.

Ngành giáo dục góp phần xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 11:02, 06/03/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới (NTM).

CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG TRƯỜNG LỚP

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực GD-ĐT, gồm: Tiêu chí số 5 Trường học và tiêu chí số 14 GD-ĐT. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) và hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch, tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trường Mầm non Song Thuận, huyện Châu Thành được  đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đang trong lộ trình chuẩn bị xây dựng trường CQG.
Trường Mầm non Song Thuận, huyện Châu Thành được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đang trong lộ trình chuẩn bị xây dựng trường CQG.

Huyện Chợ Gạo hiện có 54 trường công lập, gồm: 19 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 12 trường THCS và 4 trường THPT. Từ năm 2011 đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí, UBND huyện, Phòng GD-ĐT và các trường đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình trường học, với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng. Đến nay, huyện Chợ Gạo đã có 38 trường học đạt CQG. Cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, chất lượng giáo dục ở các cấp học không ngừng được nâng lên.

Hiện tại, 100% xã đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ, 100% xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT đạt trên 86%.

Còn tại huyện Tân Phước mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua cùng với công tác xây dựng NTM ở các địa phương, bộ mặt, chất lượng giáo dục của huyện đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Đến nay, toàn huyện có 23/27 trường CQG. Việc xây dựng trường CQG của huyện Tân Phước còn góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 5 trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức 3, THCS đạt mức 2 và chuẩn xóa mù chữ đạt mức 2.

Theo ngành GD-ĐT Tiền Giang, trong hơn 10 năm qua, thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngành GD-ĐT không ngừng tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học để đảm bảo điều kiện cho việc ổn định và phát triển các ngành học, bậc học.

Trong giai đoạn 2010 - 2021, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng đưa vào sử dụng 4.298 phòng học, phòng học bộ môn, phòng hành chính quản trị ở giáo dục mầm non, phổ thông, với tổng vốn đã huy động để thực hiện đầu tư xây dựng là 6.311 tỷ đồng; trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 351,7 tỷ đồng. Tính đến năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 8.164 phòng học ở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 7.403 phòng học kiên cố (chiếm 90,7% so tổng số phòng).

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN

Theo Sở GD-ĐT, mục tiêu quan trọng đối với GD-ĐT trong xây dựng NTM  là ngày càng có nhiều trường CQG, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân trong tỉnh. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 330 trường đạt CQG (đạt 63,95%); trong đó, bậc mầm non 105 trường (55,85%), tiểu học 137 trường (82,04%), THCS 66 trường (53,66%), THPT 22 trường (57,89%).

Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, công tác xây dựng trường CQG của tỉnh đã đi vào nền nếp. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng trường CQG. Chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều thay đổi rõ rệt, công tác phân luồng học sinh ngày càng đi vào chiều sâu, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong những năm qua luôn giữ vững chất lượng ổn định so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục hiện cũng gặp một số khó khăn nhất định, tỷ lệ trường CQG ở bậc THCS và THPT của tỉnh còn khá thấp; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu của các địa phương, đơn vị, chất lượng giáo dục chưa thật sự đồng đều…

Cũng theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, ngành GD-ĐT đặt ra mục tiêu: THCS 99% và THPT 85%. Trường CQG bậc mầm non, THCS, THPT dự kiến đến năm 2025 là 70%, riêng bậc tiểu học 80%.

Để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt kết quả cao, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh cần được sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, chia sẻ của các sở, ngành, từ đó sẽ đào tạo một nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.

Theo đó, một số công việc trọng tâm được toàn ngành đặt ra là:

Thứ nhất là tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở GD-ĐT, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học.

Thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Thứ ba là triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở các bước tiếp theo; nâng cao chất lượng GD-ĐT. Thứ tư là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Và cuối cùng là phát huy tốt các nguồn lực góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT.

PHI CÔNG

 

.
.
.