Thứ Hai, 29/08/2022, 10:03 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo nguồn giáo viên

Năm học 2022 - 2023 đã chính thức khởi động. Một số trường học đã chính thức cho học sinh tựu trường. Năm học mới bắt đầu, tuy còn khó khăn nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang vẫn tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, đảm bảo nguồn giáo viên cho năm học mới.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Bình Minh (TX. Gò Công) trang trí lớp học, đón trẻ nhập học.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Bình Minh (TX. Gò Công) trang trí lớp học, đón trẻ nhập học.

ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Những năm qua, được sự đầu tư, quan tâm của các cấp, các ngành, bộ mặt GD-ĐT TX. Cai Lậy đã có nhiều khởi sắc. Toàn thị xã hiện có 33 trường học, trong đó có 13 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 7 trường THCS và 5 trường tiểu học - THCS. Theo Phòng GD-ĐT TX. Cai Lậy, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thị xã được đầu tư xây mới, đáp ứng tốt công tác giáo dục.

Mới đây, có 2 trường tiểu học đầu tư xây mới là Tiểu học Tân Bình (39,5 tỷ đồng) và Tiểu học Đặng Văn Bê (44,9 tỷ đồng), với tổng số 45 phòng học, 15 phòng bộ môn, 20 phòng hành chính quản trị. Để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, bên cạnh xây dựng mới một số phòng học ở các trường, bằng nguồn ngân sách, TX. Cai Lậy còn đầu tư sửa chữa các hạng mục, như: Sơn sửa trường lớp, sân trường, nhà vệ sinh, làm hàng rào… tại các trường học.

Trưởng phòng GD-ĐT TX. Cai Lậy Đoàn Thị Thủ cho biết, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn TX. Cai Lậy trong thời gian qua đạt  nhiều kết quả khả quan. Toàn thị xã có 23 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 69,7% (23/33 trường); trong đó, bậc mầm non có 11/13 trường (tỷ lệ 84,6%), tiểu học 6/8 trường (tỷ lệ 75%) và THCS 6/7 trường (tỷ lệ 85,7%). 

Còn tại huyện Chợ Gạo, hiện cũng đang tích cực chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho năm học mới. Theo đó, bằng nguồn ngân sách, huyện Chợ Gạo đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng sửa chữa, xây mới nhiều phòng học, nhà vệ sinh; thực hiện đầu tư, mua sắm bàn ghế, máy vi tính... Hiện toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 40%.

Trường Tiểu học Bình Phan (huyện Chợ Gạo) được đầu tư xây mới, đưa vào sử dụng trong năm học 2022 - 2023 với 12 phòng học, 16 phòng chức năng, tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Mỹ Xuyên cho biết: “Trường được đưa vào sử dụng đúng lúc năm học mới bắt đầu, đây là niềm vui của tập thể sư phạm nhà trường. Với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp sẽ giúp nhà trường thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thuận lợi hơn”.

Theo Sở GD-ĐT, qua thống kê đầu năm học, toàn tỉnh có 517 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.164 phòng học, trong đó có 7.403 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 90,7% so tổng số phòng học). Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn tỉnh thực hiện đầu tư xây mới 120 phòng học và đầu tư sửa chữa  nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh những thuận lợi, tình hình cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn gặp không ít khó khăn, một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây mới. Nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính quản trị; trang thiết bị bàn ghế cũ, hư hỏng...

Trường Tiểu học Bình Phan (huyện Chợ Gạo) được đầu tư xây dựng khang trang trong năm học 2022 - 2023.
Trường Tiểu học Bình Phan (huyện Chợ Gạo) được đầu tư xây dựng khang trang trong năm học 2022 - 2023.

Để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia. Tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên…

ĐẢM BẢO NGUỒN GIÁO VIÊN

Những năm qua, không riêng gì tỉnh Tiền Giang mà thực trạng thiếu giáo viên được xem là vấn đề nan giải xảy ra ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt là khoảng 2 năm gần đây kể từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Không chỉ thiếu giáo viên mầm non, mà tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra ở các cấp học phổ thông tiểu học, THCS và THPT.

Trên 300 ngàn học sinh tựu trường

Sáng 29-8, cùng với học sinh tiểu học đã tựu trường trước đó, các cấp học còn lại gồm mầm non, THCS, THPT đồng loạt tựu trường năm học 2022 - 2023. Theo quy định, chương trình học kỳ I dành cho các bậc học sẽ bắt đầu từ ngày 5-9. Toàn tỉnh hiện có 188 trường mầm non, 167 trường tiểu học, 123 trường THCS và 38 trường THPT. Năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT tỉnh có trên 19 ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 300 ngàn học sinh ở các bậc học.

Theo rà soát từ Sở GD-ĐT, đầu năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Tiền Giang có 3.228 giáo viên mầm non (thiếu 343 giáo viên), 5.906 giáo viên tiểu học (thiếu 322 giáo viên), 4.579 giáo viên THCS (thiếu 207 giáo viên) và 2.080 giáo viên THPT (thiếu 112 giáo viên).

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giải pháp được đưa ra là tuyển dụng nguồn giáo viên. Ngày 2-8, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập cho năm học 2022 - 2023. Tại Tiền Giang, để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, các Phòng GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho bậc mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết, sẽ khó tuyển đủ giáo viên như mong muốn, và câu chuyện thiếu giáo viên chưa thể giải quyết được ngay.

Theo lãnh đạo các Phòng GD-ĐT, khó nhất trong nhiều năm học qua vẫn là tuyển dụng giáo viên mầm non. Mặc dù đã có cơ chế chính sách hỗ trợ nhưng rất khó thu hút, kế đến là giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục… cho bậc tiểu học và THCS vẫn là nan giải, bởi đầu ra các ngành học này hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng là không nhiều.

Năm học 2022 - 2023, sẽ có thêm lớp 3 và 7 học theo Chương trình GDPT 2018, nhu cầu tuyển dụng chắc chắn sẽ tăng, thế nhưng dự kiến sẽ khó để tuyển đủ chỉ tiêu vì không có nguồn tuyển dụng. Mặt khác, việc thu hút sinh viên sư phạm chính quy về công tác ở vùng sâu, vùng xa được đánh giá là rất khó khăn, bởi mức thu nhập và điều kiện sống không bằng so với thành thị.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết, năm học mới, chủ trương tăng biên chế giáo viên được xem là rất phấn khởi cho ngành Giáo dục. Tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ hơn về nhiều mặt, trong đó cần thực hiện tốt các chính sách đối với giáo viên để sống được với nghề, từ đó yên tâm công tác, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Sở GD-ĐT, từ năm 2013 đến nay, Sở đã liên kết với Trường Đại học Tiền Giang đào tạo trên 1.200 giáo viên mầm non trình độ cao đẳng để tạo nguồn giáo viên mầm non cho các địa phương của tỉnh. Bên cạnh đó, với những bộ môn thiếu giáo viên, Sở sẽ tính cơ chế đặt hàng đối với những môn học đang bị thiếu giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, Lịch sử - Địa lý,…

Đ. PHI - T. HOÀI - T. LÂM

.
.
.