môi trường.

Tại các tuyến kinh, mương, bờ ruộng hiện nay không khó để bắt gặp vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị vứt ra môi trường tự nhiên, trôi nổi trên kinh, rạch. Do ý thức bảo vệ môi trường chưa cao cùng với đó là thói quen khó bỏ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, một số người đã vô tình làm phát tán CTNH.

Thống kê trong năm 2015, qua kiểm tra, Sở TN-MT phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp doanh nghiệp ở huyện Cái Bè vi phạm không lập báo cáo quản lý CTNH định kỳ theo quy định. Các trường hợp còn lại qua kiểm tra còn một vài tồn tại trong công tác quản lý CTNH như:

Thiết bị lưu chứa CTNH chưa đảm bảo lưu chứa an toàn CTNH, kho chứa chưa đảm bảo che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ CTNH, chưa bố trí đầy đủ các dấu hiệu cảnh báo CTNH theo quy định tại TCVN 6772:2009 - Dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa CTNH. Các tồn tại này đã được Sở TN-MT yêu cầu cũng như các cơ sở kịp thời khắc phục nên Sở không xem xét xử lý vi phạm mà tiến hành nhắc nhở, tạo điều kiện cho cơ sở khắc phục.

Với những đặc tính nguy hại đối với môi trường và con người, việc quản lý, xử lý CTNH theo đúng quy định là rất quan trọng. Bà Nguyễn Hồng Thủy, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nhìn chung, việc quản lý CTNH hiện nay đang được Sở TN-MT thực hiện theo quy định của Nghị định 38 ngày 24-4-2015 của Chính phủ Về quản lý chất thải và phế liệu và hướng dẫn tại Thông tư 36 ngày 30-6-2015 của Bộ TN-MT về quản lý chất thải nguy hại.

Một số giải pháp đã và đang được trọng tâm thực hiện như: Rà soát, thống kê, yêu cầu các chủ nguồn thải CTNH thuộc đối tượng cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH phải đăng ký cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH để quản lý CTNH theo đúng quy định của pháp luật; theo dõi rà soát các báo cáo quản lý CTNH định kỳ của các cơ sở.

Cũng theo bà Nguyễn Hồng Thủy, Sở TN-MT đã có báo cáo, tham mưu UBND tỉnh cho triển khai xây dựng Kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển CTNH đối với các chủ nguồn thải CTNH có số lượng CTNH phát sinh thấp hơn 600 kg/năm hoặc chủ nguồn thải CTNH ở vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa đủ điều kiện cho xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chính của kế hoạch là điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH.

 

.
.
.