Thứ Hai, 24/09/2012, 14:42 (GMT+7)
.

Cần hỗ trợ người trồng dừa “bám trụ”

Sau thời gian “chạm đáy”, giá dừa đang có xu hướng tăng trở lại dù không đáng kể. Để ngành dừa trụ vững, không để tái diễn điệp khúc “trồng - chặt”, cần có chính sách hỗ trợ cho người trồng dừa.

GIÁ TĂNG NHƯNG CHƯA HẤP DẪN

Chúng tôi trở lại vùng trồng dừa tập trung ở các huyện phía Đông, không khí mua bán vẫn còn trầm lắng, tâm trạng người trồng tỏ ra bất an dù giá dừa đang có xu hướng tăng trở lại.

Ông Nguyễn Văn Tỷ, ấp Hòa Phú (Bình Ninh, Chợ Gạo) cho biết, hiện nay giá dừa tăng hơn trước nhưng mức tăng chậm và thấp, khoảng 20.000 - 27.000 đồng/chục (14 hoặc 12 trái). Với giá này người trồng dừa vẫn rất khó khăn.

“Trước đây, giá dừa cao, vườn dừa được chăm sóc kỹ, mỗi tháng 2,5 công dừa cho thu hoạch trên một trăm dừa. Dừa tuột giá thê thảm, từ đó đến nay tôi không bón phân, chăm sóc cho vườn lần nào nên mỗi tháng thu hoạch chỉ được 3 - 4 chục” - ông Tỷ nói.

Chị Phạm Thị Kim Ngọc, chủ vườn dừa kề bên cũng cho biết, khoảng 1 năm nay, dừa cho trái chiếng nhưng giá quá thấp, chị không quan tâm đến việc chăm sóc, rải phân nên trái không có bao nhiêu.

“Cách đây 3 - 4 năm, giá dừa cao, thấy mọi người đua nhau trồng dừa, tôi cũng lên liếp ruộng để trồng. Dừa tuột giá mạnh, có lúc chỉ còn từ 10.000 - 12.000 đồng/chục, tôi chán nản nên bỏ bê không chăm sóc luôn. Hiện nay giá dừa tăng trở lại nhưng vẫn còn thấp, người trồng dừa vẫn chưa đủ sống, nông dân cũng chưa tha thiết với cây dừa” - chị Ngọc nói.

Giá dừa thấp, người trồng dừa và thương lái cùng gặp khó.
Giá dừa thấp, người trồng dừa và thương lái cùng gặp khó.

“Với 1,7 ha dừa, mỗi năm bón 2 đợt phân, chi phí lên đến 16 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc, bồi liếp. Trong khi với giá dừa hiện nay, trung bình mỗi năm vườn dừa của tôi cho thu hoạch chỉ bán được từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Dù có lời nhưng giá trị quá thấp, không thể nuôi sống nỗi gia đình nếu sống chủ yếu dựa vào cây trồng này”- ông Đỗ Ngọc Song, ấp An Ninh (Vĩnh Hựu, Gò Công Tây), người có trên 30 năm trồng dừa, phân tích.

Theo ông, giá dừa tăng từ 50.000 đồng/chục trở lên là hợp lý, khi đó người trồng mới có thể an tâm sống và gắn bó lâu dài với cây dừa.

Tại các cơ sở mua bán dừa, không khí khá yên ắng. Anh Vinh, lái dừa ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) mở cơ sở mua dừa ở huyện Chợ Gạo cho biết, hiện nay giá mua vào của công ty rất thấp. Giá dừa tăng thời gian qua chủ yếu nhờ bán hàng chợ, nhưng nhu cầu của các đầu mối tiêu thụ dạng này rất thất thường. Mặt khác, dừa đang vào mùa nghịch, năng suất giảm do người dân không quan tâm chăm sóc vườn.

Hiện tại, nhiều thương lái còn đang bị ứ đọng hàng do tiêu thụ không kịp. Chị Hân, thương lái ở ấp Bình Quới Thượng (Bình Ninh, Chợ Gạo) bạn hàng của anh Vinh cho biết, hiện nay chị còn hàng tấn dừa lên mộng dài khoảng 1 tấc bị đọng lại chưa tiêu thụ được.

Anh Bảo, chủ cơ sở mua bán dừa ở xã Hòa Định (Chợ Gạo) nhận định, thị trường dừa hiện nay vẫn rất khó đoán, tùy thuộc vào xuất khẩu. Có thể giá dừa sẽ giữ ở mức này hoặc tăng nhẹ trong thời gian gần nhưng tăng mạnh và cao rất khó xảy ra vì tình hình xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu tốt.

CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Đầu ra trái dừa gặp khó là thế, nhưng khi hỏi khả năng chuyển sang trồng cây khác trong thời gian tới, ông Đỗ Ngọc Song vẫn khẳng định chắc nịch không chặt dừa. Một phần do tình cảm gắn bó lâu năm với cây trồng này. Mặt khác, những cây trồng thay thế không chắc sẽ hiệu quả hơn (nhất là cây thích hợp với vùng đất này) so với cây dừa.

“Đến nay, chưa có hộ dân nào ở xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) chặt dừa trồng cây khác. Họ đang hy vọng và chờ đợi giá dừa sẽ tốt trở lại trong thời gian không xa” - ông Song cho biết.

Theo Phòng NN&PTNT Chợ Gạo, huyện hiện có 4.500 ha dừa, trong đó 4.200 ha dừa đang khai thác. Dù những ngày qua giá dừa có nhích lên nhưng vẫn còn rất chậm. Người trồng dừa vẫn đang rất khó khăn. Dù vậy, phần lớn nông dân vẫn tiếp tục gắn bó với cây dừa, dù có một số hộ chuyển đổi nhưng không đáng kể.

Theo lý giải của Phòng NN&PTNT huyện, để trồng được cây dừa cho trái phải mất đến 3-4 năm nên người dân không vội chuyển đổi. Tuy nhiên, việc chăm sóc vườn dừa của hộ dân có lơ là, nhiều hộ bỏ bê không chăm sóc dẫn đến năng suất, sản lượng dừa giảm.

“Dừa là cây trồng có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Chợ Gạo, nguồn sống chủ yếu của rất nhiều nông hộ, trong tình hình hiện nay, quan điểm của ngành Nông nghiệp huyện là giữ ổn định diện tích dừa”- ông Phùng Chí Sơn, Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chợ Gạo nói.

Để đảm bảo thu nhập, nông hộ tiếp tục gắn bó với cây dừa, ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích nông dân trồng xen những cây trồng phù hợp. Hiện nay, toàn huyện có trên 2.000 ha dừa xen ca cao. Các cơ quan liên quan của tỉnh cũng đã xây dựng dự thảo và đang lấy ý kiến các địa phương về chính sách hỗ trợ cho người trồng dừa.

Theo đó, hướng đề nghị hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha/năm và hỗ trợ chia làm từng đợt. Chợ Gạo đề nghị áp dụng hình thức hỗ trợ dựa vào số cây thay vì tính theo diện tích để việc hỗ trợ đến nông dân chính xác hơn. Nếu chính sách này áp dụng sẽ “hà hơi”, tiếp sức không nhỏ cho người trồng tiếp tục trụ lại với cây trồng này.

Ông Lê Tấn Trưng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây cũng cho biết, hiện nay nông dân trồng dừa chưa có dấu hiệu muốn chuyển đổi sang trồng cây khác. Theo ông, yếu tố quan trọng khác mà người dân rất quan tâm. Đó là tính thích nghi của những cây trồng khác ở vùng đất này rất khó khăn và khó mang lại hiệu quả kinh tế.

"Đây là vùng nước lợ, việc chuyển đổi cây trồng sẽ rất khó khăn và nhiều rủi ro; những cây trồng thay thế khó cho hiệu quả cao nên nông dân cân nhắc rất kỹ. Một mặt, nông dân đang chờ giá dừa thay đổi theo chiều hướng tốt trong thời gian tới, mặt khác trông đợi vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trong khi chờ chính sách hỗ trợ, chúng tôi khuyến cáo người dân bình tĩnh, ổn định diện tích dừa; đồng thời tiếp tục chăm sóc vườn dừa theo điều kiện, khả năng của gia đình; có thể trồng xen những cây phù hợp sống trong vườn dừa để tăng thu nhập” - ông Trưng nói.

N. VĂN

.
.
.