Thứ Hai, 16/11/2020, 20:31 (GMT+7)
.
TỈNH TIỀN GIANG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:

Đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Có thể nói, điểm nhấn đặc biệt của năm học 2020 - 2021 là toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) ở khối lớp 1. Dù việc triển khai còn những khó khăn, bất cập nhưng đã được sự đón nhận, đồng tình từ phía dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh (HS).

Kể từ đầu năm học 2020 - 2021 cho đến nay, việc triển khai chương trình GDPTM ở khối lớp 1 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra rất thuận lợi. Theo đánh giá của các trường cũng như phụ huynh, đa phần HS tiếp thu bài nhanh và rất thích thú, năng động trong quá trình tìm hiểu các bài học.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho đang hướng dẫn HS lớp 1 học tập.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho đang hướng dẫn HS lớp 1 học tập.

TUÂN THỦ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA BỘ GD&ĐT

Tuy có nhiều thuận lợi nhưng trong quá trình triển khai chương trình GDPTM ở khối lớp 1 của tỉnh Tiền Giang cũng gặp những khó khăn nhất định. Và ngành GD&ĐT tỉnh đã có những điều chỉnh linh hoạt cho các trường trong việc bố trí, sắp xếp chương trình để HS có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Đặc biệt, trong hai tháng triển khai chương trình GDPTM vừa qua, trong đó có việc đưa bộ sách “Cánh diều” vào giảng dạy không chỉ ở Tiền Giang mà ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã phát hiện nhiều “hạt sạn” trong việc sử dụng ngữ liệu của bộ sách này. Vấn đề này đã được Bộ GD&ĐT yêu cầu chỉnh sửa.

 
Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022 sẽ tiếp tục triển khai chương trình GDPTM với khối lớp 2 và lớp 6 để có thể tiếp nối chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Để thực hiện theo lộ trình này, hiện ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục thực hiện rà soát về nhân sự, cơ sở vật chất trường lớp để có thể triển khai chương trình GDPTM ở khối lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh ở đầu năm học sau.
 
ĐỒNG CHÍ
HUỲNH THỊ PHƯỢNG

Theo Sở GD&ĐT, trong thời gian đầu thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và tiếp cận chương trình GDPTM giáo viên đã gặp nhiều khó khăn bởi các lý do: Thứ nhất, do tình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên trước khi vào lớp 1 các em HS đã ở nhà khá lâu và hầu như không được học hoặc học không đầy đủ chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập hay chuẩn bị tâm lý, tinh thần để vào lớp 1.

Thứ hai, về phía giáo viên dạy lớp 1, cũng do tình hình dịch bệnh nên việc triển khai tập huấn có gián đoạn làm ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, thực hành trên môi trường mạng, ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình tập huấn.

Thứ ba, về phía  phụ huynh chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chưa được hướng dẫn cụ thể về nội dung chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới. Mặt khác, phụ huynh thường so sánh giữa chương trình cũ và mới, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật khách quan, đầy đủ, gây áp lực cho HS, giáo viên và cả nhà trường.

Cô Trần Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu  học Thiên Hộ Dương cho biết, giáo viên đều được tham khảo, tập huấn, thực hành các kỹ năng, phương pháp sư phạm trước khi thực hiện giảng dạy chương trình GDPTM. Tuy nhiên, khi chính thức thực hiện giảng dạy theo chương trình GDPTM bên cạnh niềm háo hức thì giáo viên cảm thấy lo lắng, bởi không biết HS sẽ tiếp thu ra sao, còn phụ huynh sẽ phản ứng như thế nào. Thế nhưng, thật đáng mừng là qua thông tin tuyên truyền về chương trình GDPTM cũng như được tiếp cận bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, nhiều phụ huynh đã hiểu và tin tưởng con em mình sẽ phát triển năng lực, phẩm chất một cách tốt nhất thông qua chương trình GDPTM được triển khai trong năm học 2020 - 2021 ở HS khối lớp 1.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết, đến thời điểm hiện tại, ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện tốt chương trình GDPTM theo đúng lộ trình và kế hoạch của Bộ GD&ĐT đề ra. Tất cả mọi vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai đều được ngành tuân thủ nghiêm sự hướng dẫn và chỉ đạo từ phía Bộ GD&ĐT. Đồng thời, qua thăm dò, trao đổi, lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh tại một số trường phổ thông có lớp tiểu học tổ chức thực hiện giảng dạy bộ sách “Cánh diều” (Tiếng Việt lớp 1), Sở GD&ĐT không nhận được ý kiến phản hồi về nội dung và phương pháp giảng dạy bộ sách này cũng như chương trình GDPTM.

GIÚP HS HIỂU BÀI NGAY TẠI LỚP

Mặc dù việc triển khai chương trình GDPTM cũng như thực hiện giảng dạy bộ sách “Cánh diều” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua thuận lợi. Tuy nhiên, trước sự phản ánh của dư luận xã hội về bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh diều” có một số nội dung chưa phù hợp, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có Công văn 1545 ngày 12-10-2020 hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình GDPTM.

Đồng chí Huỳnh Thị Phượng cho biết, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tình hình học tập của HS, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPTM theo hướng mở. Qua đó,  giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà cho HS; không được xếp 3 tiết học Tiếng Việt liền kề nhau trong một buổi học đối với HS lớp 1.

Tổ chức rà soát tài liệu giảng dạy trong sách giáo khoa, giao quyền chủ động cho nhà trường, cho giáo viên trong việc điều chỉnh nội dung dạy học, điều chỉnh câu từ một cách hợp lý, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực HS. Đẩy mạnh việc trao đổi thông tin để phụ huynh HS nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình GDPTM và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình. Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, nhưng cần chú ý là phần dự giờ chủ yếu để hỗ trợ chứ không xếp loại tiết dạy của giáo viên.

TẤN MINH

.
.
Liên kết hữu ích
.