Thứ Tư, 09/01/2019, 21:13 (GMT+7)
.

Sáng kiến kinh nghiệm phải thiết thực, hiệu quả

Viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) từ lâu đã trở thành phong trào trong ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Mục đích của việc phát động viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) trong ngành là nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Bên cạnh không ít SKKN được viết bằng cả quá trình lao động miệt mài, cố gắng của giáo viên thì trên thực tế vẫn còn nhiều đề tài sáng kiến chỉ để đáp ứng điều kiện xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

SKKN trong ngành GD-ĐT đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
SKKN trong ngành GD-ĐT đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

TRÁNH CHẠY THEO THÀNH TÍCH

Theo Nghị định 56 của Chính phủ ngày 9-6-2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó quy định phân loại, đánh giá giáo viên ngành GD-ĐT có 4 mức: Xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu muốn đạt 3 mức đầu thì yêu cầu cán bộ, giáo viên phải có ít nhất 1 SKKN được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận, mới xét các danh hiệu thi đua. Điều này vừa tạo ra phong trào viết SKKN trong ngành GD-ĐT nhưng cũng vừa tạo ra áp lực cho không ít cán bộ, giáo viên.

Theo đó, mỗi năm học, ngành GD-ĐT của tỉnh có nhiều SKKN hay được viết ra từ sự tâm huyết và đúc kết, chắt chiu của giáo viên, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Thông qua phong trào viết SKKN cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo viên dạy giỏi, tận tụy với nghề. Bên cạnh hiệu quả của phong trào viết SKKN thì thực tế có không ít trường hợp chỉ để xét thi đua nên đã sao chép SKKN, hoặc làm cho có.

Ngoài ra, phong trào viết SKKN trong ngành GD-ĐT cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế như: Chạy đua viết SKKN để được thành tích, xét công nhận SKKN có nhiều bất cập, số lượng SKKN áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả còn quá ít…

Do đó, Nghị định 88 của Chính phủ ngày 27-7-2017 được ban hành để sửa đổi một số điều của Nghị định 56 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, không quy định giáo viên viết SKKN như trước đây để xét các danh hiệu thi đua mà chỉ khuyến khích đối với những giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tham gia thi giáo viên giỏi…

CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SKKN

Nhiều giáo viên cho rằng, để thực hiện một SKKN hay, có giá trị thực tiễn, đề xuất được những phương pháp cải tiến mới, đòi hỏi người thực hiện phải trải qua nhiều năm công tác, đúc kết được kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, muốn chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục.

SKKN nếu chỉ dành để xét thi đua thì không còn là động lực để cán bộ, giáo viên sáng tạo, đổi mới. SKKN chỉ thực sự có ý nghĩa khi chính các cán bộ, giáo viên tự giác tham gia, không phải do áp lực từ việc thi đua khen thưởng.

Cô Nguyễn Thị Như Hằng, giáo viên Trường THPT Trương Định cho biết: “Viết SKKN thật sự đã trở thành phong trào thi đua thiết thực trong toàn ngành GD-ĐT. Là giáo viên trẻ, tôi luôn cố gắng phấn đấu, đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó dạy tích hợp liên môn là một trong những SKKN mà tôi tâm đắc thực hiện và chia sẻ cùng đồng nghiệp trong suốt gần 10 năm dạy học”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với một SKKN là phải đảm bảo đề xuất được các giải pháp mới và sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra không được trùng với giải pháp, sáng kiến của người khác đã được phổ biến, áp dụng trong thực tiễn. “Để viết được một SKKN hay đòi hỏi rất nhiều ở công sức và lòng nhiệt huyết, tận tâm của giáo viên.

Do đó, không phải một sớm một chiều mà có được SKKN hay, mà đôi khi là cả quá trình lao động của người giáo viên mới đúc kết được những kinh nghiệm, giải pháp, đề xuất, cải tiến, có thể đem lại những hiệu quả trong thực tiễn” - Thạc sĩ Nguyễn Phương Toàn cho biết.

Chính vì vậy, Thạc sĩ Nguyễn Phương Toàn yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên phải có trách nhiệm tự giác trong giảng dạy và nghiên cứu. Một SKKN tốt đòi hỏi phải nêu được thực trạng và tìm ra giải pháp sao cho phù hợp với công việc, công tác.

Bên cạnh đó, công tác xét công nhận SKKN phải đảm bảo chặt chẽ, tránh chạy theo thành tích. Các đơn vị cần thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để phong trào viết SKKN ngày càng được lan tỏa và ý nghĩa.

Đ. PHI

.
.
.