Thứ Năm, 10/01/2019, 21:09 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó khi đưa hàng vào siêu thị

Mặc dù giá trị xuất khẩu thuỷ sản lên tới 9 tỷ USD năm 2018, tuy nhiên sản phẩm thuỷ sản vẫn đang "bỏ ngỏ" thị trường nội địa bởi nhiều khó khăn liên quan mức chiết khấu và tiêu chuẩn lệch quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra với nhiều năm kinh nghiệm ở các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật vẫn phải than khó khi phát triển thị trường nội địa vì thủ tục quá phức tạp.

a
Tỉ lệ các sản phẩm thuỷ sản trên các hệ thống siêu thị bán lẻ chưa cao.

"Ngành chế biến thủy sản của Việt Nam đã đạt trình độ cao, nhà máy sạch theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Cá tra nguyên liệu thì truy xuất nguồn gốc từ cá bố mẹ, thức ăn, con giống đến ao nuôi, ngày thu hoạch, thời điểm chế biến đến đường vận chuyển, kệ hàng siêu thị ngoại. Siêu thị ngoại cử chuyên gia đến "nằm vùng" tại doanh nghiệp để kiểm tra thực tế, còn bán lẻ trong nước chủ yếu đòi hỏi chứng từ. Thủ tục, giấy tờ nhìn qua tưởng dễ nhưng doanh nghiệp làm hoài không xong. Công ty CP Gò Đàng phải mất 2 năm để đưa hàng vào siêu thị trong nước sau nhiều lần hồ sơ rớt từ vòng ngoài", ông Đạo dẫn chứng.

Không chỉ liên quan tới vấn đề thủ tục, hồ sơ hay mức chiết khấu cao khiến doanh nghiệp nản lòng, các doanh nghiệp thuỷ sản còn cho biết gặp phải trở ngại lớn liên quan đến giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MPRL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm làm “cản đường” sản phẩm thủy sản vào các siêu thị, kênh bán lẻ.

Theo đó, với cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý, hệ thống siêu thị và các nhà cung cấp về một số quy định nên nhiều mặt hàng thủy sản có chứa chloramphenicol (CAP - một chất cấm trong thủy sản) dù có hàm lượng rất thấp dưới 0,3 ppb (đơn vị phần tỉ), đạt yêu cầu để xuất khẩu sang EU đã bị các vào kênh phân phối nội địa này từ chối.

Cụ thể, theo kiến nghị của Hiệp hội thuỷ sản (Vasep) quy định tại Quyết định số 2005/34/EC ngày 11-1-2005 của Ủy ban châu Âu, nếu kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức hiệu năng phân tích tối thiểu thì thực phẩm không bị cấm sử dụng làm thực phẩm và vẫn được phép nhập khẩu vào EU.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ ban hành mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng nhưng chưa ban hành quy định về mức MPRL đối với các chỉ tiêu cấm sử dụng nên các siêu thị vẫn không chịu chấp nhận các lô hàng thực phẩm có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm mặc dù dư lượng của các chất này trong sản phẩm rất thấp, nằm dưới ngưỡng MPRL quy định của EU nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Có thể thấy, mặc dù xuất khẩu đạt kim ngạch 9 tỷ USD năm 2018 tuy nhiên sản phẩm thuỷ sản dường như vẫn “bỏ ngỏ” thị trường nội địa từ lâu. Nói như bà Ngô Thị Thức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vùng 1- Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, mặc dù đơn vị rất quan tâm thị trường cá tra trong nước, mỗi năm đều có các chính sách, chương trình hỗ trợ như hội chợ, triển lãm để tạo môi trường kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Cùng với cá tra, mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ hai là tôm cũng có mặt tại các siêu thị trong nước chưa nhiều.

Trong khi đó, bối cảnh hội nhập với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do khiến thị trường 9 triệu dân có thể trở thành “sân” của các doanh nghiệp ngoại. Các doanh nghiệp nước ngoài hiện đã nhanh chân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cùng với ưu thế về quy mô, công nghệ, tài chính để đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Chính vì thế, để phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp nội cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong nước, gia tăng giá trị đối với sản phẩm…

“Muốn chiễm lĩnh thị trường nội địa doanh nghiệp phải khảo sát nhu cầu thị trường để nuôi cho phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất. Việc khảo sát thị trường, thông tin thị trường cả nội địa và xuất khẩu các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, hướng đi phù hợp... Hiện nay, ngoài sản phẩm fillet cá tra, Vĩnh Hoàn đang tập trung hướng sản xuất nhiều sản phẩm từ chế phẩm cá tra vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa xuất khẩu”, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn kiến nghị.

Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị sớm liên thông tiêu chuẩn với quốc tế để doanh nghiệp không mất cơ hội, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.