Thứ Sáu, 28/05/2021, 15:14 (GMT+7)
.

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Qua 3 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939), các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã có những hỗ trợ thiết thực tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ (HVPN) khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế.

Hội LHPN tỉnh xác định Đề án 939 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp Hội triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ HVPN khởi nghiệp một cách bài bản. Đây cũng là cơ hội giúp HVPN cơ sở khởi nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ từ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể.

NHIỀU HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Các cấp Hội LHPN tỉnh đã đồng hành cùng HVPN trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh; cung cấp các kiến thức về hội nhập kinh tế; hỗ trợ lập kế hoạch đề án, đăng ký kinh doanh, nhãn mác bao bì cho sản phẩm, thực hiện cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ vay vốn bằng nguồn lực do chính chị em phụ nữ đóng góp; phối hợp với ngành Công thương hỗ trợ các hộ kinh doanh kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng bằng hình thức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trao đổi thông tin mua bán qua mạng xã hội...

Sản xuất các sản phẩm ĐTHT tại Công ty TNHH ĐTHT Thiên Ân.
Sản xuất các sản phẩm ĐTHT tại Công ty TNHH ĐTHT Thiên Ân.

Bám sát nội dung Đề án 939, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp HVPN khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thông tin các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh, nhất là về vốn, tìm đầu ra sản phẩm… Theo đó, các cấp Hội đã hướng dẫn HVPN hiện thực hóa 79 ý tưởng kinh doanh; trao phương tiện sinh kế cho 55 phụ nữ nghèo để có vốn khởi nghiệp với số tiền 250 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội quan tâm hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Tính đến tháng 10-2020, các cấp Hội phối hợp hỗ trợ 341 doanh nghiệp mới thành lập do nữ làm chủ, 649 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng; vận động thành lập 10 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.

Nếu so với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thì sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 939 nhiều chỉ tiêu đã vượt cao như: Tuyên truyền đến 89% tổng số HVPN trên địa bàn, vượt 19% so với chỉ tiêu đến năm 2025; đạt 200% chỉ tiêu về thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác do phụ nữ quản lý...

ĐA DẠNG SẢN PHẨM KHỞI NGHIỆP, OCOP CỦA PHỤ NỮ

Với sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội LHPN trong tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh thành công với nhiều sản phẩm đặc trưng. Điển hình như chị Nguyễn Thị Minh Thy (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo.

“Từ hương vị xoài chín phơi khô với độ dẻo vừa phải của bà nội tôi mà tôi đã có ý tưởng sấy dẻo xoài để sử dụng được lâu ngày và giải quyết đầu ra cho trái xoài; đồng thời, góp phần tạo việc làm cho chị em phụ nữ nông thôn. Nghĩ là làm và bước đầu khởi nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn nhưng đến nay việc sản xuất ổn định. Tôi cũng đã thành lập Công ty TNHH Bắc Mỹ Thuận (ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè), ngoài sản xuất xoài sấy dẻo, công ty còn có các mặt hàng khác như chuối, mít, ổi sấy dẻo…”, chị Minh Thy cho biết.

Năm 2021, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động gắn kết cùng các ngành liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ và HVPN về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp; phát huy vai trò phụ nữ về phát triển kinh tế.

Trong đó, chú trọng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp; trợ giúp pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo; duy trì và tổ chức

Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp hằng năm; tư vấn, giới thiệu phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hiện có trên địa bàn tỉnh, các nguồn vốn do Hội quản lý; quan tâm đối với hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, yếu thế, khó khăn có ý chí tiếp cận thị trường; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ; phát động Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” năm 2021…

Còn chị Nguyễn Thị Nhanh (ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước) là HVPN điển hình của xã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế.

Chị Nhanh cho biết: “Trước đây trồng khóm, rồi sau những lần tham dự các lớp tập huấn do Hội LHPN xã tổ chức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sản xuất trồng trọt; đồng thời, được hỗ trợ vốn nên tôi quyết định chuyển sang trồng chanh không hạt kết hợp trồng xen mít Thái và bưởi cho thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn”.

Bên cạnh sản phẩm khởi nghiệp, phụ nữ tỉnh nhà cũng đang có nhiều sản phẩm đạt OCOP, góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tiền Giang hiện có 29 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 3 sao thì trong đó có các sản phẩm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) của Công ty TNHH ĐTHT Thiên Ân của chị Trần Thị Luôn ở xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây.

Chị Luôn cho biết, các sản phẩm ĐTHT của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực. Đến nay, qua hơn 3 năm khởi nghiệp, chị Luôn đã sản xuất và cho ra mắt rất nhiều dòng sản phẩm từ ĐTHT. Trong đó, nước uống đóng chai từ ĐTHT, nấm ĐTHT tươi và sấy khô hiện được hệ thống các siêu thị Co.opmart, Aeon, Tập đoàn VinGroup… ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn.

Hay như sản phẩm trà mãng cầu Phụng Tiên của chị Nguyễn Thị Thu Tiên (xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Chợ Gạo. Với mục tiêu đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tận dụng nguồn nguyên liệu sản xuất sẵn có tại địa phương, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới, việc chế biến trà từ trái mãng cầu Xiêm được xem là hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị cây mãng cầu Xiêm của huyện Chợ Gạo.

LÊ PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.