Thứ Hai, 28/07/2014, 15:01 (GMT+7)
.
Hoa nở trên "vùng đất chết"

Bài 1: "Trận địa" Đồng Tháp Mười

Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp

Bài 3: Ký ức Phú Mỹ

Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm & ước vọng hưng thịnh

Bài 5: Đánh thức "vùng đất chết"

Bài 6: Nước đã xuôi dòng

Đó là một trận địa thực sự, nơi đã ghi dấu nhiều chiến công lừng lẫy của quân, dân ta trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và công lao khai hoang gần 700.000 ha đất của hàng vạn người dân. Từ chủ trương di dân khai hoang phục hóa, cùng với những quyết sách táo bạo với mong muốn nguồn nước ngọt được xuôi dòng để ươm lên những mầm xanh, từ chỗ bưng, sậy lên hoang, chỉ sau hơn 20 năm những chồi hoa đã nở khắp “vùng đất chết” Đồng Tháp Mười.

Thi sĩ Nguyễn Bính đã khắc họa: “Bảy trăm ngàn mẫu đất/ Sớt chia bốn tỉnh miền Nam/ Khắng khít biên thùy Chùa Tháp/ Nằm trong tay trái Cửu Long Giang/ Đồng Tháp Mười/ Đồng Tháp Mười/ Bao la bát ngát/ Bưng sậy lên hoang/ Mùa nắng đất khô cỏ cháy/ Mùa mưa nước ngập lan tràn/ Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt/ Chân trời bốn mặt rộng thênh thang…”.

ĐỒNG CỎ LÁC

Chúng tôi gọi Đồng Tháp Mười (ĐTM) là “trận địa” bởi chính nơi đây không chỉ là căn cứ cách mạng của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc mà còn là nơi con người phải chiến đấu với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt để gầy dựng lên những mầm sống cho ngày hôm nay. Bởi vùng ĐTM trước đây còn hoang sơ, dân cư thưa thớt.

Mỗi năm có 6 tháng mùa nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông. 6 tháng mùa khô hết sức khắc nghiệt, nắng nóng nung người, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không đủ uống. Đã vậy, đây còn là vùng tranh chấp ác liệt, giặc oanh kích ngày đêm. Vô số bom đạn, chất hóa học hủy diệt ném xuống, ĐTM trở thành “vùng đất chết”.

Lãnh đạo tỉnh thăm vùng ĐTM ngày đầu khai phá. Ảnh: Tư liệu
Lãnh đạo tỉnh thăm vùng ĐTM ngày đầu khai phá. Ảnh: Tư liệu

Chính những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như thế, nên công cuộc khai phá vùng ĐTM được dự báo là vô cùng gian nan, vất vả. Trong quá khứ người Pháp đã từng thất bại khi chinh phục ĐTM. Theo tư liệu lịch sử ghi lại, mãi đến thế kỷ XIX, ĐTM còn là một vùng bưng lớn, đầy phèn. Người Pháp đã gọi nơi đây là đồng cỏ lác.

ĐTM với chiều ngang từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến Tân An (Long An) là 120 km, chiều dọc từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Svâyriêng (Campuchia) là 70 km. Cả một vùng đất hoang mọc đầy năn, lác đã được triều đình nhà Nguyễn tập trung khai phá. Từ đó những đồn điền lớn, có cái trên 1.000 ha của người Pháp đã được thiết lập tại hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây, gần rạch Thương mại và tại 2 bên bờ cầu An Hạ, tạo nên một khuôn mặt mới cho vùng đất bưng này.

Nhưng từ năm 1909, 1910 việc canh tác, khẩn hoang của ĐTM luôn gặp thất bại, năng suất lúa chỉ đạt 1,2 tấn/ha. Nhiều nơi mới làm được một, hai mùa thì bỏ. Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ĐTM được quy hoạch lại, có diện tích tự nhiên rộng 696.000 ha, trải dài trên 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.

Dù là vùng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng nhưng ĐTM có tiềm năng rất to lớn. Vì vậy, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã “thử sức” khai thác ĐTM nhằm biến nơi đây thành trung tâm xuất khẩu lúa gạo lớn nhất Đông Dương. Pháp đã sử dụng các phương tiện sản xuất hiện đại nhất thời đó để đào các con kinh như: Phước Xuyên, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp… và đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, khảo sát, thực hiện nhiều đề tài, dự án nhưng cuối cùng không thể chinh phục được vùng đất hoang này.

Các chuyên gia Hà Lan khi đến khảo sát vùng ĐTM đã ví vùng đất phèn này như “con hổ ngủ”, chớ nên chọc thức nó. Thế mà, vào cuối những năm 1970, cả 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp đã đồng loạt tiến quân vào khai thác ĐTM.

KHAI PHÁ

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để giải quyết nạn thiếu lương thực, thiếu đói… một vấn đề lớn được đặt ra là làm thế nào chinh phục, cải tạo ĐTM thành vùng trọng điểm sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước.

Mãi đến năm 1976, chương trình điều tra cơ bản vùng Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai thực hiện, đã đánh giá đúng thực trạng và tiềm năng của vùng ĐTM. Và có lẽ, công cuộc khai thác tiềm năng đất đai để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và cây công nghiệp phục vụ cho chế biến của gần 700.000 ha hoang hóa vùng ĐTM thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang chính thức được định hình. Khi đó trên địa bàn Tiền Giang còn khoảng 21.000 ha hoang hóa cần được khai thác.

Trung ương và các tỉnh trong vùng xác định, việc khai thác hợp lý đất đai, thổ nhưỡng và những tiềm năng vốn có của vùng ĐTM sẽ giúp cho việc thực hiện phân bố lại sản xuất, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và hạ quyết tâm rất cao thực hiện công cuộc khai phá này.

Lúc này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tìm các biện pháp tiến công vào ĐTM, nhằm khai thác tiềm năng dồi dào do thiên nhiên ban tặng. Điểm nhấn đầu tiên cho cuộc hành trình gian nan này là vào năm 1980, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã triệu tập cán bộ lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang để chỉ đạo khai thác ĐTM, tìm mọi cách biến vùng phèn thành vùng đất trù phú cả về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Thế là công cuộc chinh phục ĐTM được triển khai với khí thế hừng hực, rầm rộ. Đặc biệt, từ khi Chỉ thị 74/CP ra đời, đã tiếp thêm sức mạnh cho những người tiên phong đi khai phá vùng đất hoang hóa, phèn chua.

Theo Chỉ thị 74/CP ngày 18-3-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐTM, điều quan trọng là phải lấy sản xuất lương thực, thực phẩm làm nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đẩy mạnh trồng rừng, từng bước xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, thực hiện phân bố lại dân cư, phát triển kinh tế phải gắn với nâng cao mức sống người dân.

Vậy là sau hơn 25 năm khai phá và phát triển, tại hội nghị đánh giá về hiệu quả khai thác ĐTM được tổ chức gần đây cho thấy rằng, đến nay, phần lớn diện tích đất hoang ngày nào đã được cải tạo để phát triển sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng lúa tăng từ 321.000 ha năm 1987 lên 609.000 ha năm 2010, hàng năm mang lại cho 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang gần 5 triệu tấn lúa. Những tiềm năng về phát triển hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản cũng như chăn nuôi được quan tâm khai thác và mang lại những thành quả đáng phấn khởi.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được đầu tư phát triển mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp 3 tỉnh vùng ĐTM đạt trên 13.000 tỷ đồng. Tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế thời gian gần đây đã có những chuyển biến nhất định ở khu vực thị trấn, thị xã của vùng, đã tổ chức khai thác tài nguyên vùng lũ để phát triển kinh tế mùa nước nổi và nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh công - nông nghiệp, giao thông, thủy lợi trong vùng cũng phát triển rất sớm. Trong vùng có 4 tuyến vận tải thủy liên tỉnh lên TP. Hồ Chí Minh, phương tiện vận tải thủy trên 100 tấn có thể đi qua, đồng thời 2 cảng sông lớn ở Tiền Giang và Đồng Tháp cũng giúp cho việc lưu chuyển hàng hóa dễ dàng.

Giao thông bộ phát triển chậm hơn giao thông thủy do địa tầng mềm yếu, sông rạch nhiều, tuy nhiên vùng ĐTM cũng có Quốc lộ 30, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 1A đã góp phần đáng kể trong việc lưu chuyển hàng hóa cho người dân bằng đường bộ. Ngày 15-11-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 162 phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành Giao thông - Vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, trong đó có việc xây dựng tuyến N1 chạy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia qua 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và tuyến N2 từ Bình Dương về Kiên Giang. Cả 2 tuyến này sẽ nối liền với Quốc lộ 14C và đường Hồ Chí Minh, sẽ tạo điều kiện để vùng ĐTM giao lưu, mua bán với các tỉnh, thành phố lớn trong nước.

THẾ ANH - NGÔ VĂN

Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp

“Việt Bắc” của miền Nam

Trong ký ức của ông Trần Hữu Phước, lão thành cách mạng, sinh năm 1933, từng gắn bó nhiều năm với chiến khu ĐTM: “Từ bao đời nay, cho dù lịch sử đất nước đã trải qua bao sự biến đổi, thăng trầm nhưng trong dân gian ĐTM vẫn còn lưu giữ mãi những câu ca dao bất diệt: Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng/ Tràm xanh củi lục, anh hùng thiếu chi hay Bao giờ hết cỏ Tháp Mười/Thì dân ta mới hết người đánh Tây.

Lịch sử đã xác minh, trong khoảng thời gian từ kháng chiến lần thứ nhất đến kháng chiến lần thứ hai, ĐTM đã 2 lần trở thành căn cứ địa kháng chiến chống Pháp nổi tiếng trên đất nước ta. Chiến khu ĐTM trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của vị tư lệnh nổi tiếng Võ Duy Dương đã trở thành chiến khu lớn nhất, đóng vai trò trung tâm của phong trào đấu tranh võ trang chống Pháp trên địa bàn 3 tỉnh miền Đông Nam bộ.

Cũng không thể không nhắc đến một sự kiện lịch sử trong giai đoạn cách mạng thoái trào, sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, một số chiến sĩ Cộng sản bất khuất kiên trung hồi ấy đã vào ĐTM, đến vùng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ, Gò Tháp… để cất nhà, lên liếp trồng chuối, trồng dừa, đu đủ để làm bình phong che mắt địch nhằm móc nối với các địa phương, dần dần khôi phục lại tổ chức cơ sở Đảng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Nhà thơ Tố Hữu đã ví “ĐTM là Việt Bắc của miền Nam”.

Hơn 60 năm trước đây, đối với cán bộ và chiến sĩ ta, những tiếng “Về Đồng Tháp Mười” có ý nghĩa rất thiêng liêng giống như “Về R” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở chiến khu Bắc Tây Ninh. “Về Đồng Tháp Mười” là được đặt chân lên “thánh địa cách mạng”, được về với “Thủ đô kháng chiến giữa bưng biền”…”.

 

.
.
.