Thứ Hai, 18/04/2016, 14:34 (GMT+7)
.

BĐKH không còn ở tương lai: Nguy cơ vỡ đê, mất rừng phòng hộ

Bài 1: Hạn, mặn mang tính lịch sử 100 năm
Bài 3: "Ngổn ngang" bức tranh ĐBSCL
Bài 4: "Sống chung" với biến đổi khí hậu

Đê biển bị xâm thực nghiêm trọng, diện tích rừng phòng hộ mất dần một phần là do những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu (BĐKH).

1. Trước tác động của sóng biển, rừng phòng hộ dọc tuyến đê biển Gò Công bị mất dần qua từng năm. Đặc biệt, những năm gần đây, diện tích rừng phòng hộ ven biển bị xâm thực rất nghiêm trọng. Theo đánh giá của ông Võ Đức Phong, Trưởng Hạt quản lý Đê điều và Rừng phòng hộ, bình quân mỗi năm rừng phòng hộ mất khoảng 15 ha, riêng năm 2015 mất 40 ha.

“Nguyên nhân chính có thể là do thay đổi  của chế độ dòng chảy, tác động của môi trường do nước biển lên bất thường (có những lúc triều cao bất thường cùng với sóng gió), vì thế giữa bãi biển với đai rừng chênh lệch quá nhiều. Nói tóm lại, diện tích rừng bị mất ngày càng tăng là do tác động của BĐKH, chứ chưa hẳn là do suy thoái vì rừng vẫn phát triển bình thường”- ông Võ Đức Phong cho biết.

Theo số liệu của Hạt Quản lý đê điều và Rừng phòng hộ, sau khi tuyến đê được hình thành, việc trồng rừng phòng hộ cũng được tiến hành song song, đặc biệt diện tích rừng tăng nhanh từ khi có Chương trình 327 và Chương trình 661 của Chính phủ. Theo tính toán, tổng diện tích rừng phòng hộ Gò Công đầu năm 2007 khoảng 677 ha.

Theo điều tra, quan trắc vào tháng 10-2007, chiều dày đai rừng phòng hộ dao động từ 50 - 500 m. Trong 5 năm (2007 - 2011) diện tích rừng bị xâm thực gần 69 ha, bình quân diện tích rừng bị mất do xâm thực là 13,8 ha/năm. Từ năm 2012 - 2015, diện tích rừng bị xâm thực càng nghiêm trọng hơn, với tổng diện tích trên 174 ha, bình quân diện tích rừng bị mất do xâm thực khoảng 43 ha/năm.

Rừng phòng hộ đê biển bị xâm thực nghiêm trọng.
Rừng phòng hộ đê biển bị xâm thực nghiêm trọng.

Còn theo thống kê 10 năm trở lại đây, rừng phòng hộ Gò Công bị xâm thực bình quân về phía đê từ 10 - 15 m/năm. Tại đoạn xung yếu rừng bị xâm thực nghiêm trọng, có những đoạn bị xâm thực 20 m/năm (đoạn đang xây kè). Đai rừng phòng hộ hiện còn rất mỏng, dao động từ 10 - 250 m, một số vị trí bề dày đai rừng chỉ còn từ 4 - 20 m, các vị trí còn lại đai rừng đang tiếp tục xói lở và thu hẹp dần.

Tới đây, BĐKH sẽ dẫn tới tình trạng nước biển dâng, nếu không có biện pháp bảo vệ các đai rừng còn lại và khôi phục các đoạn rừng đã mất phía ngoài đê biển Gò Công, với tốc độ xâm thực rừng như hiện tại, rừng ngập mặn dự báo sẽ bị mất hoàn toàn vào năm 2020.

Lúc đó, toàn bộ tuyến đê biển Gò Công sẽ trực diện với Biển Đông và đối diện với nguy cơ đê biển bị xói lở vào mùa mưa bão là rất cao, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân phía trong đê.

2. Với chiều dài 32 km bờ biển, tuyến đê biển Gò Công được hình thành tương đối sớm, vào khoảng năm 1930. Lúc này chỉ là con đê bao nhỏ làm bằng đất nhằm ngăn mặn tràn vào ruộng lúa được sản xuất 1vụ/năm nằm bên trong, phía ngoài đê là rừng ngập mặn.

Trong giai đoạn từ năm 1955 - 1975, tuyến đê này được nâng cấp lên cao trình đỉnh + 3.00 m, bề rộng mặt đê từ 3 - 4 m; đồng thời gia cố các đoạn xung yếu trên mặt đê dài 2.100 m (tại xã Tân Thành) và 600 m (xã Tân Điền) bằng giải pháp lát dal bê tông trên mái và kè đá chân đê.

Tuy nhiên, giải pháp này không giữ được chân đê, nên chỉ sau vài năm chân đê lại bị sạt. Trong giai đoạn từ năm 1983 - 1985, xét thấy tuyến đê ban đầu bị sóng biển xâm thực có khả năng không an toàn, tỉnh quyết định xây dựng tuyến đê phòng thủ.

Tuyến đê phòng thủ cách tuyến đê ban đầu từ 400 - 700 m về phía nội đồng. Tuyến đê này có chiều dài 21.195 m, cao trình đỉnh +4.00 m và bề rộng mặt đê là 6 m. Song song với thời gian này, tuyến đê ban đầu bị sóng biển phá hủy dần và tuyến đê phòng thủ trở thành tuyến đê chính như hiện nay và được gia cố, nâng cấp nhiều lần.

Mặc dù tỉnh và Trung ương có nhiều nỗ lực trong kè bảo vệ đê, nhưng đê biển đang tiếp tục bị xói lở rất nghiêm trọng, nhiều đoạn đê trực diện với sóng biển hàng cây số. Theo Hạt quản lý Đê điều và Rừng phòng hộ, năm 2015 đê biển bị xói lở rất sâu, với tốc độ diễn ra rất nhanh.

Điều này cũng không có gì bất thường, bởi trước đây đai rừng nhiều nơi còn khoảng 60 - 70 m, giữa bãi biển và mặt đất rừng có độ sỏi, nước lên xuống được, còn nay gần như bức tường đất, mức chênh lệch có những chỗ đất rừng so với mặt nước biển chỉ khoảng 1,5 m, nên sóng biển đánh vào là cuốn theo đất rừng. Nhiều nơi sóng biển trực diện với đê, nên đê biển bị xói lở rất nghiêm trọng.

Dọc theo tuyến đê trực diện với biển, đoạn đai rừng còn nhiều nhất là 150 m, với tổng chiều dài khoảng 4 km, nằm ở 2 đầu tuyến đê biển. Các đai rừng còn lại trong năm 2016 dự báo sẽ bị xói lở hết, lấn sát vào tuyến đê biển. Nếu không kịp thời làm kè các chân đê, đê biển có nguy cơ bị vỡ.

Theo dự báo, nếu trong năm 2016 có những đợt triều cường lớn, nguy cơ bể đê biển tại những điểm bị xói lở là rất cao. Hiện tại có khoảng 20 m mặt đê bị sạt gần 2 m, nếu không có giải pháp kè để bảo vệ mái đê, chắc chắn đê sẽ bị bể.

Không chỉ đê biển bị xói lở, ở phía Nam từ ấp Cầu Muống đến ấp Đèn Đỏ thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, dài khoảng 2,5 km, nhiều nơi bị biển lấn sâu về phía đất liền cả trăm mét, có nơi biển tiến sát đến đường dân sinh.

Nhiều nhà dân, diện tích nuôi trồng thủy sản đã bị sóng biển gây xói lở phải di dời. Hiện nay, còn 47 hộ dân đang sinh sống trong khu vực tiếp tục bị đe dọa. Trước tình trạng này, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT cho di dời 47 hộ dân sống bên ngoài vào trong đê và đã chấp nhận chủ trương nhưng chưa có nguồn vốn để thực hiện.

3. Là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang được dự báo sẽ chịu tác động trực tiếp của BĐKH. Để chủ động ứng phó, tỉnh đã triển khai các giải pháp cấp bách, trong đó có công trình xây dựng đê biển Gò Công để giảm nhẹ thiệt hại do tác động của BĐKH gây ra.

Ngoài những công trình trước đây, thực hiện Chương trình củng cố nâng cấp đê biển (theo Quyết định 667 ngày 27-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình củng cố nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đến năm 2020), tỉnh đã lập dự án với tổng mức đầu tư 887 tỷ đồng, nhiệm vụ là nâng cấp 21.195 m đê biển, 75.207 m đê cửa sông; xây dựng, sửa chữa các cống dưới đê, cứng hóa mặt đê đoạn xung yếu (5 km), gây bồi để trồng rừng ở những đoạn bị mất rừng…

Đê biển ngày càng bị xói lở nghiêm trọng.
Đê biển ngày càng bị xói lở nghiêm trọng.

Đến năm 2015, một số hạng mục công trình đã được thực hiện: Đắp đất đê biển, xây dựng và sửa chữa các cống dưới đê từ đường tỉnh 871 đến ngã ba Tân Thành dài 16.765 m; cống Rạch Bùn mới và nhà quản lý trên đê dự phòng; cầu qua kênh 3 nối với đê dự phòng nhánh 2; đê nhánh 2, đê nhánh 3 và các cống dưới đê như:

Cống K0+618, cống K0+500 (từ cống Rạch Bùn cũ vào cống Rạch Bùn mới); xử lý đoạn kè mái đê biển Gò Công bị sạt, xói lở và lún sụp dài 441 m; kè chắn sóng bảo vệ mái đê biển Gò Công dài 2.000 m; làm mặt đường bê tông và lát mái bê tông phía đồng đoạn từ K10+400 đến K15+400. Tổng kinh phí đầu tư đê biển theo vốn được giao đến nay là 170,802/887 tỷ đồng, đạt 19%.

Còn theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT), trước tình hình xâm thực rừng phòng hộ diễn ra nhanh hơn dự tính, đe dọa ngày càng lớn đối với an toàn của đê biển, tỉnh đã điều chỉnh lại Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công để đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế. Các công trình cần thực hiện khẩn cấp là cứng hóa đoạn mặt đê biển còn lại, thay thế cầu giao thông trên cống Rạch Bùn cũ, kè chắn sóng bảo vệ mái đê biển và xây dựng tuyến đê dự phòng.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài, giải pháp phát triển bền vững rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển, cần đầu tư Dự án Chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ tuyến đê biển. “Giải pháp trước mắt và lâu dài đối với rừng phòng hộ, đê biển đều đã có nhưng vấn đề ở chỗ là nguồn vốn thực hiện các hạng mục, dự án nói trên” - ông Pháp chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh đang cho tiến hành Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công, với kinh phí 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải pháp “kè mềm” cần được thực hiện trên toàn đoạn đê xung yếu mới có thể bảo vệ an toàn đê biển.

Để giải quyết khó khăn về vốn, vừa qua UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 405 tỷ đồng để kè mái đê ở những nơi rừng phòng hộ không còn hoặc còn nhưng rất mỏng; cứng hóa mặt đê biển; “kè mềm” để chống xói lở, gây bồi và trồng lại cây chắn sóng bảo vệ mái đê ở những đoạn xung yếu.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để đầu tư Dự án Chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ tuyến đê biển Gò Công với chiều dài 17 km, với kinh phí khoảng 840 tỷ đồng...

NGÔ VĂN - THẾ ANH (Còn tiếp)
 

.
.
.