Chủ Nhật, 06/05/2018, 14:19 (GMT+7)
.
Khai thác thế mạnh các cây trồng chủ lực:

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Một trong những định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp được đề cập trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là tập trung phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, xác định sản phẩm lợi thế để tái cơ cấu: Sầu riêng, thanh long, mãng cầu Xiêm...

Việc quy hoạch vùng chuyên canh các loại cây ăn trái chủ lực và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất được huyện Cai Lậy xác định là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sầu riêng là cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Long Tiên.
Sầu riêng là cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Long Tiên.

Huyện Cai Lậy hiện có 14.400 ha trồng cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1, sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 291.600 tấn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, địa phương huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất.

Thông qua hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyên canh các loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao như: Sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, bưởi da xanh... Tiềm năng kinh tế vườn của huyện được phát huy do được đổi mới phương pháp trồng và chăm sóc, tuyển chọn cây giống chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quá trình thâm canh.

Sầu riêng được xác định là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hơn 8.400 ha, chiếm 58% diện tích cây ăn trái toàn huyện. Nhờ tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật, linh hoạt trong xử lý mùa vụ, hiệu quả kinh tế từ cây trồng này mang lại khá cao; trung bình mỗi ha sầu riêng xử lý nghịch vụ, nông dân thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng/năm.

Hơn 10 năm chuyên canh 1 ha sầu riêng cùng với thành công trong xử lý cây cho trái nghịch vụ, ông Bùi Xuân Ké, ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên đã có nguồn thu nhập ổn định, với lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/năm. “Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nông dân xã Long Tiên vươn lên khấm khá. Những năm qua, hệ thống đê bao, cống đập trên địa bàn xã cũng được nâng cấp, cải tạo để nông dân an tâm phát triển sản xuất nông nghiệp. Với diện tích vườn nhà, hằng năm tôi xử lý để cây cho thu hoạch từ tháng 7 âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán. Kinh tế gia đình nhờ đó ổn định và có điều kiện tích lũy” - ông Ké cho biết. 

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Cai Lậy khuyến khích nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất, khôi phục và cải tạo các vùng chuyên canh cây ăn trái phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu của thị trường.

Từng là loại cây trồng chiếm ưu thế ở xã Mỹ Long, nhưng những năm gần đây, diện tích chuyên canh vú sữa dần thu hẹp vì dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Năm 2018, thông tin xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ đã tạo sự phấn khởi đối với nông dân xã Mỹ Long.

Theo đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long đã ký kết hợp đồng cung ứng vú sữa cho Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường và Công ty Đại Lâm Mộc; xã quy hoạch vùng chuyên canh cây vú sữa với diện tích trên 14,4 ha.

Từ đó, xã khuyến khích nông dân khôi phục diện tích cây trồng này, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Có 7 công vườn chuyên canh vú sữa ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Long, ông Lê Văn Mong cho biết: “Vụ vú sữa năm nay, tôi đã ký kết hợp đồng cung ứng vú sữa cho Công ty Đại Lâm Mộc.

Từ đó, tôi cảm thấy tự tin với sản phẩm của mình vì được hướng dẫn làm theo quy trình bài bản, vườn được chăm sóc kỹ, trái cây bán được giá hơn. Hiện nay, cùng với việc xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ, nông dân xã Mỹ Long đã có thể an tâm đầu tư khôi phục diện tích cây trồng này”.

Nông dân Lê Văn Mong, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Long bao trái vú sữa để nâng chất lượng, giá trị trái vú sữa khi thu hoạch.
Nông dân Lê Văn Mong, ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Long bao trái vú sữa để nâng chất lượng, giá trị trái vú sữa khi thu hoạch.

Nhờ ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu, diện tích cây ăn trái của huyện Cai Lậy không ngừng được mở rộng theo hướng chuyên canh “đất nào, cây ấy”, tạo thành vùng cây trái trù phú cho thu hoạch quanh năm.

Thực hiện Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Cai Lậy xác định mục tiêu quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, toàn huyện đã thành lập 6 hợp tác xã nông nghiệp, liên kết nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập cho xã viên. Theo kế hoạch, đến năm 2020, các xã phía Nam Quốc lộ 1 của huyện sẽ phát triển diện tích sầu riêng 9.000 ha, mở rộng hơn 700 ha vườn chuyên canh chôm chôm, nhãn, vú sữa...

Trong đó, 3.000 ha chuyên canh sầu riêng và 350 ha nhãn, chôm chôm... áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. Để hoàn thành mục tiêu, huyện Cai Lậy tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, huy động nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trợ vốn, đào tạo nghề gắn với nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, huyện tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu mua, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Việc quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao được kỳ vọng sẽ đem lại thay đổi tích cực cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tăng thu nhập nông dân, phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.