Thứ Hai, 19/11/2018, 10:51 (GMT+7)
.

Quyết tâm cải thiện chất lượng nông sản

Ngành Nông nghiệp đang quyết tâm chuyển hướng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, tạo ra giá trị gia tăng và mang tính bền vững. Đây cũng là xu thế chung hiện nay.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn của Tiền Giang đã có mặt tại Trung tâm Thương mại dịch vụ GO! Mỹ Tho.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn của Tiền Giang đã có mặt tại Trung tâm Thương mại dịch vụ GO! Mỹ Tho.

Quyết tâm của ngành Nông nghiệp bắt đầu từ thực tiễn sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng khắt khe nên khâu sản xuất, phân phối cũng phải thay đổi.

Tại Hội nghị “Đánh giá năng lực và thúc đẩy công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp khu vực phía Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức gần đây, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Văn Hóa nhấn mạnh, trong chặng đường sắp tới, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, bắt đầu từ việc thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; thu hút đầu tư, phát huy vai trò của doanh nghiệp, đi kèm là Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách; đồng thời, phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Theo đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung; tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi giá trị đối với từng nhóm ngành hàng và tập trung chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch…

Tất nhiên, định hướng này cũng đã được đặt ra nhiều năm, nhưng hiện nay ngành Nông nghiệp đang rất quyết tâm thông qua việc xây dựng và triển khai nhiều đề án quan trọng của ngành.

Thúc đẩy khâu chế biến

Nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chế biến nông sản nói riêng, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương đề xuất các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục dự án mời gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ mời gọi, giới thiệu các đối tác, các nhà đầu tư có năng lực để tìm hiểu xây dựng các nhà máy chế biến thanh long tại tỉnh. Đề xuất này đã được Bộ NN-PTNT thống nhất; đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng có ý kiến sẽ tham gia với tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch tổng thể, dài hạn về công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp để giới thiệu tiềm năng và cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm.

Lĩnh vực nông nghiệp được tỉnh ưu tiên trong kêu gọi đầu tư, nhất là thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 vừa qua. Bởi trong nhóm các dự án được tỉnh trao chủ trương nghiên cứu đầu tư, có nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn như: Dự án Nhà máy chế biến trái cây (nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình) nhằm đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái dừa, với công suất khoảng 400.000 trái dừa/ngày; Dự án Trung tâm nghiên cứu giống và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến Mê Kông (nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại xây dựng An Na, với quy mô khoảng 20 ha); Dự án Xây dựng nhà máy chế biến nông sản (nhà đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Thiên Hộ, với quy mô khoảng 3 ha, vốn đầu tư khoảng 229 tỷ đồng) hay Dự án Sản xuất, chế biến nông sản sạch (nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, với vốn đầu tư khoảng 110 tỷ đồng)…
 

Với mục tiêu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông dân so với sản xuất truyền thống, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa - gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa - gạo, mới đây UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở NN-PTNT lập Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2125 ngày 8-8-2018. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã tổ chức triển khai nội dung dự án đến các sở, ngành, địa phương, nông dân, đại diện tổ chức nông dân, doanh nghiệp... và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Bước đầu, dự án đã triển khai mô hình cấy lúa kết hợp phân bón với quy mô 7,5 ha/12 hộ. Tại mô hình này, ngành Nông nghiệp đã triển khai trình diễn sử dụng máy cấy 3 trong 1 và phân bón sử dụng cho cả vụ được vùi 1 lần vào đất ngay từ đầu (tại thời điểm cấy lúa) vào ngày 11-9-2018.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang chuẩn bị tiếp tục triển khai mô hình cấy lúa kết hợp phân bón thông minh trong vụ đông xuân 2018 - 2019 tại các huyện Gò Công Tây, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè.

Thật ra, việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa - gạo gắn với vùng nguyên liệu tập trung và sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao đã được Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) manh nha thực hiện trong nhiều năm qua.

Nền tảng của sự chuyển hướng sản xuất - kinh doanh của Tigifood vẫn xoay quanh thực hiện Cánh đồng lớn, bắt đầu từ việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, có kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thậm chí là không sử dụng thuốc BVTV.

Tigifood cũng đang xây dựng chương trình thương hiệu gạo riêng cùng với việc hưởng ứng xây dựng thương hiệu gạo Quốc gia.

Theo đó, trong năm 2016, Tigifood đã ra mắt 5 nhãn hiệu gạo an toàn theo 5 phân khúc thị trường, bao gồm: Gạo đặc sản, gạo thơm; gạo thơm; gạo chất lượng cao; gạo dạng phổ thông và gạo sạch hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV.

Trao đổi gần đây, Phó Giám đốc Tigifood Lê Thanh Khiêm cho biết, qua các mô hình liên kết sản xuất, kết quả phân tích tồn dư thuốc BVTV trên các sản phẩm của Tigifood bước đầu đạt kết quả rất khả quan, đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn gạo an toàn theo Thông tư 50 của Bộ Y tế; tiệm cận sát với tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản, EU và đạt xấp xỉ tiêu chuẩn FDA - Hoa Kỳ.

Đặc biệt, với mô hình lúa - tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV đã cho kết quả rất tốt, cả 13/13 chỉ tiêu thường gặp khi xuất khẩu đi Hoa Kỳ đều không phát hiện tồn dư thuốc BVTV.

Đây là nền tảng quan trọng để nhân rộng các mô hình sản xuất trong thời gian tới của Tigifood nói riêng và của ngành hàng lúa - gạo Tiền Giang nói chung.

Ngoài xây dựng dự án trên ngành hàng lúa - gạo, ngành Nông nghiệp cũng đã xây dựng Dự án “Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”. Dự án đang trong giai đoạn chỉnh sửa sau thẩm định, dự kiến UBND tỉnh sẽ phê duyệt cuối năm 2018.

Tuy nhiên, trên thực tế, qua công tác tuyên truyền, khuyến cáo ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, nhiều hộ dân đã đầu tư nhà lưới, nhà màng để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Thống kê gần đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 104 ha canh tác rau trong nhà màng và nhà lưới; trong đó có 426 nhà lưới, với diện tích khoảng 100 ha và 18 nhà màng, với diện tích hơn 4 ha.

Chưa dừng lại ở đó, ngành Nông nghiệp cũng đang xây dựng nhiều đề án sản xuất theo chuỗi giá trị, an toàn cho người tiêu dùng. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ có bước chuyển hướng tích cực...

A.P

.
.
.