Thứ Tư, 28/02/2018, 20:43 (GMT+7)
.

Tiếp tục bất đồng về quy định nhập khẩu, sản xuất xe

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu ô tô tiếp tục chia rẽ về quan điểm liên quan đến quy định nhập khẩu ô tô tại Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải, theo thông tin từ cuộc họp lấy ý kiến vào ngày 26-2 do Văn phòng Chính phủ tổ chức .

Có hai luồng ý kiến về quy định nhập khẩu, sản xuất ô tô. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Có hai luồng ý kiến về quy định nhập khẩu, sản xuất ô tô. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đại sứ quán, chủ đề thảo luận xoay quanh việc thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), người tham gia cuộc họp, cho biết vẫn chưa có kết luận gì sau cuộc họp nhưng các quan điểm trái chiều vẫn tiếp tục được đưa ra.

Cụ thể tại cuộc họp, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA tiếp tục bày tỏ mối quan ngại đối với một số quy định hành chính trong nghị định 116. Theo ông, các quy định này không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất và nhập khẩu ô tô của các thành viên VAMA.

Người đứng đầu VAMA dẫn chứng số lượng xe ô tô được nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 1-1 cho đến nay gần như bằng 0. Có ba khó khăn lớn mà VAMA đã đề cập trong 4 bức thư kiến nghị gửi đến Chính phủ trước đây, bao gồm quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại xe ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp (VTA); quy định mới về việc thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu và quy định mới về đường chạy thử ô tô (có chiều dài tối thiểu 800 m) đối với các nhà sản xuất trong nước.

Liên quan đến loại giấy VTA, VAMA cho rằng đây là quy định duy nhất chỉ có ở Việt Nam, điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, khi mà các nước bao gồm cả Việt Nam chỉ kiểm tra và ban hành giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô tiêu thụ trong nước mà thôi. Vì vậy, VAMA cho rằng không tồn tại loại giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp.

VAMA cho rằng một số quy định hành chính trong Nghị định 116 đã làm gián đoạn và hầu như ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước. Điều này sẽ làm thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô. Ông cho rằng với một số phân khúc ô tô có dung lượng nhỏ, thì hoàn toàn không khả thi để tiến hành sản xuất trong nước, nhưng hiện tại hầu hết các thành viên của VAMA lại không thể nhập khẩu được những chiếc xe này.

Ngoài ra, theo ông Kinoshita, quy định mới còn làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập nhẩu ô tô, dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Bên cạnh đó, quy định này còn tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam, nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô.

Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành ngày 17-10-2017. Sau khi ban hành, Nghị định này đã nhận được những ý kiến phản hồi khác nhau từ phía các doanh nghiệp.

Tới đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 03/2018 nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1-3-2018. Các doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến về Thông tư này.

Trong khi đó, theo ông Tuấn, nhóm có quan điểm ngược lại bao gồm lãnh đạo của Thaco và Hyundai Thành Công vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Tại cuộc họp, hai doanh nghiệp này tiếp tục cho rằng những quy định trên là có thể đáp ứng được và không có khó khăn gì và họ đề xuất các doanh nghiệp nên tập trung vào sản xuất trong nước giống như họ với khoản đầu tư đã nhiều.

Theo thông tin trên trang Chinhphu.vn, cả Thaco và Hyundai Thành Công đều cho rằng Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng không đưa ra lời tại cuộc họp, nhưng cho biết ông ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và sẽ sớm báo cáo với Thủ tướng xem xét.

Trước đó, các vấn đề này cũng đã được các hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản và châu Âu nêu ra tại các cuộc đối thoại với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Và VAMA đã 4 lần gửi thư kiến nghị lên Chính phủ, các cuộc đối thoại với bộ, ngành diễn ra khá nhiều.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.