Thứ Tư, 26/08/2020, 09:09 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhiều gam màu sáng cho bức tranh giáo dục

Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang đã có bước phát triển với nhiều điểm sáng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn đều có hệ thống trường lớp xanh - sạch - đẹp, đáp ứng tốt công tác giảng dạy và học tập.

Để ngành GD-ĐT tỉnh nhà có được những kết quả phấn khởi là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phấn đấu nỗ lực của toàn ngành, cùng tinh thần cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Chất lượng GD-ĐT của tỉnh trong những năm gần đây đã nâng lên rõ rệt.
Chất lượng GD-ĐT của tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây đã nâng lên rõ rệt.

NHỮNG KẾT QUẢ PHẤN KHỞI

Có thể nói, cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nên mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Tiền Giang. Các xã trên địa bàn tỉnh đều đã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) của từng xã hoặc liên xã. Mạng lưới trường trung học phổ thông (THPT) được mở rộng ở nhiều địa phương.

Theo đó, toàn ngành GD-ĐT của Tiền Giang có 186 trường mầm non, mẫu giáo; 191 trường phổ thông có lớp tiểu học, 124 trường THCS, 38 trường THPT; 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 172 Trung tâm Học tập cộng đồng.

Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh Tiền Giang có 9.420 phòng học, phòng học bộ môn ở cấp học mầm non, phổ thông, trong đó có 7.345 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 78,4%.  Bên cạnh đó, nhiều trường học ở các vùng nông thôn của tỉnh được xây dựng khang trang, sạch, đẹp với đầy đủ thư viện, phòng thực hành thí nghiệm, phòng chức năng. Hiện 100% trường phổ thông của tỉnh có thư viện. Toàn ngành GD-ĐT của tỉnh hiện có 91 trường mầm non, 140 trường tiểu học, 58 trường THCS, 17 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Hiện tại, ngành đang tiếp tục triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các ngành học, bậc học.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian qua. Ảnh: Hội thi tin học trẻ cấp tỉnh năm 2019.             	                                                  Ảnh: tHẢO PHƯƠNG
Nâng chất GD-ĐT là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian qua của tỉnh Tiền Giang (ảnh: Hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh năm 2019). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, những năm qua, công tác chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng được ngành GD-ĐT tỉnh nhà đặc biệt quan tâm. Toàn ngành hiện có 19.240 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn bậc mầm non là 70,6%, tiểu học 83,3%, THCS 51,6% và THPT 14,98%. Toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà hiện có 3 tiến sĩ, 341 thạc sĩ, 9.887 cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ đại học.

Ngành GD-ĐT Tiền Giang có được những kết quả đáng mừng là nhờ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không ngừng được đầu tư, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp dạy học. Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, toàn ngành GD-ĐT Tiền Giang sẽ ra sức phấn đấu hơn nữa để sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà không ngừng phát triển, vươn lên tầm cao mới.

PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN

Số lượng học sinh giỏi đoạt giải cấp quốc gia ổn định về chất lượng. Theo đó, năm 2017 toàn tỉnh đoạt 5 giải (2 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích), năm 2018 đoạt 9 giải (2 giải Nhì, 1 giải Ba và 6 giải Khuyến khích), năm 2019 đoạt 8 giải (1 giải Nhất, 1 giải Nhì,  2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích), năm 2020 đoạt 10 giải (2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích).

Đặc biệt, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã chủ động, sáng tạo trong dạy và học trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020; trong đó, chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức thành công Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ GIÁO DỤC

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong tình hình mới, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh; nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và địa phương.

Mục tiêu tổng quát của giáo dục tỉnh nhà là tiếp tục nâng chất giáo dục toàn diện và hiệu quả đào tạo ở các ngành học, cấp học thông qua việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng đạt chuẩn và trên chuẩn; đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa các điều kiện dạy và học; mở rộng quy mô phát triển giáo dục mầm non, nâng cao kết quả thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS; đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp; đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS; nâng cao hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành GD-ĐT Tiền Giang đề ra 5 giải pháp cơ bản: Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đẩy mạnh thực hiện văn phòng điện tử trong ngành, đổi mới công tác thi đua - khen thưởng.

Hai là, xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các trường. Ba là, trên cơ sở quy hoạch phát triển GD-ĐT, quy hoạch mạng lưới trường học, các cơ quan quản lý và các cơ sở GD-ĐT chủ động xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nhất là các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách; đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy.

Bốn là, đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở GD-ĐT, các chương trình đào tạo, tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, trên cơ sở đó xếp hạng, giao quyền tự chủ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT. Và cuối cùng là, đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT.

TẤN MINH

.
.
.