Thứ Sáu, 29/03/2019, 15:05 (GMT+7)
.

Siết truy xuất nguồn gốc trái cây

Bên cạnh các thị trường khó tính, mới đây Trung Quốc cũng siết chặt về truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm trái cây tươi xuất khẩu vào thị trường này.

1. Một trong những thông tin đáng quan tâm là theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), theo yêu cầu của Trung Quốc, trong thời gian tới tất cả trái cây tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây tươi cho cơ quan có thẩm quyền của phía Trung Quốc.

Do đó, để đảm bảo xuất khẩu trái tươi thuận lợi, đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo Sở NN-PTNT gấp rút triển khai thống kê thông tin vùng trồng cây ăn trái, cơ sở đóng gói trái tươi theo quy định của Trung Quốc.

Trước mắt, các địa phương cần tập trung thống kê các loại trái cây tươi: Thanh Long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, dưa hấu…

Trái cây xuất khẩu phải truy xuất nguồn gốc.
Trái cây xuất khẩu phải truy xuất nguồn gốc.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam: Từ 302 triệu USD năm 2013, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã tăng lên hơn 2,7 tỷ USD, chiếm hơn 73% trong năm 2018. Bộ NN-PTNT cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn cần phát huy, khai thác; bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu rau quả Việt Nam có giá trị cao và bền vững.

“Hiện nay, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 8 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm: Thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chuối, mít với bên cạnh yêu cầu cơ bản về bảo vệ thực vật như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”- đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết.

2. Truy xuất nguồn gốc hiện đang được các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây quan tâm, trong đó áp dụng việc truy xuất nguồn gốc trái cây thông qua việc áp dụng cấp mã số vùng trồng. Vậy mã số vùng trồng là gì? Thủ tục để được cấp mã số vùng trồng ra sao?

Thông tin liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (gọi tắt là Trung tâm - Cục Bảo vệ thực vật) Lê Nhật Thành cho biết: Mã số vùng hiểu nôm na là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; đồng thời, đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó (tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số).

Theo quy định hiện hành, một vùng trồng được xem xét cấp mã số phải đảm bảo nguyên tắc là vùng sản xuất tập trung, có quy mô không nhỏ hơn 7 ha và không lớn hơn 12 ha.

Hiện nay, Trung tâm là đơn vị được Cục Bảo vệ thực vật giao cấp mã số vùng trồng cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Tổ chức, cá nhân muốn cấp mã số vùng trồng phải có đơn xin cấp mã số (theo mẫu) gửi Trung tâm.

Đơn gồm có thông tin liên lạc, thông tin về chủng loại cây trồng, số hộ dân tham gia sản xuất trong vùng trồng, tổng diện tích vùng trồng và phải có một hộ dân trong vùng trồng đó làm tổ trưởng đại diện…

Sau khi nhận đơn, Trung tâm sẽ hướng dẫn, tư vấn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp mã số. Sau đó, Trung tâm sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra thực địa, với một số yêu cầu cơ bản như: Vùng trồng phải theo hướng VietGAP (tuy nhiên không bắt buộc phải có giấy chứng nhận VietGAP), nhất là đảm bảo vệ sinh đồng ruộng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại…

Nếu đạt yêu cầu, Trung tâm sẽ tiến hành cấp một mã số vùng trồng; đồng thời, gửi văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân để xác nhận mã số đã được cấp để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin này vào hồ sơ, bao bì nhãn mác sản phẩm khi xuất khẩu (nếu nước nhập khẩu có yêu cầu).

Khi một nước nhập khẩu có yêu cầu hàng nông sản Việt Nam phải có mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ gửi thông tin về mã số vùng trồng đã cấp cho nước nhập khẩu.

Căn cứ vào mã số do Cục Bảo vệ thực vật phía Việt Nam cấp, các cơ quan chức năng cửa khẩu của nước nhập khẩu sẽ đối chiếu với hồ sơ, thông tin trên bao bì nhãn mác của lô hàng nhập khẩu (trong đó có mã số vùng trồng), nếu trùng khớp mới cho phép thông quan…

A.P

.
.
.