Thứ Hai, 14/03/2022, 10:48 (GMT+7)
.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang Lê Quang Trí: Linh hoạt thực hiện các hoạt động dạy và học

Mặc dù đã siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng trong khoảng 3 tuần qua, kể từ khi các trường đồng loạt tổ chức cho học sinh các bậc học đi học trở lại, tình hình dịch Covid-19 trong trường học đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nhận định về tình hình triển khai dạy học trực tiếp trong khoảng 3 tuần qua của các trường học trên địa bàn tỉnh, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang cho biết:

Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, 532 cơ sở giáo dục đã đồng loạt đón học sinh các bậc học trở lại trường từ khoảng cuối tháng 2-2022. Tình hình dạy và học đi vào nền nếp ổn định, trong đó các khối lớp đã tiến hành rà soát, hệ thống lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến trước đây; đồng thời, triển khai dạy và học các kiến thức của chương trình học kỳ II để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đề ra.

Bên cạnh những thuận lợi, thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi ngày Tiền Giang có khoảng 10 ngàn học sinh không đến trường, trong đó phần nhiều là do phụ huynh chưa an tâm cho con đi học trực tiếp; số còn lại do bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Các em được chuyển sang hình thức học trực tuyến. Bên cạnh đó, ở các trường cũng đã xuất hiện một số giáo viên đứng lớp bị nhiễm Covid-19, tuy nhiên, nếu trường hợp bất khả kháng xảy ra không có giáo viên để thay thế thì sẽ cho lớp đó tạm nghỉ chờ giáo viên bình phục.

* Phóng viên (PV): Trước tình huống dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp, đâu là giải pháp của ngành Giáo dục để vừa ứng phó với tình hình dịch bệnh, vừa đảm bảo triển khai tốt việc dạy học trực tiếp, thưa đồng chí?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Nhằm bảo đảm an toàn về sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, trẻ em trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục đã yêu cầu: Thứ nhất, các cơ sở giáo dục hằng tuần phải tổ chức đánh giá “Mức độ an toàn” trường học sau khi có kết quả xếp loại cấp độ dịch của địa phương do ngành Y tế công bố.

Những cơ sở giáo dục đạt “Mức độ an toàn rất cao” tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp theo kế hoạch và phương án đã được phê duyệt. Những cơ sở giáo dục không đạt “Mức độ an toàn rất cao”, thủ trưởng đơn vị làm tờ trình xin ý kiến Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, thị xã, thành phố tạm dừng việc dạy học trực tiếp chuyển sang dạy học trực tuyến.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với gia đình trẻ em, học sinh, học viên để theo dõi thường xuyên về sức khỏe, tư vấn tâm lý, giúp các em ổn định tâm lý và việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh; xử lý các mâu thuẫn thường gặp để phòng tránh tình trạng bạo lực trong và ngoài nhà trường.

Thường xuyên theo dõi, thăm hỏi, tư vấn, động viên kịp thời, giúp ổn định tâm lý với nhà giáo, phụ huynh học sinh; tạo tâm thế thoải mái, không để xảy ra các hiện tượng bất an về tinh thần, tâm lý làm ảnh hưởng đến trẻ em, học sinh.

Giờ học trực tiếp của trẻ mầm non Trường Mầm non Vườn Trẻ, phường 2, TP. Mỹ Tho.
Giờ học trực tiếp của trẻ mầm non Trường Mầm non Vườn Trẻ, phường 2, TP. Mỹ Tho.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng các thông tin chính thống về tình hình dịch Covid-19 đến giáo viên, phụ huynh, học sinh, thực hiện tốt các thông điệp 5K + vắc xin + thuốc điều trị + ý thức. Bên cạnh đó, các trường học phải phát huy hiệu quả các kênh trao đổi thông tin như: Facebook, Zalo, Email… để kịp thời trao đổi thông tin khi cần thiết.

Thứ tư, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo, xây dựng và thực hiện dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho học sinh thuộc diện F0, F1 và những học sinh chưa có điều kiện đến trường học tập trực tiếp nhằm đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục và không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

* PV: Như vậy, thời gian còn lại của năm học 2021 - 2022 không nhiều, ngành Giáo dục có những giải pháp nào để có thể vừa triển khai hiệu quả nhiệm vụ dạy và học, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, thưa đồng chí?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Chúng ta đã đi gần 2/3 chặng đường của năm học  2021 - 2022 với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trước những diễn biến của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đều có những giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ dạy và học, trong đó tận dụng linh hoạt, sáng tạo giữa hai hình thức là dạy học trực tuyến và trực tiếp tùy vào tình hình dịch.

Cụ thể, khi dịch bệnh được kiểm soát thì toàn ngành Giáo dục tận dụng “thời gian vàng” để tổ chức dạy học trực tiếp, rà soát hệ thống lại kiến thức cho học sinh; đồng thời, chủ động thực hiện chương trình, lựa chọn các nội dung cốt lõi theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian qua, ngành Giáo dục Tiền Giang đã áp dụng linh hoạt mô hình “lớp học 2 trong 1” kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến (đối với những học sinh F0, F1 hoặc do tình huống bất khả kháng chưa đến trường). Với cách làm sáng tạo này, trong tình huống nào ngành Giáo dục vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống.

Một vấn đề khá quan trọng là các trường cần tận dụng thời gian học trực tiếp để giảng dạy các nội dung cốt lõi, chủ động thực hiện chương trình, phòng ngừa diễn biến xấu của dịch bệnh, tránh rơi vào tình trạng bị động, phải thật sự chủ động, linh hoạt tùy vào tình hình thực tế của địa phương.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Đ. PHI (thực hiện)

.
.
.