Thứ Tư, 07/08/2019, 20:34 (GMT+7)
.

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

(ABO) Chiều 7-8, UBND tỉnh Tiền Giang có buổi làm việc với các bộ, ngành Trung ương, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (DNDA), các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn liên quan đến Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án). Tham dự có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.
 
 
a
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Theo DNDA, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại thông báo số 99 TB-VPCP ngày 18-3-2019 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Dự án, nhà đầu tư đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng bao gồm: Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế để rà soát các tồn tại trước đây của Dự án và tham vấn ý kiến để khắc phục điều chỉnh. Đồng thời, nhà đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang trong việc bàn giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ký kết phụ lục hợp đồng số 2 ngày 8-5-2019 của hợp đồng dự án số 14/HĐ.BOT-BGTVT ngày 18-11-2016 với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới là UBND tỉnh Tiền Giang. Trong đó điều chỉnh lãi suất ngân hàng phù hợp với thông tư số 88/2018TT-BTC. 

 
a
DNDA phát biểu ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh về năng lực của các nhà đầu tư, Đại hội đồng cổ đông đã thống nhất cơ cấu lại nhà đầu tư/cổ đông của DNDA. Theo đó, loại bỏ các nhà đầu tư gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Công ty cổ phần Hoàng An, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 5, còn lại 3 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng B.M.T.
 
a
Đại diện lãnh đạo Viettinbank, ngân hàng "đầu mối", phát biểu ý kiến
Đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại quyết định số 2463QĐ-UBND ngày 2-8-2019, trong đó cập nhật các nội dung thay đổi và khắc phục được tồn tại nhất trước đây như: Đơn giá vật liệu theo thông báo giá của địa phương phù hợp; điều chỉnh lãi suất vốn vay; điều chỉnh liên doanh nhà đầu tư; điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian thi công…
 
a
Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải phát biểu ý kiến liên quan đến Dự án.
 
Cũng theo DNDA, nhà đầu tư đã góp và huy động vào Dự án là 2.500 tỷ, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.542 tỷ đồng, vốn huy động khác là 924 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ Dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, về nguồn vốn tín dụng, DNDA đã đề nghị các ngân hàng thẩm định lại song song với quá trình phê duyệt Dự án. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam chi nhánh 4 (TP. Hồ Chí Minh) đã có ý kiến tại văn bản với yêu cầu cơ cấu nguồn vốn. 
 
Theo DNDA để đảm bảo tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc khơi thông nguồn vốn cho Dự án là rất quan trọng. Theo đó, DNDA đề nghị các ngân hàng tài trợ vốn thống nhất cơ cấu nguồn vốn theo phương án tài chính đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt vào ngày 2-8; xem xét phụ lục hợp đồng Dự án sau khi điều chỉnh, khả năng ghi vốn và giải ngân vốn ngân sách nhà nước của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
 
a
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu ý kiến.
Trên cơ sở đó, để xác định việc thu xếp cho vay; đồng thời, tháo gỡ các điều kiện cho vay không phù hợp khi thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng. DNDA cũng kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 14-8-2019 cho phép sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để hỗ trợ Dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Trên cơ sở Quyết định ngày 2-8-2019 và dự thảo phụ lục hợp đồng nhà đầu tư tại trình, DNDA kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án trước ngày 10-8-2019, làm cơ sở cho ngân hàng thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo tiến độ Dự án…
 
a
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho DNDA vay vốn.
Tại buổi làm việc, các ngân hàng tài trợ vốn đã có nhiều ý kiến xoay quanh việc cho DNDA vay vốn. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định đây là dự án quan trọng, cấp bách, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt và tỉnh Tiền Giang rất trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng cùng một số công việc khác; những vướng mắc trong việc cho vay là không lớn, nếu có sự thống nhất bàn bạc giữa nhà đầu tư và các ngân hàng
 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định các ngân hàng thương mại không thiếu vốn. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng thương mại để cho doanh nghiệp vay, nhưng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Do đó, các ngân hàng phải làm rõ được vấn đề này và doanh nghiệp phải chứng minh được điều đó với ngân hàng. Trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn, có khó khăn vướng mắc, phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ xử lý, góp phần đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, với trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực, trách nhiệm, đồng hành cùng DNDA tháo gỡ các khó khăn liên quan đến Dự án. Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang vẫn tập trung cao độ, đến ngày 7-8, hiện chỉ còn 37/3.292 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án. Những vấn đề DNDA kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ có trách nhiệm giải quyết, nỗ lực hết mình để đảm bảo tiến độ của dự án.
 
D. SƠN - M. THÀNH
 
 
 
.
.
.