Thứ Ba, 25/09/2012, 12:16 (GMT+7)
.

Quyết định 65: “Luồng gió mới” cho nông, thủy sản

Quyết định 65/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản vừa được triển khai thực hiện được xem là “luồng gió” mới đối với lĩnh vực nông, thủy sản; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây kho lương thực, thủy sản.

Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu ở Cụm công nghiệp Song Thuận (Châu Thành) cho rằng, Quyết định 65 ra đời cơ bản đã góp phần gỡ được “nút thắt” trong việc đầu tư kho bãi dự trữ lúa.

Bởi thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu muốn đầu tư mở rộng kho bãi nhưng vướng lớn nhất là vốn đầu tư mặt bằng và đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại; trong khi lãi suất ngân hàng thời gian qua duy trì ở mức cao nên nhiều dự án đành phải gác lại.

Trong khi đó, chi phí đầu tư trang thiết bị chứa gạo hiện tại cũng rất lớn. Chẳng hạn, nếu tính theo silo chứa gạo hình tháp có đường kính 8 m, chiều cao 10 m (sức chứa 100 tấn gạo) giá ước tính phải trên 1 tỷ đồng. Như vậy, silo có sức chứa 1.000 tấn, khoản đầu tư phải trên 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè) cho biết, nhằm tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tiêu thụ tốt nguồn lúa gạo hàng hóa cho nông dân, công ty cũng đã phải đầu tư thêm 39 tỷ đồng lắp đặt hệ thống silo chứa và bảo quản lúa gạo, tự động hóa dây chuyền sản xuất.

Hệ thống silo chứa gạo của Công ty TNHH Song Thuận (Châu Thành).
Hệ thống silo chứa gạo của Công ty TNHH Song Thuận (Châu Thành).

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành Lương thực trên địa bàn tỉnh đều chuyển dần sang mô hình trữ gạo bằng silo thay cho dự trữ bằng bao như trước đây. Silo là kho bảo quản kín so với các nhà kho có mái che (hở) thông thường như ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay.

Mặc dù chi phí đầu tư của silo cao hơn khoảng 2 lần so với nhà kho có mái che, nhưng chứa bằng silo giảm thiểu được công lao động phục vụ trong kho, giảm tổn thất sau thu hoạch triệt để hơn, bảo quản được lâu hơn (từ 6 tháng đến 1 năm) để chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu và không bị đối tác ép giá.

Việc lựa chọn công nghệ silo để bảo quản lúa gạo là phù hợp với điều kiện sản xuất lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL. Do vậy, Quyết định 65 sẽ góp phần giảm áp lực cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới trang thiết bị xây kho chứa lúa gạo.

Theo Quyết định 65, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kho nằm trong dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, bắp; kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản; kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch, được miễn tiền thuê đất theo Quyết định 57/2010/QĐ-TTg ngày 17-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ, được Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng và 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào.

Riêng đối với doanh nghiệp mới thành lập để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản, kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch, tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (theo danh mục địa bàn ưu đãi Thuế Thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định 124/2008/NĐ-CP ngày 11-12-2008 của Chính phủ) được áp dụng mức thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Đối với dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Mua dự trữ lúa, gạo vụ hè thu được hỗ trợ 100% lãi suất vay

Sở Công thương vừa triển khai cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh Thông tư 139 của Bộ Tài chính. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để mua tạm trữ lúa, gạo vụ hè thu năm 2012, thời gian tạm trữ từ ngày 10-7 đến ngày 10-10.

Giá để tính hỗ trợ lãi suất là giá mua thực tế theo giá thị trường theo từng loại lúa, gạo. Lãi suất hỗ trợ là lãi suất các thương nhân vay ngân hàng theo hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 11,5%/năm.

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp kinh doanh lương thực được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ với tổng số 43.000 tấn quy gạo.

Riêng Công ty Lương thực và Công ty Nông sản thực phẩm tiếp tục được Tổng Công ty Lương thực miền Nam phân bổ chỉ tiêu mua lúa, gạo tạm trữ là 15.000 tấn quy gạo. Đến nay các doanh nghiệp đã thu mua đạt 100% chỉ tiêu.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã thông qua quy hoạch xây dựng hệ thống kho chứa lúa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2013, với mục tiêu chung là hệ thống kho chứa lúa, gạo đủ khả năng trữ lúa gạo trong vòng 6 tháng, có tính kỹ thuật cao về bảo quản và xay xát lúa gạo, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng hệ thống kho có sức chứa 172.540 tấn; thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa trong các kho để nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản; trang bị đồng bộ máy sấy hiện đại kết hợp với xay xát, đánh bóng, phân loại tại các điểm thu mua chế biến lớn; hình thành 2 trung tâm chế biến gạo, nông sản và 7 cụm công nghiệp chế biến gạo.

Dự kiến đến năm 2013, tổng dung tích kho chứa đạt 370.000 tấn. Việc đầu tư kho chứa lúa gạo trên địa bàn tỉnh cũng được áp dụng những ưu đãi theo quy định mới hiện nay.

Song song đó, Quyết định 65 cũng hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo đó,  tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất bao gồm: hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp được UBND cấp xã xác nhận là cá nhân trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các doanh nghiệp có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân.

Việc vay vốn và hỗ trợ lãi suất được thực hiện đối với các loại máy móc, thiết bị sau đây: các loại máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy, vật liệu cơ bản để làm sân phơi (lúa, bắp, cà phê, hạt điều, hồ tiêu) có diện tích đến 1.000 m2; máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản; vật tư, thiết bị xây dựng, cải tạo các ao nuôi thủy sản; thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thủy sản; thiết bị làm lạnh, cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển.

Máy móc, thiết bị phải bảo đảm các điều kiện là có giá trị sản xuất trong nước trên 60%, có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Mức tiền vay tối đa để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước bằng 100% giá trị hàng hóa. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.

THẾ ANH

.
.
.