Thứ Sáu, 28/09/2018, 10:49 (GMT+7)
.
Xúc tiến đầu tư:

Hướng vào chế biến nông - thủy sản

Tìm lối ra bền vững, an toàn cho các sản phẩm chủ lực của Tiền Giang trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là những nội dung quan trọng được đề cập trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018.

1. Chế biến nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực của Tiền Giang, là mục tiêu quan  trọng của tỉnh thông qua đầu tư và thu hút đầu tư nhằm tận dụng lợi thế và giải bài toán đầu ra cho nông nghiệp một cách căn cơ hơn.

Bởi thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các dự án chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng được tỉnh tính toán để thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư.

Thực tế cũng cho thấy, việc chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp Tiền Giang thời gian qua tương đối chậm, nhất là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Chính vì thế, trong thời gian tới, theo lãnh đạo tỉnh, ngoài thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, Tiền Giang sẽ dành khoảng 60 ha đất nằm cặp đường cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, nhằm thu hút các dự án đầu tư để góp phần chuyển hướng cho ngành Nông nghiệp sản xuất theo hướng hiện đại, khởi đầu từ việc nhân giống, thực hiện các mô hình, thu hút đầu tư nhà máy chế biến, sau đó tạo sức lan tỏa cho ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Tất nhiên, sự chuyển hướng trong nông nghiệp, kể cả thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng cần có thời gian, lộ trình, bước đi và nhiều yếu tố khác tác động.

Chế biến nông - thủy sản cũng được tỉnh quan tâm thu hút đầu tư.
Chế biến nông - thủy sản cũng được tỉnh quan tâm thu hút đầu tư.

Cụ thể hóa chủ trương cũng như quyết tâm của tỉnh trong việc chuyển hướng đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chế biến nông sản, thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, cũng có một số dự án đầu tư vào chế biến nông - thủy sản nằm trong danh mục được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư. Nếu các dự án này đi vào hiện thực sẽ góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo ngành Nông nghiệp Tiền Giang.

Trao đổi gần đây, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, chủ đầu tư Dự án Sản xuất, chế biến nông sản sạch, với vốn đầu tư khoảng 110 tỷ đồng cho rằng, trong thời gian tới công ty sẽ chú trọng vào sản xuất - kinh doanh rau, củ, quả bán tươi và chế biến.

Bởi trên thực tế, công ty đã thực hiện phương thức bao tiêu các sản phẩm trái cây, nên ngoài bán trái tươi, những sản phẩm còn lại được công ty dự kiến chuyển sang chế biến đông lạnh và nước ép.

Ngoài ra, ngoài trái cây công ty còn tập trung vào rau sạch. Vừa qua, công ty đã phối hợp thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Giang (huyện Châu Thành) nhằm sản xuất rau sạch đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của đối tác nước ngoài. Hiện tại, công ty có đối tác Thái Lan muốn mua rau sạch để xuất đi châu Âu, đối tác Hồng Kông (Trung Quốc) muốn mua rau sạch để xuất đi Hoa Kỳ.

Để thực hiện mục tiêu hướng vào rau sạch, công ty định hướng xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 30 ha, để thực hiện dự án trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới.

2. Là tỉnh ven biển nên ngành Thủy sản có lợi thế để phát triển, trong đó chế biến thủy sản xuất khẩu cũng tạo nên nhiều dấu ấn trong những năm gần đây.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây cho thấy, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô khá đang hoạt động, có tổng công suất chế biến đạt khoảng 180.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng.

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều được cấp Code xuất sang thị trường châu Âu, chủ yếu là sản phẩm đông lạnh (cá tra fillet, tôm đông lạnh và nghêu đông).

Ngoài ra, tham gia vào hoạt động chế biến thủy sản còn có các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất thủ công, tổ chức sản xuất theo hình thức hộ gia đình, với những mặt hàng chủ yếu như: Nước mắm, mắm tôm chà, cá muối, cá khô, cá hấp, tôm khô…, tập trung ở những vùng ven biển như huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công.

Trên bình diện tổng thể, sản phẩm thủy sản đông lạnh xuất khẩu của Tiền Giang được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN. Đa số các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều đã được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng HACCP, đạt được Code EU; sản phẩm đã xâm nhập vào thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.

Thống kê gần đây cho thấy, thị trường châu Âu chiếm trên 50% giá trị kim ngạch, châu Mỹ chiếm khoảng 20%, châu Á chiếm khoảng 18%, còn lại là các thị trường khác.

Nếu so với các tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối lớn, với lượng kim ngạch xuất khẩu hằng năm khá lớn như: Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty TNHH Đại Thành...

Xuất phát từ thực tế, lợi thế và tiềm năng chế biến xuất khẩu cá tra, Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được tỉnh xác định: Giai đoạn 2015 - 2020 không khuyến khích đầu tư mới cơ sở sản xuất sản phẩm sơ chế, chỉ khuyến khích nâng cấp cơ sở sơ chế hoặc đầu tư mới cơ sở sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng; vùng khuyến khích đầu tư mới là khu vực Cụm công nghiệp Song Thuận (huyện Châu Thành).

Trong giai đoạn 2021 - 2030 chỉ khuyến khích đầu tư mở rộng cơ sở sơ chế khi đã sử dụng hết công suất thiết kế; khuyến khích nâng cấp cơ sở sơ chế hoặc đầu tư mới cơ sở sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng; vùng khuyến khích đầu tư mới là khu vực cụm công nghiệp đã được quy hoạch ven sông Tiền.

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu phù hợp với định hướng phát triển, ngành Nông nghiệp đã quy hoạch lại vùng nuôi cá tra thương phẩm.

Theo quy hoạch, tổng diện tích ao nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh đến năm 2020 là 180 ha (sản lượng thu hoạch 67.000 tấn) và đến năm 2030 là 280 ha (sản lượng thu hoạch 104.300 tấn), tập trung nhiều nhất ở huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành…

A.P

.
.
.