Thứ Tư, 31/01/2018, 20:16 (GMT+7)
.

Ngân hàng tập trung vốn cho sản xuất

Đó là một trong những mục tiêu, định hướng lớn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang xác định trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Lãi suất cho vay có xu hướng giảm.
Lãi suất cho vay có xu hướng giảm.

Điểm sáng trong thị trường tài chính tín dụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua là việc chấp hành trần lãi suất, đảm bảo thanh khoản, đặc biệt là các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN), cũng như việc tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đề cập về tình hình tín dụng trên địa bàn tỉnh, nhất là liên quan đến lãi suất cho vay, lãnh đạo NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho biết, thời gian qua NHNN Chi nhánh Tiền Giang thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn đối với các thành phần kinh tế, ưu tiên hỗ trợ tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao với mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn được các ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,5% - 1% so với trần lãi suất quy định (trần lãi suất cho vay ngắn hạn được quy định là 6,5% đối với ngân hàng và 7,5% đối với các quỹ tín dụng nhân dân).

Lãi suất cho vay trung và dài hạn cũng được điều chỉnh xuống ở mức lãi suất phổ biến từ 8% - 9%/năm đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao.

Lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh giảm

Thực hiện Nghị quyết 01 ngày 1-1-2018 của Chính phủ, kể từ ngày 15-1-2018, BIDV sẽ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó chú trọng vào các khách hàng tốt, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn, với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng ưu tiên của Chính phủ, với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Cụ thể là gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho DN nhỏ và vừa; gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho DN lớn; gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp; gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay phát triển DN nước ngoài và gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay cá nhân sản xuất - kinh doanh nhân dịp Tết Mậu Tuất…

Vietcombank cũng tiếp tục tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm.

Cụ thể là đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm sẽ được đồng loạt giảm 0,5% về mức 6%/năm; đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm; các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Ngân hàng xác định trong thời gian qua là tập trung vốn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần khai thác và phát huy lợi thế của tỉnh.

Đây cũng là chỉ tiêu được đặt ra đối với từng ngân hàng thương mại và là tiêu chí bình xét cuối năm của ngành Ngân hàng. Từ những định hướng chung như thế nên dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của NHNN Chi nhánh Tiền Giang, đến cuối năm 2017 dư nợ cho vay trên lĩnh vực này đạt hơn 20.000 tỷ đồng, chiếm hơn 47% trên tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Là đơn vị chiếm thị phần tín dụng lớn trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Tiền Giang (Agribank Tiền Giang) luôn đi đầu trong việc hỗ trợ vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Phó Giám đốc Agribank Tiền Giang Phạm Công Danh cho biết, đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã chiếm đến 94% trong tổng dư nợ cho vay của Agribank Tiền Giang.

Bên cạnh các hoạt động tín dụng thông thường, một trong những điểm nhấn quan trọng là thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ các xã xây dựng NTM thông qua các gói tín dụng vay vốn góp phần phát triển kinh tế và thực hiện công tác an sinh xã hội.

Thực hiện chủ trương chung, trong năm 2017 ngành Ngân hàng đã phân công các ngân hàng thương mại phụ trách 68 xã nằm trong kế hoạch xây dựng NTM đến năm 2020. Theo đó, đến cuối năm 2017 dư nợ cho vay xây dựng NTM đạt 21.829 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh, tăng hơn 21% so với năm 2016 và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của ngành Ngân hàng Tiền Giang.

Thực hiện chỉ đạo chung của NHNN, việc điều hành chính sách tiền tệ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cũng theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, đảm bảo thanh khoản…

Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại cần chấp hành nghiêm cơ chế lãi suất, tỷ giá và tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trên địa bàn trong năm 2018 đạt 17%; đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với người dân và DN; tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ…

Thực hiện cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 ngân hàng thương mại tham gia thực hiện: Agribank Tiền Giang, Công thương, Đầu tư và Phát triển (BIDV) Tiền Giang, BIDV Mỹ Tho và Ngoại thương (Vietcombank) hỗ trợ tín dụng theo danh sách được UBND tỉnh phê duyệt gồm: 39 tàu đóng mới, 66 tàu nâng cấp và 274 tàu vay vốn lưu động.

Đến nay, các ngân hàng đã tiếp nhận hồ sơ xin vay đóng mới đối với 33 tàu gồm: 4 tàu dịch vụ hậu cần và 29 tàu khai thác hải sản xa bờ. Theo đó, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới 32 tàu, với số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng hơn 238 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 235 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã giải ngân cho 10 tàu nâng cấp với dư nợ cho vay 18 tỷ đồng; đồng thời cho 25 hộ vay vốn lưu động, doanh số cho vay lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến nay đạt hơn 19 tỷ đồng…
 

PHƯƠNG ANH

.
.
.