Chủ Nhật, 06/05/2018, 09:12 (GMT+7)
.

Mãng cầu xiêm "bén duyên" trên đất cù lao

Sau 10 năm chuyển đổi, diện tích cây mãng cầu Xiêm tại huyện Tân Phú Đông đã tăng lên gần 1.000 ha. Trung bình mỗi ha mãng cầu Xiêm nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất đạt từ 16 - 18 tấn trái, lợi nhuận bình quân 220 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, nhiều gia đình đã trở nên khá giả nhờ gắn bó với cây mãng cầu Xiêm.

Trước đây, người dân huyện Tân Phú Đông chủ yếu gắn bó với cây lúa và cây dừa. Thế nhưng, từ khi thử nghiệm có hiệu quả cây mãng cầu Xiêm được ghép từ gốc cây bình bát, các ngành chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện đã mạnh dạn vận động nông dân chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu Xiêm.

Năm 2015, diện tích trồng mãng cầu Xiêm của huyện Tân Phú Đông khoảng 600 ha, đến nay tăng lên gần 1.000 ha, tập trung nhiều tại các xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh… Nhờ thị trường tiêu thụ khá lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao nên diện tích cây trồng này ngày càng tăng.

Đầu ra khá ổn định, trái mãng cầu Xiêm dần khẳng định hiệu quả kinh tế trên vùng đất cù lao.
Đầu ra khá ổn định, trái mãng cầu Xiêm dần khẳng định hiệu quả kinh tế trên vùng đất cù lao.

Trung bình, mỗi công đất trồng mãng cầu Xiêm có thể trồng khoảng 50 gốc. Nếu chăm sóc tốt sau 2 năm cây sẽ bắt đầu cho trái và từ 4 năm tuổi trở lên cho trái ổn định, xử lý đúng cách cây sẽ cho trái quanh năm. Mỗi công mãng cầu Xiêm có thể thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng. Chính vì thế, gần 10 năm nay, vùng đất này đã hạn chế được tình trạng nhiều hộ dân rời quê hương đi làm ăn ở những nơi khác.

Nhiều gia đình trở nên khá giả nhờ gắn bó với cây mãng cầu Xiêm. Ông Võ Văn So, xã Tân Phú chia sẻ: “Hiệu quả kinh tế từ cây mãng cầu Xiêm rất cao, do được ghép từ gốc cây bình bát nên trái rất sai, chịu hạn tốt, phù hợp với vùng đất 6 tháng khô hạn này.

Hộ dân có từ 3 công đất trồng mãng cầu Xiêm trở lên, nếu chăm sóc tốt, hằng năm có thể thu lãi không dưới 100 triệu đồng. Nhiều gia đình trồng mãng cầu Xiêm trúng mùa, được giá thì thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm là chuyện bình thường”.

Ông Nguyễn Văn Tư, xã Tân Thạnh đang tích cực chăm sóc vườn mãng cầu Xiêm hơn 5 năm tuổi của gia đình, phấn khởi cho biết: “Vụ tết hằng năm gia đình ăn tết sung túc nhờ giá mãng cầu Xiêm tăng cao do tuyển chọn những trái non, xấu bán chưng tết, số lượng còn lại để ra Giêng bán trái chín. Năm nay giá không cao như mọi năm, xấp xỉ 20.000 đồng/kg nhưng với giá này người trồng mãng cầu Xiêm cũng phấn khởi và có thể làm giàu được”.

Những hiệu quả mà cây mãng cầu Xiêm mang lại đã góp phần khẳng định vị thế của loại cây trồng này. Đây được xem là cây trồng hiệu quả, xóa khó giảm nghèo hiệu quả, bền vững hiện nay trên vùng đất cù lao.

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ cơ sở thu mua mãng cầu Xiêm tại huyện Tân Phú Đông cho biết: “Hiện tại, mỗi ngày vựa của tôi thu mua không dưới 500 kg trái mãng cầu Xiêm, ngày cao điểm hơn 2 tấn, bán chủ yếu ở thị trường TP. Hồ Chí Minh… Bên cạnh việc thu mua, cơ sở cũng giải quyết việc làm cho gần 10 lao động làm các công việc như: Vận chuyển, phân loại, cân…”.

Hiện tại, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện… thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ cây giống và phân bón, kêu gọi các cơ sở chế biến về đầu tư để người dân tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích, giữ vững sản lượng mãng cầu Xiêm.

Đề cập về vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết: “Tiềm năng phát triển cây mãng cầu Xiêm ở huyện tương đối lớn nên ngành Nông nghiệp huyện luôn chú trọng đến đầu ra của trái cây này. Hiện tại trên địa bàn huyện đã có cơ sở chế biến trà mãng cầu về đầu tư, dù quy mô chưa lớn nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho đầu ra của trái mãng cầu Xiêm.

Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp về thu mua, bao tiêu trái mãng cầu Xiêm cho nông dân, kiên quyết không để trái mãng cầu Xiêm bị ép giá trên thị trường. Nếu có đầu ra ổn định, giá cả như hiện tại, không bao lâu nữa đời sống của người dân huyện Tân Phú Đông sẽ được nâng lên đáng kể”.

CAO NGUYÊN

.
.
.