Thứ Hai, 13/04/2020, 11:11 (GMT+7)
.

14 tỷ USD và chiếc "lò xo" kinh tế

Các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa, theo số liệu dự kiến ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính trị giá 330 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD (hiện Thủ tướng đã chỉ đạo nâng lên mức 22 tỷ USD) cũng đã và đang được thực hiện nhằm góp phần giảm thiểu những hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 gây ra. Các gói chính sách này được đánh giá là kịp thời trong giai đoạn nền kinh tế cả nước bị tổn thương nặng nề do tác động của dịch bệnh Covid-19.

 Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng Việt Nam, Khu công nghiệp Long Giang. Ảnh: N. Văn
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng Việt Nam, Khu công nghiệp Long Giang năm 2019. Ảnh: N. Văn

Trên thực tế, những gói chính sách an sinh xã hội, kích cầu sản xuất và tiêu dùng… đã từng được Chính phủ triển khai thực hiện. Sau khủng hoảng kinh tế diễn ra năm 2008, Chính phủ cũng đã từng triển khai gói kích cầu kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 122 ngàn tỷ đồng (tương đương 6,9 tỷ USD, tỷ giá tính theo thời điểm triển khai gói kích cầu). Trước đó, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực vào năm 1997, những gói kích cầu nền kinh tế cũng đã được triển khai. Chưa kể các gói kích cầu nền kinh tế mang tính thời điểm như chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, chính sách tín dụng hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch…

Tất nhiên, gói chính sách vừa được Chính phủ ban hành được xem là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế, kể cả góp phần giải quyết an sinh xã hội. Các gói chính sách này được xây dựng và triển khai ngay khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn ra. Điều này cho thấy tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, thông qua các gói chính sách này cũng cho thấy, nội lực của nền kinh tế Việt Nam từng bước lớn mạnh và vững chắc hơn trước rất nhiều.

Việc triển khai ngay các gói chính sách cũng cho thấy, quyết tâm của Chính phủ trên 2 mặt trận là chống dịch bệnh Covid-19 và giữ ổn định, phát triển kinh tế. Bởi trên thực tế, kinh tế quý I-2020 của cả nước chỉ tăng trưởng đạt 3,82%, dù là mức cao nhất của khu vực, nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua và chỉ bằng hơn 1/2 so với kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế của cả năm 2020, nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cần “lò xo kinh tế” phải bật mạnh sau đại dịch Covid-19. Chiếc “lò xo” kinh tế này vốn đã bị nén lại trong những tháng đầu năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng với tình hình hạn, mặn diễn biến bất thường và nhiều yếu tố tác động bất lợi khác.

Nằm trong bức tranh chung của cả nước, chiếc “lò xo” kinh tế của Tiền Giang bị nén lại cũng với nhiều nguyên nhân tương đồng với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và hạn, mặn kéo dài đã làm cho tốc độ tăng trưởng quý I-2020 của Tiền Giang chỉ đạt 3,9% (cả nước tăng 3,82%) và thấp hơn so với cùng kỳ 2019 (5,6%). Dưới tác động bất lợi này, một kịch bản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội sau dịch bệnh Covid-19 và hạn, mặn cũng đã được UBND tỉnh tính toán. Và tất nhiên, cùng với cả nước, mục tiêu là chiếc “lò xo” kinh tế của Tiền Giang cũng cần được bật mạnh khi những yếu tố bất lợi dần khép lại.

Câu hỏi đang được đặt ra vậy đâu là lực đẩy cho chiếc “lò xo” kinh tế bật mạnh trong thời gian tới? Đây là câu hỏi không dễ tìm đáp án nếu không có sự quyết tâm, đồng lòng. Bởi ngoài các gói chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả, sức bật cho chiếc “lò xo” kinh tế còn nằm ở chỗ, như nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”…

ANH PHƯƠNG

.
.
.