Thứ Năm, 27/12/2018, 20:35 (GMT+7)
.

"Giải mã" xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,2 tỷ USD

Xuất khẩu cá tra năm 2018 tăng ngoạn mục nhờ những dấu hiệu tích cực từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc , Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, diện tích nuôi cá tra năm 2018 đạt 5.400 ha, tăng 3,3%, sản lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017.
“Năm 2018, xuất khẩu cá tra có sự phát triển ngoạn mục, từ kim ngạch 1,7 tỷ USD năm 2017 bật lên đạt mức kỷ lục 2,26 tỷ USD. Trong khi suốt 5 năm qua, xuất khẩu cá tra chỉ loanh quanh ở vùng 1,5-1,8 tỷ USD. Mục tiêu ban đầu cho năm 2018, ngành thủy sản cũng chỉ dám đề ra mức cố gắng đạt 1,9-2 tỷ USD”, ông Oai nhấn mạnh.

Lý giải về mức kỷ lục mới của xuất khẩu cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá, kết quả này có được là nhờ sự cộng hưởng nhiều yếu tố.

Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, cá tra ở mức giá cao. Sang năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng. Đáng chú ý là thị trường Mỹ, sau quá trình kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ đã minh chứng cho thế giới thấy chất lượng của cá tra Việt Nam.

a
Năm 2018, xuất khẩu cá tra có sự phát triển ngoạn mục.


“Thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, một số doanh nghiệp có thuế suất 0% đã giúp thị trường quan trọng này tăng trưởng vượt bậc. Một phần quan trọng là các doanh nghiệp cá tra đã ý thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các DN chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường", ông Quốc phân tích.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, nhờ giá trị tăng trưởng tốt của một số thị trường lớn truyền thống như: Mỹ, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), Liên minh châu Âu (EU), ASEAN đã kéo tổng xuất khẩu cá tra lên.
Cụ thể, phân tích thị trường tiêu thụ cá tra năm nay cho thấy, Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, chiếm 24,2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam sau một thời gian bị Trung Quốc qua mặt.

Có thể nói đây là kết quả ấn tượng nếu nhìn lại quá trình 16 năm qua của cá tra Việt tại thị trường Mỹ, liên tục phải chống trọi với các hàng rào vô lý được nước này dựng lên. Vào ngày 28/6/2002, Hiệp hội Chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đã đệ đơn kiện một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) là các sản phẩm cá tra và basa philê đông lạnh được bán thấp hơn giá trị hợp lý tại thị trường Mỹ, gây thiệt hại về vật chất cho sản xuất nội địa.
Từ đó đến nay, liên tục các phán quyết áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam năm nào cũng được Mỹ đưa ra.

"Năm 2018, chúng ta đã đón các đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến kiểm tra tại Việt Nam. Sau quá trình kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ đã minh chứng cho thế giới thấy chất lượng của cá tra Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh.

Cùng với đó, thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng 29,3%, chiếm 23,7% thị phần, đứng ở vị trí số 2. Thị trường EU đã hồi phục ấn tượng sau thời gian dài ảm đạm do ảnh hưởng truyền thông bôi nhọ. Tính đến hết năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU tăng 17,1% so với năm ngoái.

Mặc dù có kết quả tăng trưởng ấn tượng, nhưng theo nhiều chuyên gia, năm 2019 ngành cá tra sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đối với Trung Quốc là thị trường gần, nhu cầu lớn nhưng thiếu ổn định.
Còn đối với xuất khẩu chính ngạch, một số tiêu chuẩn chung chung, chưa rõ ràng có thể là cái cớ để bên mua từ chối mua hàng khi giá cả biến động.
"Vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch rất đáng lo vì sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, có thể làm ảnh hưởng uy tín của cá tra Việt Nam", ông Dương Nghĩa Quốc đánh giá.

Đặc biệt, cùng với Indonesia, Trung Quốc cũng đang tích cực nuôi thử nghiệm cá tra thịt đỏ tại một số vùng để trước mắt phục vụ thị trường nội địa.

Do đó, chuyên gia nhận định, đề xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất giảm chi phí đầu vào và có từng phân khúc khách hàng riêng để tránh làm ảnh hưởng đến nhau. Đặc biệt, không chỉ gia tăng số lượng mà cần chú trọng nâng cao chất lượng, gia tăng sản phẩm giá trị cao và tận dụng nguyên liệu cho “chế biến hết” trong ngành cá tra.

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.