Thứ Tư, 15/12/2021, 19:31 (GMT+7)
.

ĐBSCL: 'Thuận thiên' bền vững, vượt đại dịch

Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm “Đồng bằng sông Cửu Long: ‘Thuận thiên’ bền vững, vượt đại dịch”, với khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, để phân tích cụ thể về các mô hình chuyển đổi, những giải pháp căn cơ phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân.

Tham dự tọa đàm có các vị khách mời: Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT); ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường; GS.TS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH; GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP26) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Quan điểm “Mọi hành động ứng phó với BĐKH phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà người đứng đầu Chính phủ phát biểu tại COP 26 sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam”, là phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân, và nó gắn kết với Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH – hay còn được gọi là Nghị quyết “thuận thiên”.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt để giúp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu long ứng phó với biến đổi khí hâu, xây dựng các kế hoạch, chương trình giúp khu vực có nền tảng phát triển bền vững, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hạ tầng giao thông, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế cơ sở, an sinh xã hội, phòng chống dich bệnh… là những ưu tiên trước mắt cho khu vực.

Nghị quyết 120/NQ-CP được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Thực tiễn 4 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, thiếu sự chủ động trong quá trình triển khai tại một số bộ, ngành, địa phương. Trước bối cảnh BĐKH ngày càng phức tạp, dịch COVID-19 diễn biến khó lường ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL, đòi hỏi cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khoa học, để có định hướng chiến lược tổng thể, lâu dài, những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, biến thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Để có cái nhìn tổng thể về mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “ĐBSCL: ‘Thuận thiên’ bền vững, vượt đại dịch”.

Cuộc tọa đàm diễn ra vào 9h ngày 16-12 (thứ năm) tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, được phát trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ, fanpage Thông tin Chính phủ.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.