Thứ Tư, 01/06/2016, 14:47 (GMT+7)
.

Nghề nuôi tôm nước lợ, cá tra chưa hết khó

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay nghề nuôi tôm nước lợ, cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Nguyên nhân là do diện tích tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại từ đầu năm đến nay tăng cao trước tác động của hạn mặn, còn gần đây giá cá tra đang có xu hướng giảm.

Tình hình thời tiết bất lợi trong tháng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nuôi tôm nước lợ. Theo Cục Thú y, tính đến ngày 16-5, tổng diện tích nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại là 23.095 ha, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 4,22% tổng diện tích nuôi tôm toàn vùng. Trong đó, diện tích bị thiệt hại chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm - lúa với khoảng 20.100 ha, còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh với khoảng 3.000 ha.

Hiện nay nghề nuôi tôm nước lợ, cá tra vùng ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi khó khăn (Ảnh chụp ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè).
Hiện nay nghề nuôi tôm nước lợ, cá tra vùng ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi khó khăn (Ảnh chụp ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè).

Diện tích tôm bị thiệt hại khá lớn mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nắng nóng, độ mặn cao. Ngoài ra, giống kém chất lượng cũng là một tác nhân lớn làm cho tôm chết khá nhiều. Các cơ quan chức năng đang tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát nhằm hạn chế thiệt hại.

Sản lượng thu hoạch tôm sú (TS) và tôm thẻ chân trắng (TTCT) của các tỉnh vùng ĐBSCL trong 5 tháng đầu năm 2016 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diện tích nuôi TS ước đạt 526.281 ha (tăng 2%) với sản lượng ước đạt 72.257 tấn (giảm 12%); diện tích thả nuôi TTCT ước đạt 24.017 ha (giảm 5%), sản lượng ước đạt 40.811 tấn (giảm 14%).  

Giá tôm nguyên liệu đồng loạt tăng mạnh trong tháng 5-2016, nguyên nhân do giá tôm xuất khẩu tăng và nguồn cung giảm mạnh bởi ảnh hưởng khí hậu nóng và độ mặn tăng cao. Cụ thể, tại Cà Mau, TS cỡ 20 con/kg lên mức 300.000 đồng/kg, tăng 27.000 đồng/kg so với tháng trước; cỡ 30 con/kg lên 240.000 đồng/kg, tăng 37.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg đạt mức 160.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg. TTCT cỡ 70 con/kg từ 131.000 đồng/kg tăng lên 143.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg từ 109.000 đồng/kg tăng lên 112.000 đồng/kg.

Sau khi đạt mức giá 22.000 - 22.500 đồng/kg (trả chậm) vào đầu tháng 4-2016  thị trường cá tra nguyên liệu đã duy trì ở mức giá này trong nửa đầu tháng 5-2016. Tuy nhiên, hiện nay giá cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL đã có dấu hiệu giảm xuống và chững lại ở mức 21.000 - 21.500 đồng/kg đối với cá đạt cỡ 700 - 900 gram/con.

Xu hướng chững giá này một phần do chưa có đơn hàng mới, phần khác do các nhà  máy chuyển  qua  bắt cá trong vùng nuôi, hạn chế thu mua cá ngoài vùng nuôi để tránh gây áp lực tăng giá thu mua cá tra nguyên liệu.

Do nhu cầu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp không ổn định dẫn đến giá cá tra lúc tăng, lúc giảm, người nuôi chủ yếu sản xuất cầm cự, không thả nuôi nhiều. Sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh ĐBSCL giảm 7% so với cùng kỳ, ước đạt 358.508 tấn, trong đó các tỉnh có sản lượng giảm mạnh như: Vĩnh Long 31.178 tấn (giảm 13%), An Giang 82.685 tấn (giảm 17%), Đồng Tháp 15.961 tấn (giảm 7%).

THÀNH CÔNG

.
.
.