Thứ Tư, 03/04/2019, 21:58 (GMT+7)
.

Ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trong xã hội

Thời gian gần đây, hiện tượng một bộ phận giới trẻ có hành vi lệch chuẩn đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Một số cá nhân có hành vi lệch chuẩn như nói tục, chửi thề, bạo lực, khoe của... nhưng lại trở thành “hiện tượng” được tung hô trên mạng xã hội. Vậy, cách nào để loại bỏ tâm lý đám đông, a dua, bắt chước hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay?
 
Khá nhiều clip đăng tải trên Youtube hoặc mạng xã hội với những lời lẽ dung tục, phản cảm và hình ảnh lệch chuẩn lại khiến giới trẻ phát cuồng, với hàng nghìn lượt người xem, bình luận và chia sẻ. Đặc biệt, một số hiện tượng còn có đến hàng nghìn "fan hâm mộ”, được vây quanh chào đón, chụp ảnh, xin chữ ký giống như cách tung hô một "thần tượng" khiến dư luận rất bức xúc, lên án...
 
Dư luận xã hội cho rằng, qua thời gian, mạng xã hội ngày càng có nguy cơ trở thành “cái chợ” không biên giới, là nơi để “rác thải” thông tin ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và cả phong cách sống của nhiều người, trong đó đối tượng bị tác động nhiều nhất là giới trẻ. Căn nguyên là do bản tính tò mò của giới trẻ; việc hưởng thụ văn hóa thiếu kiểm soát, định hướng và được mạng xã hội kích hoạt trở thành đề tài “hot”, bất kể đó là lời nói, hành vi phản cảm, thiếu văn hóa hay trái quy luật...
 
Nhiều người đều nhận xét, đó là hành vi lệch chuẩn cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội. Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường Tiểu học và Trung học M.V. Lô-mô-nô-xốp (TP Hà Nội) nhận định, những lời nói, hình ảnh, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội rất dễ được các bạn trẻ hấp thụ mà không cần biết tác hại. Nếu không được định hướng kịp thời thì hậu quả rất khó đoán định. 
 
PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ nỗi trăn trở về môi trường mạng với những hiện tượng thiếu văn hóa hiện nay: “Tôi nghĩ rằng nếu người ta cứ học theo, làm theo một cách vô thức thì đến một lúc nào đó nó sẽ biến thành lối sống thực của mình. Và khi đó, xã hội của chúng ta sẽ phải chịu hậu quả rất lớn của lối sống bản năng, hoang dã của những cá nhân thuộc một cộng đồng mạng nào đó, học theo những clip, những nội dung thiếu giá trị văn hóa, nhân văn.”
 
a
Ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trong xã hội để đưa đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng. Ảnh minh họa: doanthanhnien.vn.
 
Từ những thực trạng trên, cô giáo Nguyễn Thị Nhung đề xuất, cần phát huy vai trò của nhà trường, tổ chức đoàn cơ sở trong định hướng tư tưởng thanh niên, học sinh. Trong đó, cần tập trung vào phân tích, làm rõ, lên án và tẩy chay mạnh mẽ những việc làm và các biểu hiện lệch chuẩn diễn ra trong đời sống xã hội, giống như hiện tượng Khá “bảnh”. Mục đích của việc này sẽ giúp bạn trẻ, học sinh nhận thức được đúng sai, tính nhân văn và phản nhân văn trong các hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội. “Hiện nay, việc tổ chức “giao lưu” trước giờ giảng trong mỗi tiết học của giáo viên các trường phổ thông đã mai một. Thế nên, việc mỗi giáo viên dành 5 phút để thông tin, phân tích cái được và chưa được về các hiện tượng, hành vi xấu xảy ra ở xã hội là hết sức cần thiết cho học sinh, thanh niên”, cô Nguyễn Thị Nhung đề xuất thêm.
 
Còn TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng “rác thải” trên mạng xã hội, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin có định hướng thì rất cần phát huy vai trò của cơ quan chức năng trong quản lý thông tin và mạng xã hội đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính và gỡ bỏ những thông tin xấu độc, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống văn hóa tinh thần, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của người Việt Nam là điều cần thiết, nhất là những thông tin có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của giới trẻ.
 
Đặc biệt, theo TS Phạm Tất Thắng, để giúp học sinh, thanh niên tránh được những thông tin xấu độc từ mạng xã hội thì việc định hướng và khơi dậy văn hóa đọc trong bạn trẻ là điều rất quan trọng. Bởi lẽ, nâng cao văn hóa đọc và hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ chính là cách tốt nhất để thanh niên thêu dệt ước mơ, bồi dưỡng lý tưởng và niềm tin, từ đó định hình được giá trị văn hóa và biết cách hưởng thụ văn hóa lành mạnh. "Đây chính là “hàng rào ý thức” để không bị ngộ nhận và a dua theo những hành vi lệch chuẩn”, TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
 
Tóm lại, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực truyền thông và lực lượng chức năng, đặc biệt là phát huy vai trò của nhà trường và gia đình trong phối hợp hành động, ngăn chặn “thông tin bẩn” xâm nhập và có nguy cơ làm băng hoại tư tưởng, lý trí, tình cảm của thế hệ tương lai. Bởi lẽ, ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trong xã hội cũng là cách để chuẩn bị nguồn nhân lực tương lai, nhằm đưa đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.
 
(Theo qdnd.vn)
.
.
.