Thứ Tư, 08/08/2018, 15:57 (GMT+7)
.

Chuyện khởi nghiệp của hai nữ doanh nhân

Không chỉ có nam giới, xã hội ngày càng phát triển thì phụ nữ cũng ngày càng năng động, bản lĩnh và tự tin khởi nghiệp với đam mê của mình. Bước đầu khởi nghiệp sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với sự chịu thương, chịu khó, vốn sống tích lũy được, cùng sự trợ lực của gia đình, người thân đã giúp chị em bước đầu đạt được thành công.

Cơ sở sản xuất nước mắm Trung Phát, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất nước mắm Trung Phát, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

* CHỊ LÊ THỊ TƯƠI: Có duyên với nghề nước mắm

Năm 1986, chị Lê Thị Tươi (hiện là chủ Cơ sở sản xuất nước mắm Trung Phát, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng sản xuất nước tương cung ứng ra thị trường.

Vượt qua muôn vàn khó khăn của buổi đầu khởi nghiệp, đến nay thương hiệu nước mắm Trung Phát đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, được khách hàng tin dùng và đạt tốp 50 thương hiệu được khách hàng ưa chuộng.

Nói về chuyện manh nha khởi nghiệp và vì sao khởi nghiệp làm nước tương nhưng lại gắn bó với nghề làm nước mắm, chị Tươi cho biết: “Do gia đình bên chồng làm nghề nước mắm truyền thống có tiếng trong vùng, khi khách hàng đến mua nước mắm thường hỏi kèm có bán nước tương không, từ đó tôi nảy sinh ý tưởng làm nước tương bán”.

Như có duyên với nghề, trong một lần đến nhà chơi, ba của bạn chồng chị chỉ cho vợ chồng chị cách thức cơ bản nấu nước tương. Vậy là sau 6 năm phụ gia đình chồng sản xuất nước mắm, năm 1986 vợ chồng chị bắt đầu xin cha mẹ ra riêng và khởi nghiệp.

Theo lời chị Tươi, lúc khởi nghiệp làm nước tương, chị còn làm việc tại UBND xã Kim Sơn. Vừa phải đảm bảo công việc ở cơ quan, vừa cố gắng xây dựng thương hiệu nước tương, mọi thứ lúc nào cũng “căng như dây đàn”. Rủi ro lớn nhất đối với sản phẩm nước tương là thị trường người tiêu dùng. Sản phẩm mới, lại thuộc phân khúc giá tầm trung nên việc tiếp cận khách hàng khá nan giải. Tuy nhiên, điều thuận lợi cho chị là nhờ gia đình bên chồng sản xuất nước mắm vốn đã có tiếng, tranh thủ khách hàng đến mua nước mắm hay mua sỉ về bán lại, chị giới thiệu luôn sản phẩm nước tương của mình. Mặt khác, chị chở từng thùng nước tương ra các chợ đầu mối tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Ban đầu vợ chồng chị chỉ hy vọng mỗi ngày bán được 100 lít nước tương, nhưng không ngờ chỉ trong vài tuần đầu số lượng bán đã tăng lên 1.000 - 2.000 lít/ngày.

Làm nước tương đến năm 1988 thì cha chồng tuổi già sức yếu và quyết định giao toàn bộ Cơ sở sản xuất nước mắm Trung Phát cho vợ chồng chị quản lý kinh doanh.

Vậy là vợ chồng chị tiếp tục gắn bó với nghề sản xuất nước mắm truyền thống của gia đình; trong đó, chị là người trực tiếp điều hành, quản lý.

Để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, sau khi tiếp quản Cơ sở sản xuất nước mắm Trung Phát từ gia đình chồng, chị Tươi đã bỏ thời gian, công sức tìm hiểu, học hỏi từ các kỹ sư hóa thực phẩm và sách vở nên dần dần tìm được công thức sản xuất nước mắm với chất lượng tốt, ổn định đến nay.

Chị Tươi cho biết: “Hiện nay, đa phần người dân sử dụng nước mắm nhiều hơn nước tương, nên cơ sở của tôi chủ yếu tập trung sản xuất nước mắm. Cái được lớn nhất của Cơ sở sản xuất nước mắm Trung Phát là sản phẩm được khách hàng đón nhận".

"Đến nay, tỷ lệ dùng thử và tin dùng nước mắm của cơ sở tôi đạt trên 80%; nước mắm Trung Phát có mặt khắp các tỉnh trên cả nước, với mỗi ngày trung bình bán trên 5.000 lít. Nhiều nơi đã liên hệ đề nghị ký hợp đồng làm đại lý phân phối sản phẩm của cơ sở tôi”.


Không những kinh doanh giỏi, chị Tươi còn có nhiều đóng góp cho địa phương, xã hội qua giúp đỡ, tặng quà cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã và những xã lân cận vào những dịp lễ, tết...

Với những kết quả đạt được, chị Tươi đã được các ngành, các cấp, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi…

* CHỊ NGUYỄN THỊ THÚY DIỄM: Mạnh dạn làm giàu

Xuất thân là kế toán, sau đó là giám đốc bán hàng của một công ty điện máy ở TP. Hồ Chí Minh có chi nhánh tại TP. Mỹ Tho, năm 2013 nắm bắt yêu cầu của thị trường về lĩnh vực điện, điện lạnh, chị Diễm mạnh dạn mở công ty riêng với tên gọi là Công ty TNHH TMDV Kỹ thuật Điện - Điện lạnh Khang Thịnh, có trụ sở tại số 23 đường Trần Quốc Tuấn, phường 4, TP. Mỹ Tho.

Lúc mới thành lập công ty, chị gặp không ít khó khăn về thị phần, tiếp thị sản phẩm, tổ chức nhân lực, điều hành, bố trí công việc...

Ngoài lĩnh vực chính là cung cấp, thi công lắp đặt các sản phẩm điện lạnh, điều hòa nhiệt độ cho các công trình, dự án tại các tỉnh miền Tây, chị còn mở rộng thêm ngành hàng là thực phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm.

Chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (người ngồi).
Chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (người ngồi).

Với đội ngũ lao động trực tiếp hiện nay của công ty khoảng 30 người, ngoài văn phòng tại phường 4, chị còn có 2 kho hàng tại Quốc lộ 50 thuộc xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) và huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp).

Ngoài việc điều phối công việc hằng ngày, chị còn phải tính toán để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, người lao động có thu nhập tốt nhất.

Từ sự điều phối công việc của chị, hoạt động kinh doanh của công ty đạt hiệu quả khá tốt. Cụ thể, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2018 của công ty ước đạt gần 19 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ tháng 8-2017, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân TP. Mỹ Tho. Trên cương vị mới, chị cố gắng tìm tòi, cùng Ban Chấp hành Hội tập hợp và vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã liên kết, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh, kiến thức khoa học và kỹ thuật để cùng nhau phát triển.

Ngoài ra, việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, đại diện các doanh nghiệp đề đạt, kiến nghị với Nhà nước giải quyết các vấn đề có liên quan đến sản xuất, kinh doanh cũng được Hội chú trọng.

Với thành tích kinh doanh trong năm 2017, Công ty TNHH TMDV Kỹ thuật Điện - Điện lạnh Khang Thịnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen doanh nghiệp tiêu biểu. Vinh dự đó giúp chị có thêm nghị lực để phấn đấu hơn nữa cho hoạt động của công ty mình và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân TP. Mỹ Tho ngày càng vững mạnh.

* * *

Tấm gương làm giàu của chị Tươi và chị Diễm được nhiều người khâm phục. Mặc dù việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình, cùng với sự nhanh nhẹn, linh hoạt, 2 chị đã thành công; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Có thể nói, chị Tươi và chị Diễm là 2 tấm gương sáng làm kinh tế giỏi để chị em khác học tập và noi theo.

HOÀI THU - V.Q

.
.
.