Thứ Bảy, 26/06/2021, 11:04 (GMT+7)
.

Mạng xã hội - nơi phản chiếu các giá trị văn hóa

(ABO) Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tính đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép hoạt động cho 436 mạng xã hội (MXH). Trong đó, Facebook đang là MXH có số lượng người Việt Nam sử dụng nhiều nhất với khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số.

Việt Nam đang xếp thứ 7 trong tốp 10 quốc gia có số lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Thời lượng sử dụng Internet trong một ngày của người Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ, trong đó có 2,5 giờ dành cho MXH. Những con số trên cho thấy, sức ảnh hưởng của MXH đối với đời sống xã hội hiện nay là không nhỏ.

Trong những ngày qua, tỉnh Tiền Giang phải căng mình chống dịch Covid-19, bên cạnh việc nhận được nhiều thông tin động viên, chia sẻ, đồng cảm, chúc Tiền Giang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục phát triển kinh tế; thì không ít chia sẻ, bình luận trên MXH thiếu chuẩn mực, gây hoang mang, lo lắng, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

a
MXH chính là đời sống thứ 2 của mỗi người, không gian ảo nhưng những tác hại của nó là thật. Ảnh: Internet

Đơn cử như một chủ tài khoản Facebook đã đăng dòng trạng thái (status) trên  nhóm N.T.G: “Người Đồng Tháp bây giờ nghe đến Tiền Giang là sợ xanh mặt”, hay một chủ tài khoản Facebook khác cũng đăng dòng trạng thái trên nhóm này: “Tất cả xe biển số Tiền Giang không được đến bất cứ nơi nào của Đồng Tháp nha, mọi người chú ý”.

Những dòng trạng thái này ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng với nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Trong đó, có những bình luận cho rằng đang trong lúc cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng căng mình chống dịch, những status này không mang tính xây dựng và động viên tỉnh bạn mà mang tính chất "kỳ thị" giữa những người miền Tây với nhau, gây mất đoàn kết trong xã hội. Bởi chúng ta đều hiểu rằng không ai có thể an toàn, nếu cả nước và rộng hơn là thế giới chưa an toàn. Vì thế cần động viên, chia sẻ, cùng chung tay trong “cuộc chiến” với đại dịch.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình về việc ứng xử trên MXH, trên thực tế chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh ứng xử thiếu chuẩn mực trên MXH như: Đăng bài viết, video, livestream trên MXH để chửi mắng, công kích người khác. Nhiều chủ tài khoản Facebook livestream triệu view bán hàng online sỗ sàng, đôi lúc kèm những câu chửi tục; không ít người nổi tiếng cũng xem livestream như một quyền năng mới để thể hiện cái tôi khi có những ý kiến, bình luận trái chiều...

Gần đây, tập phát sóng mới nhất trong chương trình Ghép đôi thần tốc với khách mời tham gia là cô gái T.N.Đ.M đến từ TP. Mỹ Tho, đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Khán giả theo dõi chương trình bày tỏ sự bức xúc, chỉ trích nữ khách mời là cô gái thực dụng, ích kỷ và kém duyên trong cách xử sự. Không chỉ trên kênh YouTube của chương trình Ghép đôi thần tốc, mà trên các diễn đàn MXH nhiều cư dân mạng liên tục truyền nhau về hình ảnh cũng như câu chuyện trong tập phát sóng này.

Các bài viết trên MXH về sự kiện này cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Các bình luận bên dưới bài viết đa phần đều đưa ra những ý kiến chỉ trích, buông lời cay nghiệt, mỉa mai T.N.Đ.M. gay gắt. Thậm chí, dân mạng còn tìm kiếm và tràn vào Facebook cá nhân của T.N.Đ.M. để “tấn công” bằng cách để lại nhiều "phẫn nộ" dưới mỗi bài đăng của cô, bình luận với lời lẽ không thể khó nghe hơn.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, không ít cá nhân dùng MXH đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về người khác…, cùng với đó là nhiều bình luận với ngôn từ chỉ trích, bôi nhọ uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân. Lâu nay, không ít người dân vẫn cho rằng MXH là không gian ảo, không ai biết đến mình và cứ bình luận phán xét, thậm chí mắng chửi mà không cần nghĩ đến việc chịu trách nhiệm với lời nói đó. Càng nguy hại hơn là từ những bình luận trên không gian ảo đã dẫn đến mâu thuẫn, xung đột thật bên ngoài, hẹn gặp nhau để “xử đẹp”, gây mất an ninh trật tự.

Trước thực trạng ứng xử thiếu chuẩn mực trên không gian mạng, mới đây, Bộ TT&TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bộ quy tắc đưa ra bốn quy tắc chung bao gồm: Tôn trọng, Trách nhiệm, Lành mạnh và An toàn. Ngoài các quy tắc chung này, còn có các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ theo các mức độ: Nên hoặc không nên, phải hoặc không được.

Các chuyên gia truyền thông cho rằng, Bộ quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ quy tắc cũng không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước. Bộ quy tắc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng để có sự thấu cảm, tôn trọng nhau trên mạng, giúp xây dựng xã hội tốt hơn.

Có thể nói, MXH chính là đời sống thứ 2 của mỗi người, không gian ảo nhưng những tác hại của nó là thật. Khi một người bị rơi vào sự đả kích của đám đông trên MXH thì sự tổn thương cũng rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. MXH chính là nơi phản chiếu các giá trị văn hóa, xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc quản lý bằng các quy định pháp luật đi kèm chế tài xử phạt nghiêm minh, thì cần lưu ý đến căn nguyên của vấn đề chính là công tác giáo dục ý thức của người sử dụng.

Vì vậy, để xây dựng cộng đồng văn minh, ứng xử có văn hóa trong cuộc sống nói chung và trên không gian mạng nói riêng, chúng ta không được xem nhẹ công tác giáo dục. Cần nâng cao hơn nữa việc phối hợp có tính hệ thống và khoa học giữa nhà trường - gia đình - xã hội, cùng với các tổ chức, các ngành, đoàn thể khác trong công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng lối sống, ứng xử, thể hiện nếp sống văn hóa để góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Một khi tính cách đã hình thành trong tư duy thì mọi hành xử sẽ được cân nhắc và sẽ biết đặt mình vào vị trí của người khác trước mỗi lần “nhấp chuột”. Có như vậy, việc ứng xử trên không gian mạng MXH sẽ văn hóa và lành mạnh hơn!

GIA TUỆ

 

 

.
.
.