Thứ Hai, 29/01/2018, 20:37 (GMT+7)
.
ÔNG TRẦN ĐỖ LIÊM, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TIỀN GIANG:

Tiền Giang kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp

Kết thúc năm 2017, cùng với cả nước, Tiền Giang đã cán đích, vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, trong đó nổi bật nhất là chỉ tiêu tăng tốc phát triển kinh tế.

Đây là sự nỗ lực cùng với trí tuệ của cả hệ thống chính trị, nhân dân và sự đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà.

Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang Trần Đỗ Liêm về sự phát triển và đóng góp của đội ngũ doanh nhân Tiền Giang vào thành tích kinh tế nói trên trong năm qua.

* PV: Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân Tiền Giang trong kết quả phát triển kinh tế tỉnh nhà trong năm 2017? Đồng thời, năm nay được Nhà nước xem là năm khởi nghiệp, vậy tình hình phát triển DN trên địa bàn tỉnh như thế nào?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Năm 2017 là năm đầy ấn tượng, có tới 669 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký 3.250 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2016, nâng số DN đang hoạt động lên 4.423 DN. Xin nhấn mạnh đây là số DN đang hoạt động chứ không phải DN đăng ký. Chính đội ngũ DN khá hùng hậu đã góp phần tích cực giúp cho tỉnh nhà đạt được mức tăng trưởng khả quan và đáng phấn khởi.

Tôi đánh giá năm 2017 là năm có mức tăng trưởng đẹp và bền vững, nó làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại và toàn diện, đó là khu vực dịch vụ tăng (chiếm 32,7%), khu vực công nghiệp - xây dựng tăng (28,1%), khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm xuống (39,2%).

* PV: Có thể nói sự thành công của DN tỉnh nhà trong năm qua luôn có sự đồng hành của ngành Tài chính - ngân hàng. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Ngành Tài chính - ngân hàng giữ vai trò rất quan trọng, đã cung cấp cho các DN, hộ kinh doanh của tỉnh nhà với mức dư nợ vốn cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) 41.382 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Từ sự đầu tư đó, cộng với các nguồn khác do DN tự huy động đưa vào SXKD đã đạt được hiệu quả tích cực.

Song, chính các DN cũng đã giúp ngành Tài chính thu về cho ngân sách nhà nước 7.539 tỷ đồng, đạt 107% dự toán, tăng 12,9% so với năm 2016. Có thể nói thêm, phần lớn nguồn thu cho ngân sách của tỉnh là thu qua tiền nộp thuế từ các DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng thăm và làm việc với Công ty TNHH Nam of London. 	                                      Ảnh: HỮU NGHỊ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng thăm và làm việc với Công ty TNHH Nam of London. Ảnh: HỮU NGHỊ

* PV: Được biết, đội ngũ DN - doanh nhân Tiền Giang có bước phát triển và hoạt động hiệu quả chưa từng có trong 4 năm qua. Về vấn đề này ông có suy nghĩ gì?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Tôi đồng ý đánh giá này, bằng chứng là số DN đăng ký thành lập mới tăng rất cao, số DN đang hoạt động cũng đạt mức đỉnh cao chưa từng có (năm 2016 chỉ có khoảng 3.800 DN hoạt động).

Phải thừa nhận rằng, nguyên nhân để đội ngũ DN tỉnh nhà phát triển, trước hết là từ Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển DN, rồi Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, sự đồng hành cùng DN qua cách tiếp cận chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị, thành đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN.

Đặc biệt là 2 cuộc gặp gỡ trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh đã mang đến cho DN sự khích lệ rất lớn trong hoạt động SXKD.

Riêng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để gặp gỡ, thăm hỏi, tiếp xúc, đối thoại... với DN, từ đó nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, tạo động lực mạnh mẽ cho DN phát triển.

Ngoài ra, Thường trực Hiệp hội DN, Chi hội DN cũng “xắn tay áo” vào cuộc để giúp DN giải quyết các vấn đề bức xúc.

Một số điểm nhấn của Hiệp hội DN

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nhận định, năm 2017 có nhiều điểm nhấn đối với hoạt động của DN nói chung và của Hiệp hội DN nói riêng. Nét nổi bật đầu tiên là chủ trương chung của Trung ương và địa phương đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhấn mạnh vào phát triển DN, nhất là DN vừa, nhỏ và khối DN tư nhân.

Chủ trương này được cụ thể hóa thông qua Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy mang tính chuyên đề về hỗ trợ và phát triển DN, được UBND tỉnh cụ thể hóa thông qua Chương trình hành động và giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành cùng tham gia thực hiện.

Một trong những động thái quan trọng nữa là việc thành lập và đi vào hoạt động các Chi hội DN ở tất cả các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Theo đó, số lượng hội viên của Hiệp hội DN tỉnh từ chỗ xấp xỉ 200 đã tăng lên hơn 500 và khả năng còn tăng thêm.

Chính những hội viên này sẽ tạo ra sức lan tỏa cho các cơ sở, hộ kinh doanh, người dân khởi nghiệp đăng ký thành lập DN, đặc biệt ở các huyện, thị, thành có số lượng lớn DN như: Huyện Cái Bè, huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho. Hiệp hội DN tỉnh xác định, muốn nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động, tạo ra hiệu ứng tốt, điều đầu tiên là nâng cao số lượng thành viên, bước tiếp theo là đi vào chất lượng hoạt động.

Hiệp hội DN tỉnh cũng luôn xác định từng bước đi cụ thể để nâng cao chất lượng thông qua Chương trình hành động, các Chương trình xúc tiến thương mại, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, hợp tác làm ăn.

Từ chủ trương chung của Trung ương, tinh thần quyết liệt của tỉnh, nhìn một cách tổng thể, tình hình hoạt động của khối DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc. Theo đó, các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của hầu hết DN trên nhiều lĩnh vực chủ yếu của tỉnh như: Doanh thu, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đều có mức tăng trưởng khá; đặc biệt là các chỉ số về số lượng DN thành lập mới, nộp ngân sách…    

                                   P. A

Có thể khẳng định, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN đã mang lại hiệu quả kép, giúp lãnh đạo gần DN hơn, từ đó hiểu được khó khăn, vướng mắc, cũng như nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của DN để tháo gỡ kịp thời.

Ngược lại, doanh nhân cũng tự tin, phấn khởi hơn, từ đó quyết tâm hơn trong việc lập nghiệp, khởi nghiệp, mở rộng SXKD.

* PV: Ông có thể nói rõ hơn về kết quả 1 năm “đồng hành” cùng DN, doanh nhân của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong năm qua?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Với Bí thư Tỉnh ủy thì sự có mặt của ông tại các hội nghị, tiếp đón, chiêu đãi doanh nhân là một chỉ dẫn cho doanh nhân nhận biết sự khác biệt từ trước đến nay về sự quan tâm, lắng nghe, quan sát của người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy đối với doanh nhân.

Đó là sự khích lệ rất quan trọng về mặt tinh thần, tạo niềm tin, nâng cao sự tự tin cho doanh nhân dấn thân vào thương trường đầy sức hút nhưng cũng lắm hiểm nguy.

Với Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị… thì vấn đề lại nằm ở những biện pháp cụ thể nhằm “giải quyết chứ không giải thích” ngay tại cuộc họp, hoặc không thì có ấn định thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm.

Việc giao cho “người  đứng đầu các ngành, các cấp trực tiếp gặp gỡ, giải quyết và chịu trách nhiệm với DN và cấp trên”, sau đó có báo cáo tổng hợp bằng văn bản kết quả về một đầu mối do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo là một cách làm mới, dẫn đến hiệu quả thiết thực, nhanh chóng.

Sau 4 cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN cấp tỉnh; nhiều cuộc cấp huyện, thành, thị; nhiều cuộc tiếp xúc hằng tháng của Chủ tịch UBND tỉnh và hằng tuần của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh với DN, doanh nhân, hầu như mọi vướng mắc tồn đọng từ hơn chục năm trước đã được giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, có hàng trăm đề xuất khác của DN cũng đã được giải quyết thỏa đáng. Những giải quyết dứt điểm đó chưa thể quy ra bằng tiền, nhưng chắc chắn giá trị tinh thần và giá trị vật chất rất lớn.

* PV: Vậy vai trò của Hiệp hội DN Tiền Giang ở đâu trong sự phát triển của DN tỉnh nhà trong năm 2017, thưa ông?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Năm đầu nhiệm kỳ III của Hiệp hội DN Tiền Giang là năm hoạt động sôi nổi nhất của Hiệp hội từ ngày thành lập cách đây 12 năm. Sự khác nhau về chất rất rõ và đã đáp ứng phần lớn đòi hỏi của hội viên, của chính quyền và xã hội. Hiệp hội đã luôn đồng hành đúng nghĩa đen và nghĩa bóng với UBND tỉnh, các huyện, thành, thị để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Tiền Giang trong tình hình mới.

Lãnh đạo Hiệp hội lắng nghe, ghi nhận, tư vấn cho DN; phản ánh tới cấp có thẩm quyền các yêu cầu có tính bức xúc, những khó khăn, vướng mắc, rồi chứng kiến việc giải quyết của chính quyền với DN. Hiệp hội tạo cho DN có chỗ “chống lưng” để họ có thông tin, tự tin, vượt khó, hăng hái bỏ vốn đầu tư hay mở rộng SXKD.

Những việc làm trên của Hiệp hội chính là “chất xúc tác” để trong năm 2017 đã có sự hồi sinh mạnh mẽ từ hàng trăm DN, tái cơ cấu, bổ sung vốn tăng đột biến. Cụ thể, trong năm 2017 có 609 DN quay trở lại sản xuất và bổ sung vốn đăng ký.

* PV: Được biết, Tiền Giang hiện có gần 5.000 DN đăng ký và 4.423 DN đang hoạt động trên tất cả các địa bàn trong tỉnh.Đó là con số không hề nhỏ, hoạt động trong một không gian rất rộng và rất đa dạng ngành nghề. Vậy Hiệp hội DN Tiền Giang đã thu hút được bao nhiêu hội viên đến với tổ chức của mình và làm thế nào để “bao trùm” lên không gian rộng với số lượng DN nhiều như vậy?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng thăm và làm việc với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phú Đạt.                                                                                                                                                                   Ảnh: HỮU NGHỊ
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng thăm và làm việc với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phú Đạt. Ảnh: HỮU NGHỊ

* Ông Trần Đỗ Liêm: Năm 2017, được sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch UBND tỉnh - Tiến sĩ Lê Văn Hưởng, Thường trực Hiệp hội đã trực tiếp gặp gỡ Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị để trao đổi phương pháp vận động doanh nhân, trình bày chủ trương, biện pháp tổ chức Chi hội trực thuộc.

Kết quả sau 7 tháng vận động đã có 1 Hội Doanh nhân TP. Mỹ Tho (thành viên của Hiệp hội) và 11 Chi hội DN trực thuộc Hiệp hội được thành lập, cùng với việc kết nạp hơn 300 hội viên trực thuộc và hội viên trong Hội thành viên, nâng tổng số hội viên lên hơn 2 lần, đạt 587 thành viên.

Hiện nay, tất cả các địa bàn và ngành nghề SXKD của tỉnh đều có hội viên của Hiệp hội. Từ cách tổ chức mới hình thành nói trên, chúng tôi có điều kiện đi sâu, đi sát thành viên, từ đó hỗ trợ thành viên được nhiều hơn và nhanh chóng hơn.

* PV: Năm 2018, Hiệp hội DN Tiền Giang sẽ tập trung vào việc gì để hỗ trợ thành viên của mình, thưa ông?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Năm 2018, Hiệp hội chủ động mở lớp đào tạo nghiệp vụ quản lý Hội cho các cán bộ Hội, Chi hội trực thuộc để lãnh đạo cơ sở hoạt động có hiệu quả, thiết thực.

Kiến nghị chính quyền các cấp, các ngành ngoài việc nhanh chóng giải quyết các vướng mắc mới phát sinh, cần chuyển trọng tâm xuyên suốt trong năm là làm sao hỗ trợ giúp DN giảm chi phí sản xuất (ngoài chi phí trực tiếp như nguyên vật liệu, nhân công, máy móc…), từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh doanh.

Hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực của nông nghiệp, thủy sản, như rau quả, cá, tôm... Tiếp theo là đào tạo nguồn nhân lực cho DN, tìm kiếm thêm nguồn vốn với gói lãi suất ưu đãi, thời gian trung hạn và dài hạn để DN đầu tư chiều sâu, với công nghệ cao, hiện đại.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NG.CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.