Thứ Sáu, 15/04/2016, 14:41 (GMT+7)
.

BĐKH không còn ở tương lai: Hạn, mặn mang tính lịch sử 100 năm

Bài 2: Nguy cơ vỡ đê, mất rừng phòng hộ
Bài 3: "Ngổn ngang" bức tranh ĐBSCL
Bài 4: "Sống chung" với biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, cung ứng 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, thủy sản. Thế nhưng, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, dân sinh của toàn vùng, trong đó có Tiền Giang.

Cơn nắng hạn, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra ở ĐBSCL nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng được xem là mang tính lịch sử 100 năm. Nhiều nơi khô cằn, đất đai nứt nẻ, hàng trăm diện tích trồng cây ăn trái bị nhiễm mặn...

Kinh Trần Văn Dõng chỉ còn một ít nước trong mùa khô năm nay.
Kinh Trần Văn Dõng chỉ còn một ít nước trong mùa khô năm nay.

1. Vào cao điểm của nắng hạn, xâm nhập mặn, chúng tôi lại về vùng Gò Công, nơi mà hàng ngày, hàng giờ bà con đang tất bật lo toan cho cuộc sống. Một điều chắc chắn rằng, trong cuộc “hành trình” của chúng tôi, xã Bình Đông (TX. Gò Công) sẽ là một trong những địa bàn được ưu tiên lựa chọn.

Bởi Bình Đông vốn là vùng đất khó. Nơi ấy, với đặc thù của khu 2, vùng 3 của vùng Ngọt hóa Gò Công, sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác. Mùa khô năm nay, Bình Đông lại trở thành một trong những “điểm nóng” của tỉnh khi bị ảnh hưởng rõ nét của tình hình hạn, xâm nhập mặn.

Cán bộ phụ trách Giao thông thủy lợi xã Bình Đông dẫn chúng tôi về nơi được xem là “trọng điểm” do chịu ảnh hưởng của hạn, mặn trên địa bàn xã. Đó là ấp Lạc Hòa. Người dân ở đây nói với chúng tôi, cứ thấy đám lúa nào sậm màu là biết “tiêu rồi”. Dẫn chúng tôi xem đám lúa đang trổ, ông Sầm Văn Niếu nói: “Mùa này chắc không thu được gì, vì lúa cứ đứng trơ ra và rụi dần”.

Một điều tất nhiên là ở ấp Hòa Lạc không chỉ có hộ ông Niếu bị ảnh hưởng mà có nhiều hộ dân khác cũng chịu chung cảnh tương tự. Thống kê của xã Bình Đông cho thấy, trên địa bàn xã có ít nhất 20 ha lúa đã bị nhiễm mặn, cho năng suất rất thấp, có diện tích người dân đành bỏ lúa do không có gì để thu hoạch.

Rời xã Bình Đông, chúng tôi về xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) cũng là một trong những nơi được xem là “trọng điểm” chịu ảnh hưởng của hạn, mặn trong mùa khô năm nay. Đi dọc đoạn kinh Trần Văn Dõng, chỉ khoảng 1 km của ấp Trung, chúng tôi thấy có đến hàng chục điểm bơm cấp nước với rất nhiều máy bơm vẫn đang chạy “xì xịch”.

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn kinh Trần Văn Dõng cũng chỉ có một ít nước nằm lọt thỏm giữa dòng, 2 bên bờ kinh cạn khô, đất nứt nẻ, ghe xuồng nằm chỏng chơ trên cạn. Tại các điểm bơm nước, người dân phải ra sức dọn dẹp cây, cỏ, khoét lổ đặt ống để bơm chắt nước. Ngay tại ấp Trung, người dân còn dùng cây, bạt để chắn ngang đoạn kinh để tích nước bơm lên đồng ruộng. Dù trời nắng chói chang nhưng bà con vẫn cố giữ máy để bơm nước cho lúa.

Rời Tân Điền, chạy dọc theo đoạn kinh Trần Văn Dõng nằm trơ đáy để kết thúc chuyến hành trình của mình, chúng tôi không khỏi chạnh lòng về cuộc sống của người nông dân. Dẫu biết rằng, mùa vụ năm nay do hạn, mặn đến sớm bà con không kịp trở tay, nhưng nhìn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chúng tôi tự nhủ rằng đời sống của người nông dân thật khó để vươn lên một cách bền vững.

Mùa hạn, mặn năm nay đâu chỉ có xã Bình Đông hay xã Tân Điền chịu ảnh hưởng mà mặn đã lấn sâu lên các huyện phía Tây của tỉnh, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn ha diện tích trồng cây ăn trái ở các xã Tam Bình, xã Ngũ Hiệp, xã Long Trung (huyện Cai Lậy)...

Đâu chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nước sinh hoạt của hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Việc chống hạn, xâm nhập mặn mang tính “lịch sử” chưa từng có đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và được xem là thắng lợi bước đầu. Nhưng dẫu sao, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế nhằm giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách hiện nay.

Ông Sầm Văn Niếu, xã Bình Đông (TX. Gò Công) bên ruộng lúa bị nứt nẻ trong vụ đông xuân năm nay.
Ông Sầm Văn Niếu, xã Bình Đông (TX. Gò Công) bên ruộng lúa bị nứt nẻ trong vụ đông xuân năm nay.

2. Kịch bản về BĐKH cũng đã được tính toán nhưng dường như sự biến đổi của thời tiết, khí hậu diễn ra quá nhanh so với kịch bản ban đầu.

Theo kết quả báo cáo của Nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đặc điểm khí hậu và bước đầu đánh giá sự tác động của BĐKH đến vùng Gò Công” gần đây cho thấy, trong vòng 28 năm, tại Trạm Vàm Kênh mực nước trung bình đã tăng thêm 19 cm; tại Trạm thủy văn Hòa Bình, mực nước trung bình tăng khá mạnh, tăng thêm 23 cm. Khi nước biển dâng tất nhiên sẽ làm cho thời gian nước ngọt thu hẹp lại.

Song song đó, trong vòng 28 năm qua, nền nhiệt cũng tăng đáng kể, đặc biệt từ năm 1988 đến thời điểm nghiên cứu, nhiệt độ trong khu vực đã tăng khoảng 0,10C/thập kỷ. Trong khi đó, mùa mưa trong vùng có xu hướng kết thúc sớm. Qua đó, nhóm nghiên cứu khẳng định, BĐKH tác động đến vùng Gò Công không còn là vấn đề lý thuyết mà thực tế đang diễn ra và đang tác động đến các ngành kinh tế - xã hội, môi trường cũng như đời sống người dân trong vùng.

Còn theo ghi nhận về diễn biến khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, mặn xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Trung bình nhiều năm mặn bắt đầu xuất hiện ở Trạm Thủy văn Hòa Bình từ đầu tháng 2 nhưng năm 2013 mặn xuất hiện 1 g/l ngay trong tháng 1.

Năm 2014, mặn xuất hiện vào tháng 12 và trong năm 2015, mặn xuất hiện rất sớm vào ngày 20-11-2015. Tất nhiên, tình hình xâm nhập mặn trong năm 2016 cũng xuất hiện rất sớm và lấn sâu đến các huyện phía Tây của tỉnh.

Qua quan trắc về lượng mưa những năm gần đây cũng cho thấy, tổng lượng mưa hàng năm ít hơn trung bình nhiều năm. Năm 2015, tổng lượng mưa ghi nhận được thấp đứng hàng thứ 3 trong chuỗi số liệu (khoảng 30 năm). Nhiệt độ trung bình 3 năm gần đây (từ năm 2012, năm 2013, năm 2014) cao hơn 3 năm trước đó 0,50C.

Còn trong 10 tháng của năm 2015, nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ năm 2014 cũng như trung bình nhiều năm từ 1 - 20C. “Không còn nghi ngờ gì nữa, BĐKH đã và đang tác động không nhỏ đến sản xuất và dân sinh của người dân, nhất là khu vực phía Đông của tỉnh”- ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết.

Trong bức tranh chung của tỉnh, các huyện phía Đông, trong đó huyện Tân Phú Đông được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất của BĐKH. Theo kết quả khảo sát gần đây, toàn huyện có khoảng 1.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Không chỉ vậy, do địa bàn nằm trên hệ cù lao, cồn bãi thuộc hạ lưu sông Tiền nên huyện còn đối mặt với sạt lở. Những năm qua, sạt lở xảy ra nghiêm trọng ở xã Phú Tân, xã Tân Thạnh, với tổng chiều dài sạt lở lên đến trên 10 km, sạt lở cũng đã lấn sâu vào đất liền có nơi lên đến 500 m, ảnh hưởng đến nuôi thủy sản, vườn cây ăn trái và sinh hoạt của hộ dân. Tác động của BĐKH làm cho các vấn đề trên ngày càng trầm trọng hơn, trong đó tình hình xâm nhập mặn ở huyện Tân Phú Đông là đáng lo ngại hơn cả.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam bộ, độ mặn khi nước biển dâng tăng cao vượt mức cho phép và kéo dài trong năm làm hạn chế đáng kể, báo động đến việc lấy nước ngọt cho khu vực huyện. Ngoài ra, xu hướng bão và bão mạnh ngày càng hướng về phía Nam cũng là thách thức lớn cho huyện...

THẾ ANH - NGÔ VĂN (Còn tiếp)

.
.
.