Thứ Tư, 01/02/2017, 07:09 (GMT+7)
.
Đề án Cắt vụ, chuyển vụ vùng phía Đông tỉnh:

"Cắt, chuyển" vụ để tăng hiệu quả

Các huyện, thị phía Đông chiếm trên 40% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 35% nhưng đã “góp” hơn 43% sản lượng lúa, trên 56% rau màu và trên 42% sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù vị trí địa lý sát Biển Đông và nằm kẹp giữa 2 con sông Tiền và Vàm Cỏ nên cứ vào mùa khô là vừa thiếu nước, vừa bị xâm nhập mặn - nhất là ở huyện cù lao Tân Phú Đông; chỉ tính riêng năm 2016, khu vực phía Đông đã có gần 6 ngàn ha lúa, rau màu và cây ăn trái mất trắng, thiệt hại hơn trăm tỷ đồng. Chính vì vậy, đã đến lúc phải tìm lối ra, tạo bước đột phá tiếp theo cho vùng...

Vùng rau chuyên canh ở Bình Nghị. Ảnh: Nguyễn Sự
Vùng rau chuyên canh ở Bình Nghị. Ảnh: Nguyễn Sự

Bài toán “Cắt vụ, chuyển vụ”

Đó là cách gọi tắt của Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” vừa được UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến sẽ được triển khai trên quy mô 26 ngàn ha đất lúa, rau màu, cây ăn trái của 44 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị: Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và TX. Gò Công. Theo kịch bản biến đổi khí hậu từ nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chỉ trong vòng 10 - 15 năm nữa, mực nước biển sẽ dâng khá cao, sẽ làm mặn vào sâu và nhanh hơn, tác động mạnh đến hệ thống đê biển vùng Ngọt hóa Gò Công, từ đó gây bất lợi nghiêm trọng đến hệ thống canh tác vùng và đời sống bà con trong vùng mà nếu chủ quan, cứ “bình chân như vại” thì khi sự cố đến sẽ trở tay không kịp trong sản xuất. Do vậy, Đề án này chính là lời giải cho bài toán tương lai của vùng phía Đông, được lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia ngành Nông nghiệp khẳng định: Việc xác định cơ cấu mùa vụ và cây trồng phù hợp sẽ vừa phát huy tiềm năng vùng, vừa khắc phục được một phần hậu quả do ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn trong tương lai của vùng; đồng thời cũng là gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Từ quan điểm trên, đề án sẽ được triển khai theo hướng tổ chức lại sản xuất, canh tác trong bối cảnh thiếu nước tưới do tác động của biến đổi khí hậu, với lộ trình cụ thể đến năm 2025 toàn vùng Ngọt hóa Gò Công chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa - màu; riêng huyện Tân Phú Đông cơ bản sẽ không còn sản xuất lúa mà toàn bộ diện tích đất lúa sẽ chuyển sang trồng cây ăn trái thích nghi và cây màu hoặc luân canh tôm - lúa, lúa - cá. Tổng số diện tích phải cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ của 37 xã, 3 phường, 4 thị trấn của 5 huyện, thị phía Đông đến năm 2025 khoảng 26.147 ha (trong đó 88% diện tích thực hiện cắt vụ, chuyển vụ, còn lại chuyển sang trồng cây ăn trái).

Cây mãng cầu Xiêm tươi tốt trên vùng đất phèn Tân Phú Đông. Ảnh: Hữu Dư
Cây mãng cầu Xiêm tươi tốt trên vùng đất phèn Tân Phú Đông. Ảnh: Hữu Dư

“Cắt” và “chuyển” ra sao?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai đề án này, năm đầu tiên sẽ thực hiện cắt vụ khoảng 5.991 ha đất lúa ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và TX. Gò Công để có quỹ đất và quỹ thời gian trồng cây trồng khác (rau màu…) hoặc chỉ sản xuất 2 vụ lúa chất lượng cao, đặc sản; đồng thời, giảm 939 ha diện tích canh tác lúa thuộc vùng 3 của các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông để trồng thanh long, mãng cầu Xiêm, bưởi da xanh…(hiện ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo rà soát địa bàn 5 huyện, thị phía Đông, nếu nơi nào xuống giống không kịp khung thời vụ khuyến cáo thì cắt vụ hoặc chuyển sang trồng màu để đảm bảo sản xuất an toàn). Từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ cắt vụ khoảng 14.632 ha ở các huyện, thị đất liền, phương thức tính toán như trên nhưng có thêm thực hiện sản xuất theo mô hình kết hợp: VA, VAC, VACR, AC…; đồng thời, giảm 2.065 ha diện tích canh tác lúa thuộc vùng 3 của các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông để trồng cây ăn trái và giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai dứt điểm trên phần diện tích còn lại của đề án theo các phương thức nêu trên.

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt, việc bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ theo hướng cắt vụ hè thu, giảm diện tích gieo trồng lúa đối với những địa bàn thiếu nước cuối nguồn bị thiệt hại hàng năm sẽ áp dụng mô hình luân canh, xen canh, đa canh nhằm đạt giá trị gia tăng cao trên đơn vị diện tích, ít nhất là phải bằng với canh tác 2 vụ lúa chất lượng cao, đặc sản hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ màu, hoặc 1 vụ lúa - 2 vụ màu (trồng bắp, hoa huệ, dưa hấu, ớt, cà chua, bắp cải, rau đậu…); việc bố trí cơ cấu sản xuất theo vùng, khu vực và áp dụng mô hình luân canh hợp lý trên đất lúa sẽ chia nhỏ thành 3 vùng (vùng 1 vẫn còn sản xuất 3 vụ nhưng sẽ giảm dần, vụ hè thu sẽ trồng màu; vùng 2 chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc 2 lúa - 1 màu, 2 màu - 1 lúa; vùng 3 là vùng đặc biệt khó khăn về nước tưới như ở ven sông, ven đê, đê biển và huyện Tân Phú Đông sẽ chỉ trồng 1 vụ lúa/năm là vụ thu đông và đến năm 2020, huyện này sẽ không còn sản xuất lúa mà chuyển sang cây trồng và vật nuôi thích nghi khác). Cũng theo quan điểm của ngành Nông nghiệp tỉnh thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ phải gắn với mô hình Cánh đồng lớn - điều kiện quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của việc cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng…

Tuy nhiên, để triển khai thành công Đề án này cũng cần tập trung thực hiện ngay một số dự án, đề án liên quan hạ tầng và các dịch vụ phục vụ, ví dụ như triển khai Dự án hỗ trợ máy cấy lúa (nhằm giảm công lao động, giảm lượng giống, rút ngắn thời gian, chủ động thời gian gieo mạ và nhất là giảm mức độ ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, thủy văn…); triển khai Dự án phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chuyển đổi theo hướng an toàn gắn với thị trường tiêu thụ; Dự án xây dựng thương hiệu Gạo Gò Công; triển khai xây dựng khung kỹ thuật phù hợp với điều kiện canh tác của vùng ảnh hưởng hạn mặn; nghiên cứu hướng dẫn xác định chủng loại cây trồng phù hợp điều kiện sản xuất của vùng, tiến tới xây dựng bản đồ thích nghi của 3 nhóm cây trồng (lúa, cây ăn quả và cây rau màu) cho từng đơn vị cấp xã trong vùng đề án; nghiên cứu, triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm…

Nông dân được lợi gì?

Việc triển khai Đề án cắt vụ, chuyển vụ trước hết sẽ làm giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra (theo tính toán sơ bộ, sẽ giảm được phần bị thiệt hại và cả kinh phí Nhà nước hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng/năm); đồng thời qua đánh giá kết quả thực hiện từ các mô hình luân canh đã và đang được nông dân áp dụng rộng rãi thì các mô hình canh tác kết hợp (2 lúa - 1 màu hoặc 2 màu - 1 lúa) đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn độc canh cây lúa, ví dụ như luân canh rau màu trên đất lúa sẽ làm tăng lợi nhuận từ 1,6 - 2,3 lần, thậm chí có nơi đạt trên 2,5 lần  so với sản xuất 3 vụ lúa.

Tuy nhiên, cũng có ý lo ngại, việc cắt vụ liệu có làm nông dân “mất việc làm”  như có người nói vui “cắt bớt 1 - 2 vụ lúa thì nông dân tụi tui biết làm gì, hay quá rảnh chỉ… đi nhậu hoặc đá gà?!”. Nỗi lo này là có cơ sở. Tuy nhiên, theo lý giải của đơn vị tư vấn đề án thì “cắt” vụ lúa và thay bằng vụ màu chứ không phải “đứt” hẳn thời gian 1 (hoặc 2) vụ lúa, chưa kể thu hoạch màu nhiều khi tốn công hơn hẳn thu hoạch lúa do đã có máy gặt đập liên hợp thay thế lao động (chưa kể cùng với sự phát triển khu vực công nghiệp - đô thị phía Đông - trước mắt là KCN Dầu khí Soài Rạp và 2 CCN Gia Thuận trong tương lai gần và hình thành Khu kinh tế Gò Công sau năm 2020 thì việc nông dân “ly nông bất ly hương” sẽ không có gì là quá xa vời!). Sản phẩm cây màu từ “chuyển vụ” sẽ góp phần làm đa dạng thêm sản phẩm nông nghiệp địa phương, tạo thêm nguồn cung cho thị trường, hạn chế rủi ro trong làm nông, và đặc biệt, mô hình canh tác lúa - màu trên đất lúa sẽ mang lại những lợi ích về sinh thái rất lớn, bởi việc luân canh sẽ hạn chế mầm sâu bệnh lưu tồn và cắt đứt nguồn lây lan, giúp giảm thuốc trừ sâu và “bồi bổ” cho đất - là một trong những yếu tố để nông nghiệp phát triển bền vững…

Cây ca cao tươi tốt trên vùng đất phèn Tân Phú Đông. Ảnh: Hữu Dư
Cây ca cao tươi tốt trên vùng đất phèn Tân Phú Đông. Ảnh: Hữu Dư

Vấn đề còn lại là phải làm sao quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của đề án, từ đó tổ chức cho người dân thảo luận, lựa chọn mô hình và cách làm mà chính nông dân thấy hiệu quả nhất - xem đây là yếu tố quyết định việc thực hiện thành công đề án; đồng thời cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ nông dân cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, để nông dân vừa thấy được sự quan tâm của Nhà nước, vừa yên tâm (và cả quyết tâm) thay đổi tập quán canh tác, toàn tâm, toàn ý chuyển theo hướng mới… Người viết đồng tình với ý kiến của Ủy ban MTTQ tỉnh (Báo cáo số 271/BC-MTTQ-BTT) trình bày trước cử tri trong tỉnh tại kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh tổ chức từ ngày 6 đến 8-12-2016 rằng, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định nhân dân “rất đồng tình” khi UBND tỉnh phê duyệt đề án này, tuy nhiên bà con cũng đề nghị sớm triển khai; đồng thời cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong phối hợp tổ chức thực hiện đề án, tránh tình trạng chồng chéo, đổ trách nhiệm cho nhau. Bên cạnh đó, cấp thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đúng thực chất, nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở để các chủ trương, chính sách hỗ trợ đến nông dân một cách nhanh nhất và nông dân phải là người được hưởng lợi nhiều nhất từ đề án này… Đây cũng là những vấn đề lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đề án phải quan tâm thực hiện.

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.