Thứ Bảy, 13/02/2021, 20:25 (GMT+7)
.

Đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ).

Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng trưởng dựa trên chất lượng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. 

Gia tăng chất lượng tăng trưởng

Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế của Việt Nam đã thành công chuyển dịch cơ cấu từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực kinh tế Nhà nước sang khu vực tư nhân và khu vực FDI. 

Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 14,3% năm 2016 lên khoảng 16,9% năm 2020; trong khi ngành khai khoáng giảm từ 8,1% năm 2016, xuống còn 6,2% năm 2020. 

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 52% năm 2016 lên khoảng 78% năm 2020. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh từ mức 38,7% năm 2015, lên khoảng 46,9% năm 2020.

Đồng thời, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt với sự đóng góp ngày càng tăng của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP. Đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP từ 33,6% giai đoạn 2011-2015, lên khoảng 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,3%, vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%). Năng suất lao động tăng khá nhanh, từ tốc độ tăng 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6% giai đoạn 2016-2020.

Cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế được thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, cơ cấu lại DN nhà nước được đẩy mạnh và thực chất hơn; cơ cấu lại đầu tư công được chú trọng, kỷ luật đầu tư công được siết lại, dần khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống. 

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng đã được xử lý một bước quan trọng; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế đi vào thực chất, tiếp tục chuyển dịch tích cực và đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ tăng lên. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường

Theo GS, TS, Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD), chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được xác định là một quá trình thường xuyên để nền kinh tế luôn năng động, liên tục có cải thiện về năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, tự nội tại nền kinh tế luôn tạo ra được những “dư địa” tăng trưởng mới.

“Đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số” - GS, TS, Trần Thọ Đạt nhận định. 

Xây dựng nền kinh tế tự chủ

Để phát triển nhanh và bền vững Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ Tư giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định phải dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phải đổi mới tư duy, tầm nhìn và hành động; phải chuẩn bị tâm thế thật tốt để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Bộ KHĐT)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Bộ KHĐT)

“Theo đó, phải chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” - Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Theo vị lãnh đạo ngành KHĐT, cần phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng miền, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hơn nữa cần lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.

Bên cạnh đó, cần phát triển nhanh và hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. 

Theo đồng chí Nguyễn Chí Dũng, cần phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

“Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài” - Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.