Thứ Tư, 03/10/2018, 10:43 (GMT+7)
.
Đánh thức tiềm lực biển:

Bài 1: Bứt phá từ ngành Thủy sản

Bài 2: Khai thông công nghiệp
Bài cuối: Cần một không gian phát triển bền vững

Kết quả quan trọng sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện ven biển phía Đông của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy - hải sản; đầu tư hạ tầng phát triển công nghiệp, cũng như đẩy mạnh thương mại - dịch vụ nhằm tận dụng, khai thác những lợi thế từ biển và vùng ven biển.

Thủy sản là ngành kinh tế quan trọng đối với các huyện ven biển phí Đông của tỉnh. Ảnh: Hữu Dư
Thủy sản là ngành kinh tế quan trọng đối với các huyện ven biển phí Đông của tỉnh. Ảnh: Hữu Dư

Tận dụng và khai thác tiềm năng nguồn lực từ biển, trong đó có tiềm lực của ngành Thủy sản, là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đối với các huyện ven biển phía Đông của tỉnh, thủy sản được xem là ngành kinh tế quan trọng, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông.

Một trong những điểm nhấn quan trọng qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09 ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là Tiền Giang đã lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của Chiến lược biển, tập trung đầu tư hạ tầng nuôi thủy sản cho vùng ven biển; Cụm công nghiệp chế biến thủy sản Vàm Láng và các dịch vụ phục vụ hậu cần... Tỉnh coi đây là khâu đột phá mang tính bền vững lâu dài cho Vùng kinh tế biển của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh, địa phương cũng tập trung đầu tư cho sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy sản có chất lượng và giá trị cao, đặc biệt là tôm giống và nghêu giống; làm tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, dự báo môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời, tăng cường năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; khuyến khích các hình thức hợp tác, đầu tư thích hợp trong ngư nghiệp nhằm nhanh chóng chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường...
 

1. Chúng tôi về xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông vào những ngày giữa tháng 9. Đây là địa phương được xem là trọng điểm của ngành nuôi thủy sản không những của huyện Tân Phú Đông mà còn của tỉnh, đặc biệt là con tôm các loại.

Khác với không khí của cách đây hơn 10 năm (khi phong trào nuôi tôm sú nở rộ), phong trào nuôi thủy sản giờ đây được hướng vào tính chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Gắn bó với nghề nuôi tôm sú hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Bá, có hơn 3 ha nuôi tôm ở ấp Phú Hữu cho biết, trước đây gia đình nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, rồi công nghiệp và gần đây chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

“Nghề này tùy thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ nhưng lợi nhuận những năm gần đây ổn định hơn, nhờ áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, hiện đại hơn. Tùy theo giá tôm bán của mỗi vụ, lợi nhuận cao nhất có khi đạt hơn 1 tỷ đồng/vụ nuôi”- ông Bá cho biết như thế.

Tất nhiên, đi cùng với các mô hình nuôi tôm là các dịch vụ cung ứng thức ăn, thuốc và các dịch vụ hỗ trợ khác. Nhờ đó, sự phát triển của ngành nuôi thủy sản ở xã Phú Tân đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân Trần Công Danh cho biết, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã Phú Tân hiện đạt 2.079 ha; trong đó, nuôi tôm theo mô hình công nghiệp khoảng 400 ha. 

“Về hiệu quả kinh tế, 1 ha nuôi tôm quảng canh người nuôi có thể thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, còn đối với mô hình nuôi công nghiệp đạt khoảng 200 triệu đồng. Trong khoảng 3 năm gần đây, tình hình nuôi tôm trên địa bàn xã tương đối ổn định, tỷ lệ hộ nuôi có lãi chiếm khoảng 60%”- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân Trần Công Danh cho biết.

Nhìn từ thực tiễn, nhờ vào vị thế địa hình cù lao ven biển, không những có nhiều diện tích cồn bãi cùng với môi trường nước thường xuyên mặn - lợ nên huyện Tân Phú Đông được xem có nhiều lợi thế trong việc khai thác đánh bắt và nuôi thủy sản, nhất là địa bàn 2 xã giáp biển Phú Đông và Phú Tân.

Khu vực này còn là nơi sinh sôi của nhiều giống loài thủy sản, trở thành nguồn lợi thiên nhiên ban tặng vô cùng phong phú cho cư dân cù lao như: Tôm, cua, cá các loại và những loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, để khai thác có hiệu quả và phát huy tiềm năng thế mạnh, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, vùng đất ven biển của huyện Tân Phú Đông đã được đầu tư phát triển theo Dự án Nam Gò Công.

Từ đây, nhiều công trình thủy lợi phục vụ việc nuôi, khai thác thủy, hải sản liên tục được xây dựng chủ yếu làm bằng cơ giới thay cho lao động thủ công truyền thống, góp phần quan trọng cho việc thực hiện bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, phát triển bền vững phong trào nuôi thủy sản.

Nhờ đó, diện tích nuôi tôm ngày càng được mở rộng, kết hợp với khai thác nguồn lợi thủy sản từ các cồn bãi đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình, góp phần khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi, khai thác thủy sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Khu vực nuôi tôm  tập trung tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông nhìn từ trên cao.  Ảnh: TRẦN LIÊM
Khu vực nuôi tôm tập trung tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông nhìn từ trên cao. Ảnh: TRẦN LIÊM

2. 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam cũng là chặng đường 10 năm từ khi thành lập huyện Tân Phú Đông, nghề nuôi thủy sản đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Phú Đông, nên đã được huyện tập trung đầu tư, khai thác.

Kết quả cụ thể cho thấy, nếu như năm 2008, toàn huyện Tân Phú Đông chỉ có khoảng 3.084 ha nuôi tôm, với sản lượng khoảng 14.532 tấn, đến cuối năm 2017 diện tích nuôi tôm đã tăng lên trên 6.030 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt khoảng 1.597 ha.

Thực tiễn cho thấy, với thời gian thả nuôi từ 2 đến 3 vụ/năm, năng suất bình quân đạt từ 5,5 - 6,5 tấn/ha/vụ đối với tôm sú và từ 8,5 - 12 tấn/ha/vụ đối với tôm thẻ chân trắng, người nuôi có thể thu lãi từ 250 - 350 triệu đồng/ha/vụ...

Việc nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển phía Đông của tỉnh, tập trung nhiều ở huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông, hiện đã có sự chuyển hướng rõ rệt. Thực tế cho thấy, tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng nuôi ưu tiên, vì thời gian nuôi ngắn, rút ngắn được rủi ro.

Bên cạnh đó, ngoài các mô hình nuôi tôm truyền thống, từ năm 2017 các hộ nuôi tôm trong tỉnh cũng đã bắt đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong nuôi tôm nước lợ như: Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, ban đầu với diện tích 30 ha/14 hộ, cho năng suất bình quân từ 40 - 70 tấn/ha (nuôi thông thường từ 15 - 20 tấn/ha).

Đồng thời, tỉnh và địa phương cũng đang triển khai xây dựng quy hoạch Khu nuôi thủy sản với diện tích 352 ha (ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) để mời gọi đầu tư trong thời gian tới. Điều này cũng được kỳ vọng để ngành nuôi trồng thủy sản có bước bứt phá nhanh trong thời gian tới.

Ngoài con tôm, nghêu cũng là đối tượng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân ven biển. Ngoài tập trung vào vùng nuôi nghêu ven biển, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện hoàn thiện các thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông; đồng thời, tiếp nhận Dự án “Phát triển chuỗi giá trị Ngao - Tre toàn diện, bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; phối hợp với Viện Nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài nghiên cứu mô hình nuôi nghêu tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Chưa kể, nghề khai thác biển của tỉnh thời gian qua cũng không ngừng phát triển. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây cho thấy, Tiền Giang hiện có hơn 1.400 tàu khai thác, với hơn 527.000 CV và hơn 9.800 ngư dân đang hoạt động trực tiếp trên tàu.

Không chỉ chú trọng vào khai thác tự nhiên, xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành Thủy sản cũng được tỉnh, địa phương quan tâm thực hiện ở khu vực ven biển phía Đông của tỉnh.

Theo đó, thời gian qua tỉnh, địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá như: Dự án Khu neo đậu trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp, với tổng mức đầu tư gần 124 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp Trại Sản xuất nghêu giống Tân Thành (huyện Gò Công Đông), với tổng mức đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng.

Đồng thời, đội tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần, tàu thu mua chế biến thủy sản trên biển cũng được phát triển, hiện có số lượng hơn 300 tàu. Bên cạnh đó, tỉnh, địa phương cũng tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng cá (Cảng Mỹ Tho diện tích 20.000 m2, hàng hóa qua cảng hằng năm khoảng 65.000 tấn và Cảng Vàm Láng có diện tích 7.500 m2, hàng hóa qua cảng hằng năm 55.000 tấn) và Khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Soài Rạp, với sức chứa 350 tàu. Tiền Giang hiện có 15 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, với công suất thực hiện hằng năm khoảng 380 chiếc...

NHÓM PVKT

(Còn tiếp)

.
.
.