BÀI 2: Mang yêu thương đến với trẻ khuyết tật
Bài 1: Tận tâm phục vụ các đối tượng bảo trợ xã hội
Hơn 15 năm qua, lời dạy của Bác đối với sự nghiệp Giáo dục “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” đã ăn sâu vào nếp nghĩ và việc làm của các cán bộ và thầy cô ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (viết tắt Trung tâm), tiền thân là Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Tiền Giang (tọa lạc phường 5, TP. Mỹ Tho). Học tập và làm theo Bác, các cán bộ và thầy cô của Trung tâm đã hết lòng yêu thương trẻ, xoa dịu những khiếm khuyết của các em, là điểm tựa để trẻ vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, Trung tâm tiếp nhận can thiệp 171 trẻ ở nhiều lứa tuổi, bị các dạng khuyết tật khiếm thính, trí tuệ, tự kỷ… Cách chăm sóc, dạy dỗ như thế nào để các em sớm hòa nhập cộng đồng luôn là nỗi trăn trở và là mục tiêu hướng tới của các cán bộ, thầy cô giáo ở đây.
YÊU TRẺ, MẾN NGHỀ
Có con khiếm khuyết về nghe, cô Lê Thị Bê đã xin chuyển công tác sau 9 năm dạy bậc tiểu học sang dạy trẻ khuyết tật chuyên biệt để trang bị kiến thức, kỹ năng dạy cho con mình và các trẻ khác. Thấm thoát hơn 20 năm gắn bó với công việc can thiệp sớm cho trẻ, cô Bê tâm sự: “Tôi đồng cảm và chia sẻ với các bậc phụ huynh, vì đó là nỗi đau thầm lặng của các bậc cha mẹ, trong đó có tôi, khi con chẳng may bị các dạng khuyết tật, tự kỷ…”.
Cô Bê luôn dang rộng vòng tay đón nhận các trẻ khuyết tật bằng tất cả tình yêu thương, để các em được học và sớm được hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Chỉ vài hôm nghỉ phép vì bệnh, cô quay lại với lớp, mà trẻ vui ra mặt, chạy đến ôm chầm lấy cô, khiến cô vô cùng cảm động, như tiếp thêm sức mạnh để cô tiếp tục với nghề.
Từng động tác, lời nói chậm rãi của cô giáo giúp trẻ khuyết tật dễ ghi nhớ để thực hiện. |
Thầy Võ Văn Lý từ giáo viên Tin học, sau khi được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đã trở thành giáo viên can thiệp sớm trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ tại Trung tâm. Hiện thầy Lý đang học văn bằng 2 ngành Giáo dục đặc biệt. “Tôi vừa được Trung tâm phân công sang hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, đã chủ động tìm hiểu trẻ và nghiên cứu tài liệu để có kiến thức can thiệp trẻ tốt hơn. Tuy nhiên, khi trực tiếp va chạm thực tế, tôi đã gặp không ít khó khăn, do là giáo viên nam không khéo tay làm các đồ dùng dạy học và giọng nói trầm không thu hút trẻ bằng các cô… Bản thân nguyện nỗ lực hơn nữa để ngày càng nâng cao tay nghề…”.
"Nếu không có sự kiên trì, nhẫn nại và tình thương thực sự dành cho trẻ thì không thể chăm sóc, chứ chưa nói đến việc khai thông trí tuệ cho các em…”.
BÍ THƯ CHI BỘ, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HÒA NHẬP TỈNH TIỀN GIANG CAO THỊ TIẾNG KHẲNG ĐỊNH. |
Trong năm học 2021 - 2022, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm trăn trở: “Học sinh các trường khác học trực tuyến, nhưng trẻ của Trung tâm mình không được học như vậy. Có cách nào để trẻ do Trung âm quản lý không bị lây nhiễm bệnh?
“Trong cái khó ló cái khôn”, các cán bộ và giáo viên nhà trường đã nảy ra “sáng kiến” tổ chức tư vấn qua điện thoại, qua ứng dụng Zalo cho phụ huynh của trẻ trong việc chuyển giao kỹ thuật can thiệp; hỗ trợ phụ huynh dạy cho trẻ tại gia đình thực hiện theo các chủ đề trong khung chương trình can thiệp sớm; đồng thời, Trung tâm tổ chức đánh giá trực tuyến, sắp xếp tư vấn cá nhân trực tuyến cho phụ huynh sau khi đánh giá…
GIÁO ÁN TRĨU NẶNG TÌNH THƯƠNG
Hiện nay, do số lượng trẻ khuyết tật nhiều dạng đang theo học ở Trung tâm khá đông nên các em chỉ học mỗi tuần 2 buổi và giáo viên chỉ dạy 1 em trong 55 phút, hết em này đến em khác; bình quân mỗi ngày các thầy cô dạy 6 trẻ và một tuần dạy 14 - 16 trẻ. Do vậy, thầy cô phải biên soạn giáo án “đặc biệt” để sao cho phù hợp với năng lực, nhu cầu, kiểu học, cách học của mỗi trẻ, góp phần cải thiện các lĩnh vực nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ…
Trong kế hoạch bài giảng của giáo viên không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học, thậm chí một nội dung bài học có thể kéo dài đến 2 tuần. Trang giáo án mà thầy cô ở Trung tâm dùng để dạy các em hằng ngày được viết nên từ tấm lòng trĩu nặng tình thương, từ niềm mong mỏi các trẻ có nhận thức tốt hơn ngày hôm qua.
Cô Bê chia sẻ, thiết kế giáo án bậc tiểu học đơn giản, nhưng với trẻ khiếm khuyết thì các thầy cô phải xây dựng chi tiết, lặp đi lặp lại để trẻ hiểu; từng động tác, lời nói hướng dẫn phải chậm rãi để trẻ dễ ghi nhớ. Hành trình hòa nhập mỗi trẻ khác nhau, tùy theo mỗi dạng tật mà có trẻ tiếp thu nhanh, có trẻ cả một thời gian dài không chuyển biến...
Các thầy cô ở Trung tâm đã giúp đỡ nhiều thế hệ học sinh sớm hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội, xây dựng cho mình tổ ấm hạnh phúc… là niềm động viên tinh thần để thầy cô giáo - những người đã dành thời gian, sự nhiệt huyết, tận tâm và hy sinh thầm lặng trên hành trình nhọc nhằn gieo “con chữ”, vì sự nghiệp “trồng người” vẻ vang của tỉnh nhà. |
Không ngại đường xa khó nhọc, hằng tuần, các bậc phụ huynh đều đặn đưa con đến Trung tâm để học tập, rèn luyện kỹ năng, với mong mỏi được nhìn thấy con phục hồi các chức năng, sớm hòa nhập cộng đồng, cùng vui chơi, sinh hoạt, học hành như bạn bè trang lứa bình thường khác.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (ngụ xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) có con 4 tuổi, bị chậm phát triển ngôn ngữ. Anh cho con học trường mầm non; đồng thời, mỗi tuần 2 lần anh chở con đến Trung tâm để rèn luyện kỹ năng. “Sau hơn 1 tháng mà con đã tiến bộ rất nhiều, tập trung hơn trước, đi học, vui chơi cùng các bạn và đã nói được một số từ dễ; đặc biệt là, con rất thích các con số và đếm số rất thành thục…” - anh Tuấn cho biết.
Cô Nguyễn Thị Hoài Mỹ, giáo viên can thiệp sớm, chia sẻ, có những lúc bản thân buồn khi trẻ không tiến bộ, phụ huynh cũng dần bỏ cuộc. Tuy nhiên, bản thân đã vực dậy, vừa nỗ lực tìm kiếm phương pháp, kế hoạch dạy cho trẻ sao cho mang lại hiệu quả; vừa cổ vũ, động viên phụ huynh cần có niềm tin vào một ngày nào đó con mình sẽ như bao đứa trẻ khác. Những hành động, việc làm hết sức đơn giản nhưng lại là kỳ tích của các cán bộ, thầy cô với các trẻ khiếm khuyết trong môi trường đặc biệt này.
Cô Tiếng cho biết, tại mỗi lớp học ở Trung tâm, phụ huynh tham gia vào học cùng trẻ; qua đó, các thầy cô hướng dẫn thêm cho phụ huynh các kiến thức, cách chăm sóc và cách phối hợp cùng nhà trường can thiệp, trị liệu cho trẻ sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của Trung tâm không ngừng nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm đối với việc can thiệp, giáo dục sớm trẻ khuyết tật. Sự nhẫn nại, đặc biệt là tình yêu thương đối với trẻ đã giúp tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm vượt qua khó khăn, trụ vững lâu dài với nghề.
VÌ SỰ NGHIỆP “TRỒNG NGƯỜI”
Không chỉ chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật tại đơn vị, Trung tâm còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho các trường học mầm non, phổ thông trong toàn tỉnh và gia đình có trẻ khuyết tật, trang bị cho gia đình có trẻ em khuyết tật những kiến thức cần thiết để chăm sóc, luyện tập và nuôi dạy các trẻ tốt hơn để trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.
Năm 2020, đối với các trẻ tham gia can thiệp một thời gian dài mà không thể theo được kiến thức học đường, không tiến bộ, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp kỹ năng sống, giúp các trẻ được trải nghiệm những kỹ năng cần thiết hằng ngày, có khả năng tự lập, biết phụ giúp công việc nhà. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, giới thiệu nhiều em vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp với các nghề may mặc, làm mộc, thợ bạc…, có thu nhập ổn định, tự lo cho cuộc sống.
Cô Tiếng chia sẻ, gắn bó với học sinh khuyết tật, cô luôn mong mỏi các em sớm được hòa nhập với cộng đồng, không phải trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Lớp học của trẻ khuyết tật được xây dựng bằng tình thương yêu, sự nỗ lực không ngừng của tập thể thầy cô giáo, đã biến Trung tâm trở thành ngôi nhà chung ấm áp, hạnh phúc của nhiều trẻ khuyết tật.
Cô Tiếng cho biết thêm, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục xây dựng đội ngũ thầy cô giáo nhiệt huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự nhà giáo; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với trẻ khuyết tật, phụ huynh, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ khuyết tật…, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng.
VĂN THẢO
(còn tiếp)