Thứ Sáu, 05/10/2018, 14:17 (GMT+7)
.
Đánh thức tiềm lực biển:

Bài 2: Khai thông công nghiệp

Bài 1: Bứt phá từ ngành Thủy sản
Bài cuối: Cần một không gian phát triển bền vững

Thông qua thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn Tiền Giang, ngoài những kết quả mang tính bứt phá của ngành Thủy sản, việc mở hướng cho ngành Công nghiệp ở khu vực biển và ven biển khu vực phía Đông của tỉnh cũng là bước đi quan trọng, tạo tiền đề khai thác tiềm lực kinh tế biển của Tiền Giang.

Lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Sản xuất ống thép  dầu khí Việt Nam. 			Ảnh: NGUYỄN SỰ
Lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN SỰ

1. Ngày 25-10-2010 đánh dấu mốc quan trọng đối với ngành Công nghiệp ở khu vực phía Đông của tỉnh khi Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV-PIPE) tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Nhà máy chế tạo ống thép dầu khí tại Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ dầu khí Soài Rạp (xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông).

Đây là một trong những dự án công nghiệp đầu tiên đối với vùng ven biển của Tiền Giang và cũng là nhà máy sản xuất ống thép dầu khí đầu tiên của Việt Nam; đồng thời, là dự án trọng điểm của ngành Dầu khí.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 2.175 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn ống thép/năm, sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến, thay thế sản phẩm nhập khẩu từ trước đến nay.

Nhà máy chế tạo ống thép dầu khí là một trong những kỳ vọng để mở ra những triển vọng mới về kinh tế biển của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng.

Đặc biệt, thông tin gần đây cho thấy, tỉnh đã tiếp nhận KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp và chuẩn bị xây dựng phương án kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Điều này sẽ mở ra cơ hội mới trong thu hút đầu tư cho khu vực biển Gò Công, góp phần đẩy nhanh việc khai thác vùng biển và ven biển của tỉnh theo hướng hiệu quả hơn.

Bởi nếu nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, việc phát triển công nghiệp ở các huyện phía Đông thời gian qua vẫn chưa đạt được như mong đợi.

Theo Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Chí Trung, toàn huyện có khoảng 2.000 ha quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Đông tuy đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung vẫn còn chậm.

Gần đây, các KCN bắt đầu khởi động trở lại. Hiện nay, trong KCN trên địa bàn huyện chỉ có 2 nhà máy hoạt động, là: Nhà máy chế tạo ống thép phục vụ ống dẫn khai thác dầu khí, với diện tích 23 ha và Tổng kho Xăng dầu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu dầu khí và Kho ngoại quan Sông Tiền Petro (trước đây là Công ty cổ phần Thương mại Hiệp Phước), với diện tích khoảng 10 ha.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, trong định hướng phát triển trong thời gian tới, tỉnh  và địa phương sẽ tính toán đầu tư, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả kết cấu hạ tầng cầu cảng và luồng hàng hải. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống đường bộ kết nối với hành lang, vành đai kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt; cải tạo và nâng cấp các tuyến luồng, cảng, bến cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa. Đồng thời, tỉnh  và địa phương tính toán phương án xây dựng khu bến cảng Gò Công trên sông Soài Rạp, các cảng du lịch dọc sông Tiền, sông Vàm Cỏ; từng bước nghiên cứu Đề án Phát triển kinh tế biển Gò Công, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế biển đến năm 2020; tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư khu vực dọc sông Soài Rạp. Cùng với đó, tỉnh  và địa phương huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng đô thị thị trấn Vàm Láng để xứng tầm là trung tâm kinh tế biển, giao lưu kinh tế với các vùng phụ cận (Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân Phước, Tân Điền, Cần Đước, Cần Giờ, Vũng Tàu...)…
 

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Chí Trung, hiện tại có 3 dự án đầu tư và huyện đang phối hợp với nhà đầu tư thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ, áp giá đền bù, là: Dự án Tổng kho của Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt; Dự án Kho cảng của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh và Dự án Cụm công nghiệp (CCN). Đối với Dự án CCN Gia Thuận 1 hiện đã thực hiện xong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.

Khả năng trong năm 2018, Dự án CCN Gia Thuận 1 sẽ được triển khai khi được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. “Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh trong việc đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư vào KCN và du lịch trên địa bàn như: CCN Gia Thuận 1, 2; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Tổng kho và Nhà máy lọc dầu của Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt, Dự án Kho cảng của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh, Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp với Bến cá Vàm Láng, kho bãi dọc theo đường tỉnh 873B, 871, 862 và Dự án Khu du lịch biển Tân Thành”- Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Chí Trung cho biết.

2. Trong chiến lược phát triển và tiềm năng hiện hữu vùng biển, ven biển của huyện Tân Phú Đông cũng được kỳ vọng có nhiều đổi mới, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư.

Để khai thác tốt vùng đất này, ngày 28-5-2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1339 về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội huyện Tân Phú Đông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Gần đây, theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; trong đó, huyện Tân Phú Đông thuộc vùng kinh tế phía Đông, ưu tiên liên kết phát triển kinh tế biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư phát triển CCN.

Theo lãnh đạo huyện Tân Phú Đông, với lợi thế cù lao ven biển cùng với chủ trương hướng về kinh tế biển của tỉnh, Tân Phú Đông sẽ là một trong những điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực từ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, du lịch sinh thái đến các dự án công nghiệp khác. Chưa kể, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện cơ bản được kết nối.

Mới đây nhất, từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư, Bến phà Bình Tân - Cửa Đại đã được đầu tư đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng, kết nối giữa huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) và huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), khởi nguồn cho việc hình thành trục giao thông ven biển nối Bình Đại - Tân Phú Đông - TX. Gò Công đi TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa, mở rộng thu hút đầu tư cho huyện Tân Phú Đông.

Tất nhiên, khai thác thế mạnh kinh tế biển và ven biển, trong đó có phát triển công nghiệp, cũng cần dựa trên nền tảng là các khu vực vệ tinh. Đối với khu vực phía Đông của tỉnh, TX. Gò Công đóng vai trò rất quan trọng, là trung tâm đô thị của cả vùng.

Do vậy, sự phát triển khu vực biển và ven biển, trong đó có thu hút đầu tư các dự án công nghiệp cũng gắn liền với sự phát triển của TX. Gò Công.

Theo Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX. Gò Công Nguyễn Hữu Lợi, trong thời gian qua lãnh đạo TX. Gò Công quan tâm đến việc mời gọi, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, TX. Gò Công cũng quan tâm đến dự án phát triển công nghiệp, nhất là khu vực vùng ven như: CCN Mỹ Lợi (xã Bình Đông), với quy mô 50 ha và KCN Bình Đông, với diện tích 212 ha.

Ngoài ra, TX. Gò Công cũng tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh của TX. Gò Công, cũng như tiếp tục mời gọi đầu tư. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc…) quan tâm đến các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thị xã.

Nhìn một cách tổng thể, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực biển và ven biển Gò Công còn rất nhiều tiềm lực để khai thác, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực Logistic. Bởi về vị trí, phía Đông của tỉnh nối liền với huyện Cần Giờ, Cảng Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh) qua sông Soài Rạp, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chưa kể, luồng tàu biển trên sông Soài Rạp không có nhiều khúc quanh co, đường kính mặt sông rộng, có đoạn lên đến 2,5 km và quan trọng hơn là khoảng cách từ các cảng biển TP. Hồ Chí Minh ra tới cửa biển chỉ khoảng 60 km, ngắn hơn khoảng 20 km so với luồng sông Lòng Tàu hiện hữu.

Theo kế hoạch, sông Soài Rạp sẽ tiếp tục được nạo vét, khả năng đón tàu biển lớn đến 70.000 tấn ra vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu về chi phí và thời gian vận chuyển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và tất nhiên, đó cũng là cơ hội để thu hút các dự án đầu tư vào khu vực này.

NHÓM PVKT (Còn tiếp)

.
.
Liên kết hữu ích
.