Thứ Tư, 01/11/2017, 14:40 (GMT+7)
.

Nghề đan lục bình đang gặp khó

Thời “ăn nên làm ra”, nghề đan lục bình (làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ) giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Thế nhưng, gần đây nghề này đang gặp khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình đang gặp khó.
Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình đang gặp khó.

Nghề đan lục bình không còn xa lạ với người dân vùng sông nước. Thời điểm nghề đan lục bình hưng thịnh nhất vào khoảng năm 1993. Lúc đó, nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng hàng trăm tấn lục bình khô mỗi năm, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Chị Vương Thị Nga, nhân viên kinh doanh của Hợp tác xã Quang Minh cho biết: “Cây lục bình rất mềm, dai làm ra các sản phẩm có độ bền cao nên được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Sản phẩm từ lục bình của hợp tác xã xuất khẩu mạnh sang các nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... Giai đoạn từ 1993 - 2010, mỗi năm hợp tác xã thu mua khoảng 300  tấn lục bình khô để sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động nhàn rỗi”.

Nhu cầu hàng thủ công mỹ nghệ tăng mạnh, nghề đan lục bình từng được mệnh danh là nghề “xóa đói giảm nghèo”, giải quyết đáng kể việc làm cho lao động nông thôn, giúp nhiều hộ tăng thêm thu nhập. Chị Nguyễn Thị Huệ, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (người có trên 10 năm gắn bó với nghề đan lục bình) cho biết: “Nghề đan lục bình không khó, chỉ cần chịu làm là được. Hơn nữa, nghề này phù hợp với lao động nữ. Tôi nhận khung về nhà đan nên vừa có thể làm được công việc nhà, chăm sóc con mà có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày”.

Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, nghề đan lục bình không còn phát triển như trước nữa. Chị Nga cho biết: “Hiện nay, số lượng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ lục bình giảm chỉ còn bằng 1/3 so với thời hưng thịnh, trong khi đó yêu cầu của khách hàng về chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Nhiều cơ sở sản xuất không trụ được đã đóng cửa hoặc chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác”.

Cho biết thêm về tình trạng sản xuất - kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu lục bình, chị Nguyễn Ngọc Linh, chủ Doanh nghiệp tư nhân Thống Nhất Linh cho biết, chị vừa ngừng ký hợp đồng với công ty tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Úc do yêu cầu sản phẩm quá khắt khe nhưng giá mua lại thấp. Sau đó, nhờ chị đã ký được hợp đồng tiêu thụ với một công ty khác ở TP. Hồ Chí Minh nên tình hình có khả quan hơn. Song, nhìn chung tình hình tiêu thụ sản phẩm từ lục bình đang gặp khó khăn. Chị Linh cho biết thêm, từ năm 2016, chị đã có ý định ngừng sản xuất mặt hàng này, nhưng rồi nghĩ lại nghề gia truyền và tình cảnh nhiều lao động sẽ bị thất nghiệp nên cố gắng duy trì đến nay. Nguyên nhân là nguyên liệu lục bình tăng cao (lúc sốt giá lên đến 25.000 đồng/kg, thời điểm hiện tại ở mức 15.000 đồng/kg) đã kéo chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình trong tỉnh còn bị cạnh tranh từ các cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh (các cơ sở này mang nguyên liệu, khung xuống tận các vùng nông thôn để tìm đầu mối đan).

Còn theo một số chủ doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình khác, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong sản xuất - kinh doanh đối với mặt hàng này là do thị trường nước ngoài không còn tiêu thụ mạnh mặt hàng này như trước. Nếu tiếp tục tình trạng như hiện nay, có thể sẽ có thêm những doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển sang sản xuất mặt hàng khác. Các cơ sở sản xuất mặc hàng thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu lục bình đang đứng trước thử thách lớn.

QUỐC TUẤN

.
.
.