Thứ Tư, 10/12/2014, 14:16 (GMT+7)
.

Trung tâm HTCĐ: Gặp khó trong quá trình nâng cao hiệu quả hoạt động

Hiện toàn tỉnh có 169 xã (phường, thị trấn) có Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Trong xây dựng xã hội học tập, phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm này là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Một số TTHTCĐ được sự quan tâm đầu tư đã hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, hầu hết các TTHTCĐ vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình, hiệu quả hoạt động không cao. Đó là ghi nhận qua đợt khảo sát hoạt động của các TTHTCĐ do Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở GĐ-ĐT thực hiện.

TỪNG BƯỚC NÂNG CHẤT HOẠT  ĐỘNG

TTHTCĐ xã Tân Hương (huyện Châu Thành) là một trong những trung tâm được đánh giá hoạt động hiệu quả. Trung tâm hoạt động theo phương thức “Đẩy mạnh hiệu quả công tác phối hợp, dựa vào yêu cầu thực tiễn cần tuyên truyền và nhu cầu học tập, tìm hiểu của người dân”.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 2 lớp chăn nuôi bò cho 60 nông dân; tổ chức tuyên truyền Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, cách phòng tránh các tệ nạn xã hội; tập huấn, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tổ chức hội thảo về trồng lúa, trồng màu, kinh doanh hoa kiểng, vệ sinh an toàn thực phẩm... thu hút hàng ngàn lượt người dự.

Ngoài ra, trung tâm còn nghiên cứu các mô hình chuyển đổi kinh tế tự phát của người dân (gắn với khu công nghiệp) để đánh giá sự chuyển đổi này ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng như thế nào và đưa ra những khuyến nghị, góp phần giúp cuộc sống người dân được tốt hơn. Bên cạnh đó, trung tâm còn là “đầu mối” trong các hoạt động như: Phổ cập, chống mù chữ; tham gia hoạt động từ thiện…

Ông Dương Bảo Toàn, Chủ tịch UBND xã, Giám đốc trung tâm cho rằng: “Vai trò của TTHTCĐ xã Tân Hương ngày càng nâng cao, góp phần thiết thực trong việc xây dựng xã hội học tập. Hiện tại, trung tâm vừa hoạt động, vừa hoàn thiện các phương thức, tìm cách cải tiến để nâng cao hiệu quả nhằm phục vụ người dân tốt hơn”.

Một góc Trung tâm học tập cộng đồng xã Long An (được bố trí chung với phòng đọc sách của xã).
Một góc Trung tâm học tập cộng đồng xã Long An (được bố trí chung với phòng đọc sách của xã).

Thời gian qua, TTHTCĐ xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) cũng đã có một số hoạt động thiết thực: Mở 2 lớp sau xóa mù chữ cho 12 học viên và 1 lớp phổ cập THCS cho 16 học viên; tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho 120 người; truyên truyền về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho trên 300 người; tổ chức hội thảo chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo cho 120 người;

Mở lớp dạy nghề đan lục bình cho 35 nông dân và mở nhiều cuộc hội thảo nâng cao năng suất cây lúa cho gần 500 nông dân. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tuyên truyền pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Theo đánh giá của Ban Giám đốc trung tâm: TTHTCĐ xã Vĩnh Hựu đã thể hiện khá tốt vai trò là “cầu nối”, giúp người dân có thêm kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó mạnh dạn thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm tăng thu nhập cho gia đình. Người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ vẫn còn những hạn chế như: Một số trung tâm không tổ chức hoạt động hoặc tổ chức ít; hoạt động chưa phù hợp với thực tế địa phương, cơ sở và yêu cầu của người dân; nội dung hoạt động chưa phong phú và chưa có nhiều tài liệu, sách báo để người dân tham khảo; thiếu máy tính (có nối mạng) để người dân tìm hiểu thông tin khi có nhu cầu...

Theo nhìn nhận của ban giám đốc các TTHTCĐ, sở dĩ có những hạn chế nêu trên là do các trung tâm gặp nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động đến con người. Cụ thể, hầu hết các trung tâm đều chưa có cơ sở riêng, một số trung tâm được bố trí trong phòng đọc sách của nhà văn hóa cấp xã hoặc 1 phòng trong trụ sở UBND cấp xã.

Ngoài ra, một số nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được tận dụng triệt để (được trang bị máy tính nhưng chưa nối mạng, không sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích khác; có sách, báo, tài liệu nhưng chưa bổ sung vào tủ sách để người dân tham khảo...).

Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý đều làm việc kiêm nhiệm và thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động, lại thường xuyên thay đổi nên khó phát huy vai trò. Vấn đề kinh phí hoạt động cũng là một điều nan giải cho các trung tâm, vì hiện tại hầu hết trung tâm không có kinh phí riêng.

Ngoài ra, ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền và người dân chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương xây dựng xã hội học tập và vai trò của các TTHTCĐ; các ban, ngành, đoàn thể chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ hoạt động của TTHTCĐ…

MINH CHÂU

Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” có quy định về các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Một trong những nhiệm vụ đó là: Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Theo đó, các giải pháp đề ra để nâng cao chất lượng các TTHTCĐ gồm: Xây dựng chương trình, biên soạn, in ấn tài liệu, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động tại TTHTCĐ cho đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp tham gia quản lý và giảng dạy tại các TTHTCĐ; tập huấn và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý TTHTCĐ...

 

.
.
.