Thứ Sáu, 22/04/2016, 18:47 (GMT+7)
.

BĐKH không còn ở tương lai: "Sống chung" với biến đổi khí hậu

Bài 1: Hạn, mặn mang tính lịch sử 100 năm
Bài 2: Nguy cơ vỡ đê, mất rừng phòng hộ
Bài 3: "Ngổn ngang" bức tranh ĐBSCL

Kết quả của nhóm nghiên cứu gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tổ chức Oxfam được công bố ngày 24-3 cho thấy, yếu tố biến đổi khí hậu (BĐKH) chính là nhiệt độ, khô hạn; mưa lũ, ngập úng; xâm nhập mặn; gió bão, sương... đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sản xuất, dân sinh. Vì thế, giải pháp ứng phó, thích nghi với những thay đổi của khí hậu đang được đặt ra cấp thiết.

Thi công đường ống chuyển tải nước từ đường ống cấp nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm về huyện Tân Phú Đông.
Thi công đường ống chuyển tải nước từ đường ống cấp nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm về huyện Tân Phú Đông.

1. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá rằng, BĐKH đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp như năng suất, sản lượng giảm; thay đổi chất lượng sản phẩm và tăng chi phí để ứng phó. Trong các tác nhân bị ảnh hưởng, nông dân bị ảnh hưởng trực tiếp, đầu tiên, dễ bị tổn thương nhất và ảnh hưởng nhiều nhất. Sự tác động của BĐKH không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt dân sinh, xã hội và môi trường.

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều chính sách, giải pháp nâng cao chuỗi, thích ứng với BĐKH, song vẫn còn một số hạn chế; đã có nhiều chương trình ứng phó BĐKH, chương trình hỗ trợ phát triển chuỗi nhưng dường như chưa lồng ghép, liên kết với nhau để giải quyết các mục tiêu chung đang được đặt ra.

Theo tính toán của Cục Quản lý nước, trong vòng 50 năm tới diện tích bị xâm nhập mặn 4 g/l sẽ chiếm khoảng 47% diện tích ĐBSCL, diện tích bị nhiễm mặn trên 1 g/l sẽ chiếm 64%. Nếu khuyến khích phát triển nông nghiệp theo kiểu khai thác nguồn lợi thiên nhiên, chúng ta sẽ không có đủ tài nguyên nước ngọt phục vụ mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.

Từ đó cho thấy, việc cải tiến giống lúa (giống chịu mặn, ngập, khô cao) và quản lý tài nguyên nước ngọt được xem là khâu trọng yếu vì khả năng ứng dụng đại trà, ảnh hưởng của nó rõ ràng đến BĐKH. Theo đó, nông dân cần chấp hành lịch thời vụ gieo trồng; áp dụng 1 phải 5 giảm để giảm thiểu rủi ro do xâm nhập mặn, tiết kiệm rất lớn nguồn tài nguyên nước ngọt.

“Chọn giống thích ứng với BĐKH là giải pháp đúng nhưng vẫn mang tính chất tình thế. Cơ bản nhất vẫn là giải pháp thủy lợi trong quản lý nước ngọt cộng thêm kỹ thuật canh tác “khôn ngoan” và hệ thống canh tác linh hoạt” - GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết.

Đối với cây ăn trái, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, xâm nhập mặn sẽ gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và các chất dinh dưỡng của cây. Nước mặn sẽ phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, rễ cây bị giảm khả năng phát triển, giảm tính thẩm thấu và thoát nước, thiếu thoáng khí cho vùng rễ sẽ ảnh hưởng đến năng suất (từng giống cây trồng mà khả năng chịu mặn khác nhau)...

Hiện nay, nước mặn đã xâm nhập đến các vùng cây ăn trái tập trung của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng… Từ thực tế như thế, bên cạnh việc củng cố đê bao, dự trữ nước ngọt để tưới; tỉa cành tạo tán cây để giảm bốc thoát hơi nước, nhu cầu cần nước của cây; không nên xử lý ra hoa trong giai đoạn này; ủ gốc giữ ẩm cho cây, để hạn chế tác động từ hạn, mặn, nhà vườn cần tăng cường bón phân hữu cơ, ka li, bón lân, có thể phun phân bón lá chứa ka li, caxi, magiê, silic, các chế phẩm… để tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu; đồng thời bón các chất hạ phèn.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay cần có giải pháp căn cơ, lâu dài. Đó là việc khai thác hiệu quả vai trò gốc ghép thông qua thanh lọc các nguồn gen đang có trong tự nhiên để tìm ra các loại gốc hay lai tạo giống (gốc ghép) mới có khả năng chịu mặn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng BĐKH; đầu tư cho công tác chọn, lai tạo những dòng, giống cây, xây dựng các mô hình trồng giống cây chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường cũng như ứng phó với tác động của BĐKH; tiến hành nghiên cứu tác động của BĐKH đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh trên cây ăn trái cũng như biện pháp quản lý tổng hợp.

 Cần tính toán lại cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Cần tính toán lại cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp.

2. Đối với Tiền Giang, ngành Nông nghiệp đã đề ra một số giải pháp trước mắt là tập trung phát huy hết khả năng hệ thống công trình có sẵn; khuyến cáo người dân sản xuất theo lịch thời vụ, đồng loạt; xây dựng một số mô hình sản xuất ít sử dụng nước như trồng bắp, rau màu, ớt… thay cho sản xuất lúa bấp bênh, từ đó mở ra việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp; xây dựng cơ cấu giống cây trồng hợp lý; phát triển cây ăn trái gốc ghép để tăng khả năng chống chịu; đầu tư xây dựng thích đáng hệ thống đê bao.

Còn về lâu dài, các nhà chuyên môn cho rằng, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần có quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm - ngư thích hợp cho từng nơi, từng vùng để có hướng đầu tư thủy lợi phù hợp với từng vùng sản xuất, thích nghi với BĐKH; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái trong mối quan hệ bảo vệ môi trường.

Cụ thể, để giải quyết nguồn nước ngọt cho sản xuất và dân sinh trong Dự án ngọt hóa Gò Công trong mùa khô, bên cạnh tỉnh đã cho đầu tư 2 cửa lấy gạn và các thuyền bơm ở cống Xuân Hòa, nạo vét các tuyến trong vùng, để ứng phó với BĐKH, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng đề án cắt vụ, chuyển vụ, cơ cấu mùa vụ và cây trồng ở khu vực phía Đông; đang cho nghiên cứu dự án lấy nước từ vùng phía Tây xi phông qua kinh Chợ Gạo để đưa nước về vùng ngọt hóa Gò Công và đề nghị Trung ương cho đầu tư trạm bơm điện tại cống Xuân Hòa.

Đối với vùng cù lao giáp biển, huyện Tân Phú Đông đã và đang định hình những cây trồng, vật nuôi phù hợp cho từng vùng. Đối với vùng ngọt, lợ gồm các xã Tân Thới, xã Tân Phú, xã Phú Thạnh và phần phía Tây của xã Tân Thạnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tập trung vào cây lúa, dừa, cây ăn trái. Đối với vùng mặn gồm xã Phú Đông, xã Phú Tân và phía Đông của xã Tân Thạnh trọng điểm phát triển kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản.

Trên thực tế, thời gian qua người dân cũng đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với điều kiện tự nhiên và xu thế BĐKH như trồng cây mãng cầu Xiêm ghép gốc bình bát, sả chịu hạn tốt ở khu vực phía Tây thay thế cây lúa kém hiệu quả; phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy - hải sản ở phía Đông của huyện...

Bên cạnh các giải pháp trên, tỉnh cũng đã cho nghiên cứu và đề xuất với Trung ương về việc đắp đập sông Cửa Trung để giải quyết căn cơ về nước sản xuất cho huyện cù lao trước xu thế xâm nhập mặn ngày càng kéo dài do tác động của BĐKH.

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho huyện, UBND tỉnh đã cho đầu tư 68,5 tỷ đồng để lắp đường ống nước nối từ đường ống chuyển tải nước BOO Đồng Tâm vượt qua sông Cửa Tiểu (đi ngầm dưới đáy sông) sang huyện Tân Phú Đông, với tổng chiều dài hơn 10,6 km. Hiện nay, đường ống chuyển tải nước qua huyện Tân Phú Đông đã kéo đến bờ Bắc của sông Cửa Tiểu (dài hơn 9,6 km)...

THẾ ANH - NGÔ VĂN

Thiếu nước ngọt đang là vấn đề lớn

Theo đánh giá của GS.TS Bùi Chí Bửu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), thiếu nước ngọt đang là vấn đề lớn hiện nay. Không chỉ có sông Mê Kông đang xảy ra tranh chấp nguồn nước ngọt mà có ở khắp các con sông lớn đi qua nhiều nước.

Cũng không chỉ có El Nino, La Nina gây ra thời tiết cực đoan cho sản xuất lúa gạo mà còn nhiều biến động phức tạp khác. Theo số liệu của Ủy ban sông Mê Kông cho thấy, năm 1990 sông Mê Kông mang tải khoảng 150 - 160 triệu tấn phù sa/năm cho toàn châu thổ, con số này hiện chỉ còn 75 triệu tấn trong năm 2015.

Bên cạnh nhiều đập thủy điện được xây ở thượng nguồn, các giồng cát ven biển cũng đã và đang bị phá hủy, khai thác bừa bãi nguồn cát dưới lòng sông để đô thị hóa và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, làm cho bờ biển cực Nam Tổ quốc sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, làm mất đi hàng nghìn ha đất mỗi năm.

 

.
.
.