Thứ Tư, 03/02/2016, 13:57 (GMT+7)
.

Mai nu Thạnh Nhựt: Một thương hiệu đặc trưng của vùng đất Gò Công

Làng mai nu Thạnh Nhựt (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) với cây kiểng chủ lực là “mai chiếu thủy” vốn đã bén rễ ở vùng đất này trên 100 năm. Nghề trồng mai nu sở dĩ gắn bó bền bĩ với người dân Thạnh Nhựt từ bao đời nay bởi nó vừa tạo thú vui tao nhã, vừa giúp phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng có một không hai cho vùng đất xứ Gò.

Ông Trần Văn Lộc đang chăm sóc vườn mai nu trị giá đến vài chục tỷ đồng.
Ông Trần Văn Lộc đang chăm sóc vườn mai nu trị giá đến vài chục tỷ đồng.

Trồng mai vừa tạo thú vui, vừa phát triển kinh tế

Vào những ngày cuối tháng Chạp (âl), với sự nhiệt tình của ông Lê Văn Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Sinh vật cảnh (SVC) xã Thạnh Nhựt, chúng tôi được hướng dẫn tham quan những vườn mai nu chiếu thủy lớn nhất của xã, được gặp một số người đam mê và gắn bó với cây mai từ lúc tuổi còn xuân, nay tóc đã nhuốm bạc.

Theo ông Hạnh, Chi hội SVC xã hiện có gần 70 hội viên (HV), nhiều HV đang sở hữu vườn mai nu có giá trị lên đến vài chục tỷ đồng. Ông Trần Văn Lộc (ấp Thạnh Lạc Đông), HV Chi hội SVC xã hiện đang sở hữu trên 100 cặp mai nu, trong đó có 32 gốc gần 40 năm tuổi, trị giá trên dưới 100 triệu đồng/gốc (được tạo hình tứ diện và tam cương, ngũ thường) chia sẻ:

“Tôi đến với nghề trồng mai nu từ năm 1977. Lúc đó, thấy ông nội trồng nhiều cây mai nu rất đẹp, mặc dù cha rầy không cho chơi nhưng tôi vẫn lén xin nhánh về dăm rồi từ từ nhân rộng ra. Gắn bó mấy chục năm với nghề nên mặc dù có nhiều cây được khách hàng, thương lái ngã giá cao nhưng tôi chưa nỡ bán”.

Chị Lê Thị Bông, cũng là HV Chi hội SVC xã nhớ lại: “Từ lúc sinh đứa con đầu lòng (cách nay 28 năm), chị bắt đầu đam mê và gắn bó với nghề trồng mai nu. Lúc đầu, chị có ý định chơi mai vì cảm thấy nó đẹp, đâm ra thích và trồng mai với mục đích chủ yếu là để ngắm nhìn, thư giãn chứ không có ý định kinh doanh hay mua bán.

Tuy nhiên, giờ thấy mai có giá, ngoài dăm trồng, chị còn mua những gốc mai đã vô chậu về thuê người sửa, tạo hình để bán lại. Mặc dù chỉ là nghề phụ nhưng mỗi năm cũng mang đến cho chị nguồn thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng. Đặc biệt chị đang sở hữu 2 cặp mai được tạo hình “Vô nữ bất thành mai” và “Tam cương, ngũ thường” trên 50 năm tuổi, trị giá trên 80 triệu đồng/cặp”. 

Nguồn gốc giống mai nu chiếu thủy

Ông Phạm Văn Danh, 93 tuổi (ngụ ấp Bình Trung), phấn khởi cho biết: Ông không nhớ chính xác cây mai nu xuất hiện từ khi nào, nhưng khi ông sinh ra và lớn lên thì đã thấy nó. Vì vậy, giống kiểng này có mặt ở vùng Gò Công ít nhất cũng phải trên 100 năm.

Theo ông Danh, ở ấp Thạnh Lạc Đông ngày trước có ông Bé Tám (thuộc dòng họ Lê) vốn là một địa chủ giàu có nhất vùng. Năm ấy, nhân dịp nhà ông tổ chức “Lễ tân gia” ăn mừng ngôi nhà mới vừa xây xong, con rể của ông khi đó là Đốc phủ ở tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) về dự và tặng cho ông cặp mai nu rất đẹp. Thấy vậy, có người ngỏ ý muốn xin giống mai này về trồng.

Tuy nhiên, chỉ những ai thân thích lắm ông mới cắt nhánh cho. Một số người không xin được thì đến khu mộ của dòng họ Lê để lén cắt nhánh; có người làm công cho ông Tám tranh thủ những lúc cuối giờ chiều, trước khi ra về lén tét, bẻ 1, 2 nhánh về trồng thử...

Dần dần, giống mai nu này được nhân rộng ra nhiều ấp của xã Thạnh Nhựt. Đối với ông, nghề trồng mai nu vừa là thú vui, vừa tạo thu nhập đáng kể cho gia đình. Nhờ mai, ông xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi 4 đứa con khôn lớn cho đến lúc dựng vợ, gã chồng. 

Ông Hạnh cho biết, sản phẩm mai nu mặt khỉ (một số địa phương khác có trồng giống mai nu nhưng có da màu đen) giá trị ở chỗ có nhiều u nần (bông chiếu xuống đất), được dân chơi kiểng sành điệu ưa thích và sẵn sàng trả giá cao đối với những gốc được trồng lâu năm, được tạo hình đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa triết lý. Giống mai này hiện đã được Trung ương Hội SVC Việt Nam công nhận có xuất xứ từ “Làng mai nu Thạnh Nhựt”.

Tại buổi Hội thảo do Hội SVC Việt Nam tổ chức ở Cần Thơ năm 2001, một số tỉnh, thành như: Long An, Bến Tre, TP. Huế… có ý kiến tranh luận về nguồn gốc của giống mai này. Sau khi xem xét một số luận cứ dựa trên cơ sở khoa học, Nhà văn Sơn Nam đã kết luận, kiểng cổ Nam bộ (trong đó có mai nu) có xuất xứ từ vùng đất Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.

Nghề trồng mai nu phát triển mạnh

Với những hiệu quả thiết thực do cây mai nu mang lại, hiện nay phong trào trồng mai nu trên địa bàn xã Thạnh Nhựt phát triển khá mạnh. Ngoài số HV Hội SVC xã, hầu như nhà nào cũng tận dụng đất chưa khai thác hoặc đất còn trống để trồng cây mai nu nguyên liệu với mong muốn sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ ngành kinh tế phụ này sau 5 - 10 năm tới.

Theo ông Hạnh, để có những gốc mai nu như ý muốn, người trồng phải mất từ 3 - 5 năm để trồng cây nguyên liệu. Khi gốc cây đạt kích cỡ thì tiến hành vô chậu, chỉnh sửa, tạo dáng trong vòng 5 năm nhằm tạo hình hoàn chỉnh mới bán được.

Cũng theo ông Hạnh, đối với nghề này, dân tay ngang cũng có thể chơi được. Khi cây ở giai đoạn nguyên liệu, người trồng định kỳ uốn cong thân để tạo hình “Siêu phong bán nguyệt” (gió thổi siêu, sau đó ngóc đầu lên).

Tùy nhu cầu, muốn tạo hình cho cây lớn hay nhỏ, có thể chia nhiều lần uốn nhưng cuối cùng phải đảm bảo nguyên tắc ngọn cây chiếu thẳng xuống trùng với gốc nhằm thể hiện triết lý “Lá rụng về cội” mới đạt yêu cầu. Để có thể chỉnh sửa, tạo hình cho mai, người trồng có thể đăng ký tham dự lớp tập huấn do Chi hội SVC xã tổ chức hoặc thuê nghệ nhân thực hiện.

Hiện tại, xã Thạnh Nhựt đã thành lập Tổ hợp tác kinh doanh hoa kiểng làng mai nu Thạnh Nhựt. Ngoài cung cấp giống hoa kiểng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng hoa kiểng, đặc biệt dịp Tết Bính Thân 2016, tổ hợp tác nhận ký gửi, tham gia định giá nhiều chậu kiểng cổ, mai nu có giá trị để giúp người trồng kiểng được hưởng giá trị thực từ thành quả lao động của mình, hạn chế bán qua trung gian, bị thương lái ép giá.       

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.