Thứ Ba, 11/09/2018, 21:37 (GMT+7)
.
Triển khai sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục:

Bộ GD-ĐT khẳng định không có lợi ích nhóm

Liên quan đến vụ việc tranh luận về sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại, ngày 10-9, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, đã có trao đổi với báo chí làm rõ thêm một số vấn đề.

- Phóng viên: Thưa ông, liên quan đến vụ tranh luận ầm ĩ về sách TV1-CNGD thời gian qua, ông có thể cho biết thêm sách này đang được sử dụng ở mức độ nào trên quy mô cả nước?

 Ông NGUYỄN ĐỨC HỮU: Đây không phải là sách giáo khoa (SGK), để tăng cường chất lượng tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc ở các vùng khó khăn, Bộ GD-ĐT đã đồng ý cho thử nghiệm tài liệu TV1-CNGD từ năm 1978 đến nay. Bộ tài liệu này được áp dụng tại một số địa phương. Hiện có 49 tỉnh tham gia, một số tỉnh dạy ở 100% các trường tiểu học nhưng cũng có một số địa phương như Quảng Nam, Bình Phước chỉ có 45% trường tiểu học tham gia... Qua những năm triển khai, chúng tôi khẳng định tài liệu TV1-CNGD được các trường, thầy, cô giáo đón nhận và thực hiện có kết quả nhất định.

- Ông lý giải vì sao lại xảy ra cuộc tranh luận gay gắt hiện nay dù tài liệu đã được thí điểm 40 năm?

- Dư luận có nhiều ý kiến về cách đánh vần trong tài liệu này. Theo chúng tôi đây là vấn đề hết sức bình thường. Mỗi một tài liệu, một bộ SGK đều đặt ra những giải pháp sư phạm để học sinh, nhất là các em lớp 1 biết đọc, biết viết. Thế mạnh của tài liệu TV1-CNGD là học sinh đọc thông, viết thạo, nắm chắc được quy tắc chính tả. Do đó, trên cơ sở kết quả của Hội đồng Thẩm định quốc gia về tài liệu này, Bộ GD-ĐT quyết định năm học 2018 - 2019, tiếp tục triển khai tài liệu TV1-CNGD ở những địa phương đang triển khai, theo nguyên tắc tự nguyện nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là những đổi mới khi vận dụng vào trong quá trình dạy học, không theo truyền thống cũ hoặc có tính chất “lạ” thì xã hội quan tâm nhiều. Cách tiếp cận và dạy khác nhau nhưng vẫn cùng mục đích là để học sinh biết đọc, biết viết. Chúng ta chấp nhận nhiều bộ SGK khác nhau, nhiều cách tiếp cận để giáo viên được quyền lựa chọn phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh của mình trên từng môn học, từng cấp học.

- Theo ông, đâu là ưu điểm, hạn chế của sách TV1-CNGD?

Sách TV1-GDCN chọn con đường đi, cách tiếp cận mới, là thiên dạy về ngữ âm. Trong quá trình dạy học chú trọng dạy cả chữ và ngữ âm. Cách dạy đánh vần đó giúp học sinh nắm rất chắc về ngữ âm và biết cách viết. Trên cơ sở đó, học sinh nắm chắc ngữ pháp và viết không bị sai.

Sau giai đoạn đọc vần, các em sẽ đọc thành thạo, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu chương trình tiếng Việt. TV1-CNGD dạy tách âm với tiếng và dạy trên phương diện ngữ âm học. Ví dụ trong chuỗi lời nói: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, TV1-CNGD tách thành tiếng để học sinh nhận diện được trong chuỗi lời nói có bao nhiêu âm tiết, hay nói khác đi là nói có bao nhiêu tiếng. Đây là cách dạy cho học sinh cách nhận diện trực quan nhất, đơn giản nhất chứ không như một số ý kiến nói rằng, nó quá khó cho học sinh, nhất là với lớp 1. Đây cũng là một trong các ưu điểm của TV1-CNGD.

Bên cạnh đó, sách TV1-CNGD có những từ ngữ khó hiểu hay những bài tập đọc khá dài, hội đồng thẩm định đã yêu cầu khắc phục. Tôi cũng rất hy vọng, tài liệu này trong năm học 2018 - 2019 đến được với các trường tiểu học hết sức nhẹ nhàng và thoải mái. Chúng tôi khẳng định một điều, cách dạy, cách học này giúp học sinh phát triển năng lực so với chương trình hiện hành, không có bất cập, ngang bằng nhau. Đây là phương án Bộ GD-ĐT đặt ra cho các địa phương tự lựa chọn nếu đáp ứng được yêu cầu.

- Cuộc tranh luận này có giúp gì cho Bộ GD-ĐT khi sẽ triển khai một chương trình, nhiều bộ SGK từ năm sau?

- Chúng tôi rút kinh nghiệm là phải làm tốt công tác truyền thông, nhất là đối với phụ huynh học sinh, nhà trường và dư luận xã hội. Chúng ta sẽ phải quen với việc một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK, phải chấp nhận nhiều giải pháp sư phạm khác nhau, miễn là cuối cùng đều đi đến mục đích mà chương trình yêu cầu đạt được.

Tới đây, khi Bộ GD-ĐT ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học, lúc đó Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định các bộ SGK. Khi đó TV1-CNGD cũng như các bộ SGK khác sẽ bình đẳng như nhau. Khi thẩm định, nếu đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn đã đặt ra và đạt được mục tiêu yêu cầu giáo dục mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các danh mục để nhà trường ở các địa phương lựa chọn.

- Nhiều ý kiến hoài nghi việc triển khai sách TV1-CNGD có lợi ích nhóm phía sau?

- Tôi khẳng định ở đây không có lợi ích nhóm. Tất cả vì lợi ích của học sinh. Nếu chúng ta không đổi mới thì chấp nhận sự phẳng lặng, nhưng khi chúng ta đổi mới thì cũng có những cái gợn lên. Trong quá trình đổi mới tất nhiên sẽ có các ý kiến trái chiều và chúng ta phải chấp nhận dư luận xã hội.

(Theo sggp.org.vn)
 

.
.
Liên kết hữu ích
.