Thứ Hai, 22/02/2021, 15:32 (GMT+7)
.

Gò Công Tây: Chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả canh tác

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện tại, huyện đã thực hiện cắt vụ thu đông; diện tích cây ăn trái, hoa màu đang tăng dần, góp phần cải thiện đời sống nông dân.

Hiện toàn huyện có 5.300 ha trồng màu xen canh, chuyên canh hoặc luân canh lúa - màu. Thực tế những năm qua, trên cùng một diện tích, việc trồng luân canh lúa - màu, nông dân đã thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với chuyên canh cây lúa.

Chị Phan Thị Thu (xã Đồng Thạnh) cho biết: “Trước đây, tôi sản xuất 3 vụ lúa/năm, nhưng lãi không cao. Thấy cây màu xoay vòng vốn nhanh, hiệu quả kinh tế cũng khá cao nên tôi xen canh 1 vụ lúa/năm, còn lại trồng màu. Nhờ vậy, kinh tế gia đình trở nên khá hơn”.

Cây thanh long phát triển mạnh ở huyện Gò Công Tây
Cây thanh long phát triển mạnh ở huyện Gò Công Tây. Ảnh: MINH THÀNH

Ở những nơi khó khăn về nguồn nước tưới, hằng năm nông dân tập trung chuyển đổi và trồng cây ăn trái để thích nghi với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện tại, cây thanh long được nông dân lựa chọn nhiều để thay thế cho cây lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả khác. Theo thống kê, toàn huyện đã có hơn 700 ha thanh long đang phát triển tốt và diện tích đang tăng dần, tập trung nhiều tại các xã Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Bình Phú và Thành Công...

Đây được xem là loại cây trồng chịu hạn tốt đầy tiềm năng trên vùng đất Gò Công Tây. Ông Phan Thanh Tùng (xã Đồng Sơn) chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long, chia sẻ: “5.000 m2 đất trồng thanh long, trung bình mỗi vụ thu hoạch bán được hơn 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 80 triệu đồng. Đặc biệt, trồng thanh long không tốn nhiều công chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao”.

Riêng với cây bưởi da xanh, huyện cũng đã tập trung phát triển mạnh, do hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa và các loại cây trồng khác. Sau thời gian chuyển đổi, huyện Gò Công Tây đã có hơn 150 ha bưởi da xanh, tập trung tại các xã Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu, thị trấn Vĩnh Bình... Cây dừa Xiêm cũng được nhân rộng do thích hợp thổ nhưỡng, đầu ra ổn định và thị trường tiêu thụ rộng.

Hiện toàn huyện có 428 ha trồng dừa Xiêm uống nước, trong đó có hơn 150 ha đang cho trái ổn định. Đây là loại cây trồng tiềm năng được các ngành chức năng huyện khuyến khích chuyển đổi ở các vùng đất trồng lúa cho hiệu quả kinh tế không cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng lũy kế đến nay, huyện đã chuyển đổi 9.109 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác; trong đó, chuyển sang trồng cây ăn trái trên 1.415 ha (mãng cầu Xiêm, thanh long, bưởi da xanh, dừa…), trồng cỏ hơn 257 ha, cây trồng khác 95 ha, cây màu chuyên canh hơn 328 ha, chuyển sang màu luân canh hơn 7.000 ha, chủ yếu dưa hấu, ớt, bắp… dưới chân ruộng theo các mô hình luân canh, xen canh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngô Văn Dũng cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển sang trồng một số cây như: Dừa, thanh long, bưởi da xanh, rau màu… Mục tiêu của huyện là làm sao phát huy được những tiềm năng, thế mạnh. Theo đó, huyện tiếp tục phát triển những cây trồng đặc trưng; tập trung bố trí cơ cấu sản xuất theo từng vùng, thích hợp với biến đổi khí hậu, xóa thế độc canh của cây lúa, tạo ra việc làm tại chỗ… góp phần nâng cao thu nhập nông dân, xóa khó, giảm nghèo hiệu quả cho địa phương.

KIỀU TƯỚC NGUYÊN

.
.
Liên kết hữu ích
.