Thứ Sáu, 05/04/2013, 09:07 (GMT+7)
.

Sáng ngời chữ “tâm” của người thầy thuốc

Từ khi triển khai thực hiện việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội luôn tâm niệm phải học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể gắn với công việc hàng ngày. Từ đó, trong 2 năm qua, anh luôn sưu tầm những mẩu chuyện về Bác với cán bộ ngành Y tế để nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn công việc.

Năm 1995, đang công tác ở Trung tâm Da liễu tỉnh, một người chị quen với anh Hùng đang là Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội thuyết phục anh về trung tâm nơi chị công tác, vì nơi này đang thiếu cán bộ y tế. Nhiều người cản, bảo anh đang có việc làm ổn định ở ngay trung tâm tỉnh, mắc gì về nơi chỉ toàn là người mắc tệ nạn xã hội. Có người bảo, nhìn thấy học viên ai cũng bặm trợn, trên người đầy những hình xăm là phát… ngán rồi, huống hồ hàng ngày phải gần gũi, thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho họ.

Dù không bị tác động bởi dư luận, song lúc ấy anh cũng không có ý định về một nơi mà “ít ai muốn đến”. Nhưng rồi lương duyên khiến anh thay đổi quyết định. Để rồi 18 năm qua, anh gắn bó với trung tâm như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Những ngày đầu về trung tâm, thấy những hình xăm kỳ quái dày đặc trên thân thể các học viên, anh cũng “dội”, nhưng khi tiếp xúc với họ rồi dần dần thấy cũng quen. Suốt 18 năm qua, anh luôn tôn trọng quyền được khám chữa bệnh, cai nghiện ma túy, phục hồi sức khỏe của học viên, không phân biệt đối xử, dù họ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Hỏi anh tại sao lại bỏ thành phố, về một nơi “hẻo lánh” để chăm sóc cho những người mà ít ai dám gần? Anh Hùng hỏi lại: Ai cũng sợ, ai cũng xa lánh thì tương lai những người lầm đường, lạc lối sẽ đi về đâu? Anh Hùng chia sẻ: Đành rằng học viên là những người lạc lối, nhưng họ vẫn là con người. Hơn ai hết, họ cần được chăm sóc, cảm hóa để tìm về nẻo thẳng, đường ngay, làm lại cuộc đời.

Người bị nhiễm HIV luôn sống trong mặc cảm bởi xã hội còn nhiều người chưa thông cảm và có sự kỳ thị. Chính vì vậy, trong suốt 18 năm qua anh luôn tôn trọng chuyện riêng tư của người bệnh, khi thăm khám, chăm sóc bảo đảm kín đáo, lịch sự để người bệnh cảm thấy mình luôn được tôn trọng. Anh Hùng kể, nhiều người sau khi biết mình bị nhiễm HIV đã tự kỳ thị mình, sống khép kín, không hợp tác để điều trị. Là thầy thuốc, anh không thể nhìn thấy bệnh nhân chết mà không cứu. Vì vậy, anh đau đáu nghĩ cách rồi kiên trì thuyết phục.

Chính vì vậy, khi anh cảm hóa được một học viên nhiễm HIV chịu để cán bộ y tế thăm khám, điều trị là anh cảm thấy vui và hạnh phúc. Và trong thời gian qua, bằng tình thương, trách nhiệm và cái tâm trong sáng của người thầy thuốc, anh đã cảm hóa thành công nhiều học viên bị nhiễm HIV chấp nhận điều trị. Niềm vui lớn nhất của anh là khi thấy học viên được mình cảm hóa bây giờ sức khỏe đã tốt hơn, lạc quan hơn, sống có trách nhiệm hơn với chính mình và xã hội.

Do không tuyển được người nên có thời gian trong 7 năm liền, một mình anh phải chăm sóc sức khỏe cho tất cả học viên của trung tâm. Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội Lê Thị Ánh Hồng chia sẻ: Cán bộ y tế ở trung tâm làm việc trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, môi trường độc hại, khả năng phơi nhiễm HIV cao. Chính vì vậy, trong nhiều năm liền trung tâm tuyển hoài mà vẫn không có cán bộ y tế nào về.

Có người đến trung tâm nhận công tác được một thời gian rồi “một đi không trở lại”. Hồi đầu năm 2012 có 1 bác sĩ gởi hồ sơ xin vào công tác. Trung tâm ai cùng mừng, vì đến nay đơn vị vẫn chưa có bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, khi vào trung tâm để “thị sát” thì không thấy quay trở lại nữa. Chị Hồng đúc kết: Phải có cái tâm thật sự thì mới có thể gắn bó được với trung tâm. Còn gắn bó với trung tâm lâu dài như anh Hùng thì thật là đáng quý và đáng trân trọng.

Từ năm 2011 đến nay, anh Hùng và đồng nghiệp đã hết lòng phục vụ cho đối tượng đang quản lý tại trung tâm. Với vai trò là Trưởng phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe, anh luôn phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Từ lời dạy ấy của Bác, trong công việc hàng ngày, anh luôn tâm niệm: Các đối tượng vào trung tâm đã trót lỡ bước sa chân, nếu không đến với các em bằng cái tâm trong sáng của người thầy thuốc thì khó giúp các em tìm lại lối thẳng, đường ngay.

Vì vậy, dù Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe chỉ có 4 người, nhưng anh và đồng nghiệp đã nỗ lực cắt cơn cai nghiện, phục hồi sức khỏe cho 418 học viên, trong đó có 182 học viên tự nguyện; khám và chữa bệnh cho 53 học viên mại dâm; chăm sóc, điều trị cho 80 người nhiễm HIV. Đa số học viên sau thời gian cai nghiện, chữa bệnh, sức khỏe hồi phục tốt, không có trường hợp nào bệnh, suy kiệt và tử vọng tại trung tâm.

Hỏi anh sự tận tụy ấy và những hy sinh thầm lặng ấy có phải xuất phát từ việc anh đang học tập và làm theo Bác? Anh Hùng bảo những việc mình làm là rất nhỏ nhoi, vì vậy anh chưa dám nhận mình đang học tập và làm theo Bác, mà anh chỉ dám nhận là người làm theo lời di huấn của Bác trong Di chúc: Đảng và Nhà nước phải hết mình chăm lo cho mọi đối tượng trong xã hội, không quên bất cứ ai, cho dù công việc có khó khăn và phức tạp đến mấy. 

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.