Thứ Sáu, 05/10/2018, 21:59 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp FDI kỳ vọng gì ở Việt Nam trong 30 năm tới?

Các nhà đầu tư FDI kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để duy trì vị thế là "thỏi nam châm" thu hút FDI của khu vực.

Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì những đánh giá lạc quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong chính sách định hướng, thu hút FDI thế hệ mới của Việt Nam trong thời gian tới.

a
Hạ tầng giao thông chính là một trong những yếu tố "cần" để Việt Nam thu hút được các dòng vốn có chất lượng cao hơn trong thời gian tới.

Trước tiên, nhận định về những kỳ vọng trong thời gian tới của nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Kelly - Chủ tịch Amcham cho biết: “Hướng tới 30 năm tiếp theo, Việt Nam có những cơ hội tuyệt vời trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài”. Tính đến nay, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đã tham gia thị trường đầu tư tại Việt Nam được 24 năm và theo ông Michael Kelly, họ vẫn kỳ vọng lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Michael Kelly: “Chính phủ Việt Nam cũng cần đảm bảo tính công bằng, khách quan trong hoạt động đầu tư và ngoài ra Luật Đầu tư cần có những điều khoản quy định rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Tomaso Andreatta - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết: “Mặc dù doanh nghiệp FDI cần thị trường Việt Nam tuy nhiên Việt Nam cũng phải có những điều kiện cần và đủ để tiếp tục duy trì được vị thế của mình tại khu vực trong hoạt động thu hút FDI."
Cụ thể, bên cạnh các yếu tố cần thiết như môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng và mở cửa thị trường, thì trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng nền tảng sản xuất, công nghệ, hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nông nghiệp, dịch vụ công nghệ, khuyến khích công nghệ mới như xe chạy bằng điện hay những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao... trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cũng là điều hết sức cần thiết.

Theo ông Tomaso, để thực hiện việc "gõ cửa đúng" các dòng vốn hướng vào các lĩnh vực mới, Việt Nam cần xây dựng hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết nhanh và hiệu quả giữa các bên khi có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng, qua đào tạo và có thể vận hành các thiết bị tự động hoá cũng phải là những ưu tiên trong chính sách định hướng, thu hút FDI trong thời gian tới của Việt Nam.

"Chính phủ cũng nên có chính sách khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, bởi chắc chắn không một người tiêu dùng nào muốn sử dụng các sản phẩm mà không đảm về yếu tố thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng. Việt Nam cần đi trước thực hiện hiệu quả yếu tố này ", ông Tomaso Andreatta khuyến nghị.

(Theo enternews.vn)

 

.
.
Liên kết hữu ích
.