Thứ Bảy, 09/08/2014, 06:12 (GMT+7)
.
Hoa nở trên "vùng đất chết"

Bài 6: Nước đã xuôi dòng

Bài 1: "Trận địa" Đồng Tháp Mười
Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp
Bài 3: Ký ức Phú Mỹ
Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm & ước vọng hưng thịnh
Bài 5: Đánh thức "vùng đất chết"

Ngày 27-8-1994, Lễ míttinh công bố Nghị quyết 68 của Chính phủ về việc thành lập huyện Tân Phước được tổ chức, đánh dấu chặng đường mới cho vùng đất  Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang.

XỐC VÀO THỦY LỢI

Một trong những công việc quan trọng trước và sau khi thành lập huyện Tân Phước là xốc vào thủy lợi nhằm tiêu chua, rửa phèn, thoát úng trước khi tính đến sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân. “Trước đó, tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành được phân công phụ trách các xã: Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông, Phú Mỹ nên ít nhiều gì cũng có nắm vùng đất này.

Thời đó rất hoang sơ, chưa có nhiều kinh, mương, chỉ có con kinh Trương Văn Sanh, Nguyễn Văn Tiếp, Bắc Đông. Trước khi thành lập huyện, các con kinh này rất nhỏ. Khi bắt đầu công cuộc khai hoang, nhất là trước khi thành lập huyện Tân Phước, các con kinh này được ưu tiên đào trước. Khai thông thủy lợi sẽ đi trước một bước” - ông Võ Văn Xê, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Phước nhớ lại thời khắc quan trọng khi thành lập huyện.

Đào kinh dẫn nước ngọt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Ngọc Lan
Đào kinh dẫn nước ngọt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Ngọc Lan

Cơ quan hành chính trước đây của huyện Tân Phước đóng tại Bà Bèo, làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn và thiếu thốn. Công việc trước mắt là vừa kiểm tra, đôn đốc đoàn xáng cạp thi công theo kế hoạch, vừa kết hợp với cán bộ quy hoạch của Sở Thủy lợi và Sở Kế hoạch - Đầu tư khảo sát thực địa.

Để khảo sát, Thường trực Ban Chỉ đạo đi bộ, đạp cỏ vạch đường, băng dọc, xẻ ngang khắp vùng ĐTM để xác định từng tuyến kinh. Dự thảo quy hoạch thủy lợi được tỉnh thông qua và xác định có 3 trục chính chạy dọc theo vùng ĐTM tỉnh Tiền Giang: Kinh Nguyễn Văn Tiếp có sẵn chạy từ Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đến sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An); đào mới và nạo vét kinh Trương Văn Sanh từ huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) đến rạch Láng Cát dài 20 km; kinh Bắc Đông nối từ Mỹ Hòa (tỉnh Long An) đến Láng Cát, Thủ Thừa ra Vàm Cỏ Tây, dài 28,5 km. Kinh Bắc Đông dẫn nước ngọt từ sông Vàm Cỏ Tây vào ĐTM vào mùa khô và thoát nước phèn ra sông Vàm Cỏ Tây vào mùa lũ.

Ông Võ Văn Xê nhớ lại, sau này chủ trương chung của huyện là cách 500 m đào 1 con kinh (kinh cấp 3), cách 250 m có làm kinh chống cháy. Sau khi thành lập, huyện tranh thủ nguồn vốn cấp trên đã đào, nạo vét toàn bộ hệ thống kinh, mương trên địa bàn huyện. Nếu là kinh cấp 2 thì mặt kinh ít nhất cũng 15 m; kinh Trương Văn Sanh, Bắc Đông được nâng cấp lên thành kinh cấp 1; chỉ có kinh Tràm Mù là cấp 2.

Nhờ tập trung quyết liệt vào công tác thủy lợi, đến năm 2005, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Tân Phước đã gần như hoàn chỉnh. “Trước khi làm kinh T5 theo chủ trương của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ở vùng tứ giác Long Xuyên, lũ lụt diễn ra hàng năm. Còn nếu tính từ khi thành lập huyện năm 1994 cho đến năm 2003, năm nào huyện Tân Phước cũng có lũ nhưng lũ lịch sử nhất đã diễn ra vào năm thành lập huyện và năm 1998, 2000, 2002” - ông Võ Văn Xê cho biết.

TẤU LÊN KHÚC CA MỞ ĐẤT

Công cuộc khai phá vùng hoang hóa, xây dựng hệ thống thủy lợi gắn liền với rất nhiều người lao động, mà đặc biệt là lực lượng công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng (TICCO) ngày nay. Ông Trần Văn Quang, Chánh Văn phòng HĐQT Công ty TICCO nhớ lại, vào năm 1989, ông được điều lên phục vụ chương trình khai hoang, phục hóa ĐTM. Ông đã xuôi ngược trên cái “rốn” vùng lũ cùng đồng đội “hát bài ca” mở đất.

Bấy giờ, ông là Đội phó Đội quản lý xe, máy. Lúc này, nơi đây là vùng đất hoang vu không một bóng người, cái gì cũng không có, chỉ có cá đồng, lươn, chuột, năn, lác, tràm và nước phèn là không thiếu. “Những năm sống ở đây, tôi nhớ nhất là món cháo môn ngứa nấu với lươn.

Thời đó, các thiết bị, máy móc phục vụ khai hoang chủ yếu xáng cạp, để lại từ thời Mỹ nên hư hỏng xảy ra thường xuyên. Tôi cùng với các anh em trong bộ phận phụ trách phải túc trực tại chỗ để sẵn sàng sửa chữa các thiết bị, máy móc khi xảy ra hỏng hóc. Khổ nhất là những năm lũ lớn, nước lũ tràn về khắp nơi, bà con chạy lũ rất khổ sở. Tuy cuộc sống rất khó khăn, cơ cực nhưng anh em rất đoàn kết và thương yêu nhau” - ông Trần Văn Quang nhớ lại.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng xáng cạp Công ty TICCO, lúc mới vào nghề công ty phân công vào khai phá vùng ĐTM hoang vu như: Tràm Mù, Bắc Đông, Trương Văn Sanh để xẻ ngang, xẻ dọc khai phèn. Khi đó vùng này không có người, nhà cửa thưa thớt nên buồn lắm. Nhưng vì yêu nghề, anh em động viên nhau phải cố gắng hoàn thành công việc. Ban ngày chia nhau cắm cọc ngay tuyến, tối đến xáng cạp xuyên đêm.

Sau hơn 20 năm xốc vào thủy lợi, toàn huyện Tân Phước đã đào mới và nạo vét 238 km kinh cấp 2; 281 km kinh cấp 3; trên 1.106 km các kinh, mương thủy lợi nội đồng và hoàn chỉnh 135 ô bao chống lũ với tổng chiều dài 394 km, tạo điều kiện cho nhân dân khai thác, cải tạo 15.000 ha đất hoang hóa phục vụ cho sản xuất.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, Chống lụt bão (Sở NN&PTNT) nói rằng, BCĐ khai hoang vùng ĐTM lúc đó tập trung làm mấy kinh trục chính như Trương Văn Sanh (Hai Hạt), Lộ Mới.

Trong thủy lợi có dự án kinh cấp 2 Bắc Đông nối với một số kinh trục nhằm tiêu thoát, rửa phèn cho khu vực ĐTM, chủ yếu là cải tạo đất phèn đưa nước từ sông Tiền, sông Vàm Cỏ vào; đồng thời thoát phèn ngoại lai ở khu vực ĐTM tràn về qua các kinh trục này để đổ ra sông Tiền.

Vùng Tân Phước đa số là kinh đào nên rất thẳng tắp, phân ô rất rõ ràng. Việc khai thác thủy lợi đã được tập trung quyết liệt, sau này thủy lợi gắn với các chương trình cây lúa, cây khóm. “Từ sau trận lũ lịch sử năm 2000, tỉnh mới đặt vấn đề thủy lợi gắn với khoanh bao để bảo vệ vùng khóm, vùng lúa và chương trình cụm, tuyến dân cư. Men theo đó, ngoài kinh trục còn có hệ thống bờ bao.

Hiện hệ thống thủy lợi đã tương đối phục vụ cho quy hoạch phát triển huyện Tân Phước, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Qua lũ năm 1996, mực nước lũ này được lấy để làm quy hoạch nhưng sang lũ năm 2000, ngành đã rà soát lại “bài kiểm soát lũ” của huyện Tân Phước để lấy tiêu chuẩn thiết kế mới. Hiện nay, cao trình đỉnh của ô đê bao là lấy đỉnh lũ năm 2000 cộng thêm 5 cm để làm chuẩn ô đê bao của huyện Tân Phước” - ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết.

Sau gần 20 năm, bằng các nguồn vốn của Chính phủ, nguồn vốn thủy lợi phí, hệ thống đê bao của Tân Phước đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cống điều tiết trên địa bàn huyện vẫn còn một số ở hình thức bán kiên cố, chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt, còn về lâu dài cũng cần thêm một số vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, song song với việc làm ô bao là đầu tư các trạm bơm để tiêu úng cho lúa, khóm. Hiện nay, Nhà nước đã hạ thế điện, nhân dân đầu tư để xây dựng trạm bơm tiêu úng nhưng đa số còn dã chiến, nhà trạm còn thô sơ không đảm bảo, hệ thống máy bơm chưa đạt do hiệu suất sử dụng điện còn cao.

Hiện tỉnh đã lập quy hoạch trạm bơm điện vừa và nhỏ. Theo đó, ngành Điện sẽ hạ thế điện để xây dựng các trạm bơm, còn vốn hỗ trợ của Chính phủ, vốn của người hưởng lợi sẽ xây dựng một số trạm bơm theo quy hoạch. Trước mắt sẽ thay thế những trạm bơm dầu bằng bơm điện, cải tạo nâng cấp những trạm điện chưa đạt chuẩn nhằm tiết kiệm điện, ít hư hỏng hơn.

THẾ ANH - NGÔ VĂN

Bài 7: Công cuộc di dân

.
.
.