Thứ Ba, 05/04/2016, 06:00 (GMT+7)
.

Vị thế Tiền Giang: Phát triển kinh tế không thể dàn đều

Bài 1: Đâu chỉ có lợi thế
Bài 3: Lao động dồi dào: Lợi thế hay thách thức?
Bài 4: Hạ tầng đi trước một bước
Bài 5: Cải thiện môi trường kinh doanh không thể chung chung

Quan điểm của tỉnh trong thời gian tới là phát triển nhanh các ngành kinh tế, hình thành các vùng trọng điểm, tạo ra bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

1. Là tỉnh nông nghiệp, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chắc chắn ngành Nông nghiệp sẽ được ưu tiên lựa chọn. Tất nhiên, giai đoạn này tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một chủ trương lớn, quan trọng đã và đang được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện.

Nhưng phát triển nông nghiệp theo hướng nào để đạt được hiệu quả nhất dường như đang còn không ít lúng túng. Là người am hiểu về ngành Nông nghiệp của tỉnh, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 40 năm ngành Nông nghiệp gần đây, ông Phan Minh Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) cho rằng, phát triển nông nghiệp trong thời gian tới không thể đi dàn đều mà phải tập trung vào khâu đột phá, nhóm ngành dẫn đầu cần thiết, phải tận dụng được nguồn lực của người nông dân, chú trọng nội lực; đồng thời kết hợp với ngoại lực nhưng lấy nội lực là chính. Chính nguồn lực lao động sông nước, kinh nghiệm thực tiễn sẽ là điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh chú trọng phát triển ngành Công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.
Tỉnh chú trọng phát triển ngành Công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.

Khi bàn đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ có rất nhiều vấn đề được đặt ra và mang tính cấp bách, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Chẳng hạn, đối với cây ăn trái, một trong những lợi thế lớn của Tiền Giang, dưới góc nhìn của Viện Cây ăn quả miền Nam, việc thống nhất xây dựng thương hiệu mạnh, mang tính Quốc gia cho từng sản phẩm chủ lực là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay trên cùng một chủng loại trái cây, ví dụ thanh long, nước ta có quá nhiều DN tham gia đóng gói và xuất khẩu, cũng như xây dựng nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng chưa đại diện cho “quốc quả”.

Điều này dễ dẫn đến một thực tế là các DN tự cạnh tranh, tự giảm giá để xuất khẩu, dẫn đến hệ quả là những DN nhỏ bị bóp chết, trong khi DN thu mua nước ngoài có lợi. Từ thực tế như thế, tỉnh nên chọn những cây nào mạnh nhất để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đó, tương tự như vậy cũng nên phối hợp với các tỉnh, thành khác để xây dựng thương hiệu Quốc gia chung cho sản phẩm cùng loại.

Còn theo phân tích của TS. Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Công nghệ sau thu hoạch (Viện Cây ăn quả miền Nam), với điều kiện nhiệt đới và các biện pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất, nhiều loại trái cây nổi tiếng có thể sản xuất, cho sản phẩm quanh năm như: Thanh long, xoài, bưởi, cam, chôm chôm, nhãn, sầu riêng... điều mà không phải nước nào cũng làm được.

Chính vì lẽ đó, nhiều chủng loại trái cây của Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng có điều kiện cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới nếu được tổ chức sản xuất rải vụ một cách hợp lý, bài bản và khoa học. Để làm được điều này, tỉnh cần phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất giữa các địa phương với nhau thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt.

2. Một trong những khía cạnh quan trọng nữa là tỉnh phải triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Công nghiệp. Đây là xu hướng chung, hợp lý và mang tính cấp bách, dựa trên những lợi thế so sánh của tỉnh trong bức tranh kinh tế chung của khu vực và cả nước. Bởi khi đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX tỉnh cũng đã nhìn nhận, công nghiệp phát triển còn mang tính tự phát, thiếu tính quy hoạch, kế hoạch, chưa có nhiều chiến lược rõ ràng; quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Sản xuất - kinh doanh của các ngành kinh tế, của các DN và nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế như thế, tất nhiên, nội dung trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Công nghiệp được tỉnh đặt ra là theo hướng phát triển hiện đại, gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ, tập trung vào những ngành có lợi thế cạnh tranh.

Nhưng rõ ràng, phát triển công nghiệp hay tái cơ cấu ngành Công nghiệp không thể dựa trên ý chí chủ quan mà phải bắt đầu từ nền tảng lợi thế, xu thế phát triển chung và đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Đó là bài toán thực sự không đơn giản.

Tất nhiên, phát triển công nghiệp của Tiền Giang bao giờ cũng phải xuất phát từ nền tảng là một tỉnh nông nghiệp. Từ nền tảng đó, theo phân tích của Sở Công thương, công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác lợi thế về sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Trên thực tế, đây là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, nên tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển. Song song đó là việc gia tăng công suất chế biến, cần chú ý đầu tư chiều sâu, nâng cấp đổi mới thiết bị, công nghệ ở các khâu sản xuất hiện có để nâng cao chất lượng, phát huy công suất thiết kế, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.

Với lợi thế hiện hữu, trong thời gian tới tỉnh sẽ khuyến khích các DN hiện có đầu tư thêm các dây chuyền có công nghệ chế biến hiện đại; đồng thời tiến tới xây dựng một số nhà máy chế biến thủy sản ăn liền sản xuất theo công nghệ mới như: Bò viên, xúc xích, pa tê, chà bông, đông lạnh chế biến sẵn, đồ hộp, sấy, hút chân không.

Tỉnh cũng sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển thủy sản khô theo công nghệ mới hoặc các phương pháp chế biến cổ truyền trong dân gian nhằm đa dạng hóa các sản phẩm như: Nướng, sấy, luộc, hấp, mắm tôm chà, chả...

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, ngành xay xát lương thực trên địa bàn tỉnh hiện đã đạt mức tiên tiến so với khu vực và công suất lắp đặt đã vượt xa sản lượng thực tế. Vì vậy, trong tương lai gần tỉnh sẽ không khuyến khích đầu tư các cơ sở xay xát lớn mà chỉ sắp xếp và tổ chức lại các DN xay xát nhằm sử dụng có hiệu quả đồng vốn, thiết bị ngành chế biến lương thực...

MINH THANH (Còn tiếp)

Chọn đúng vùng, đúng trọng điểm

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 40 năm ngành Nông nghiệp gần đây, ông Nguyễn Văn Khang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị ngành Nông nghiệp trong thời gian tới cần tập trung vào: Rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành hàng gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị gia tăng, bền vững;

Tập trung phát triển khoa học - công nghệ, nhất là các khâu công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn nông dân với DN và thị trường; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, chọn đúng vùng, đúng trọng điểm tạo động lực sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh việc huy động, thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ cho người dân và DN tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư...

Đầu tư khép kín

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, để ổn định và phát triển bền vững, bất cứ DN nào cũng muốn đầu tư khép kín quy trình sản xuất để hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, bước đường thực hiện mục tiêu này cũng không dễ. Điều đầu tiên là đòi hỏi DN phải có nguồn vốn tốt, đội ngũ quản lý giỏi và cần có thời gian nhất định.

Riêng GODACO, một trong những DN chế biến xuất khẩu cá tra có quy mô lớn, hiện đã đầu tư hoàn thiện quy trình khép kín bao gồm:

Vùng nuôi, chế biến thức ăn, nhà máy chế biến đông lạnh và xuất khẩu. GODACO hiện có 7 nhà máy gồm chế biến thức ăn, nhà máy đông lạnh tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long; 200 ha diện tích nuôi cá tra phục vụ 100% nhu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của công ty. Công ty đạt kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 70 triệu USD, với sản phẩm được xuất sang khoảng 50 quốc gia, tập trung chủ yếu ở thị trường châu Âu...

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP - giá so sánh năm 2010) bình quân từ 8,5 - 9,5%/năm, trong đó khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp) tăng 4%/năm, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 15,5 - 17,5%, khu vực III (các ngành dịch vụ) tăng 7,5 - 8,6%;

Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 66,3 - 69,3 triệu đồng (tương đương 2.606 - 2.727 USD); kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 13,3%/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế địa phương năm 2020 đạt 9.116 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 51%; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động/năm...

.
.
.